“Nghệ sĩ” đường phố

NGUYỄN NAM QUỐC
“Nghệ sĩ” đường phố

Ở nhiều nước phương Tây, hình ảnh những nghệ sĩ đường phố - biểu diễn ở các quảng trường, vỉa hè-không còn là điều lạ lẫm nhưng ở Sài Gòn thì đó đúng là hình ảnh mới mẻ và hấp dẫn nhiều người. Sau trận thắng bán kết SEA Games 23 của tuyển Việt Nam trước Malaysia, tôi đã tình cờ chứng kiến một nhóm nghệ sĩ đường phố biểu diễn ăn mừng rất xôm tụ.

“Nghệ sĩ” đường phố ảnh 1

“Nghệ sĩ” vô tư vừa hút thuốc, vừa gõ trống.

Ngay trên vỉa hè khá rộng của đường Quang Trung, bên cạnh nhà thờ Xóm Thuốc, một nhóm thanh, thiếu niên khoảng chục người đang hào hứng biểu diễn. Chung quanh là hàng rào khán giả đông đến vài trăm người. Nhóm “nghệ sĩ” chỉ trang bị hai chiếc trống, một cây kèn Tây nhưng chơi nhạc nghe rất đã, bài nọ tiếp bài kia. “Diễn viên” rất vô tư, vừa hút thuốc vừa gõ trống, có “diễn viên” còn “diện” cả áo “da người”.

Khán giả bật ồ lên thích thú khi những màn biểu diễn hip-hop điêu luyện của các diễn viên nghiệp dư xem ra chẳng thua gì dân chuyên nghiệp. Tôi giơ máy chụp hình và khi ánh đèn flash lóe sáng, đám đông hò reo lớn hơn. Các “nghệ sĩ” cũng bắt đầu “bốc” hơn. Liên tục các màn quay, chẻ, cắt… của nhiều “diễn viên” tuổi mới lên mười nhuần nhuyễn đến ngạc nhiên.

Tiếng vỗ tay, hò reo trộn lẫn tiếng kèn, tiếng trống làm huyên náo cả một đoạn phố. Càng “đã” hơn khi những người cổ động với băng cờ chạy ngang hô lớn “Việt Nam chiến thắng”. Khán giả đáp lại hai, ba lần “Việt Nam chiến thắng”, còn trống thì thúc mạnh, kèn hòa âm vang vọng. Cách đó không xa, phía bên kia đường, một nhóm khác “chơi nhạc” theo kiểu gõ xoong chảo cũng hưởng ứng rất nhiệt tình.

Có tiếng hô: “Bắt đầu, bắt đầu, màn trình diễn độc đáo đây!”. Khán giả vỗ tay rầm rầm. Có người ra vẻ rành: “Xiếc! Xiếc! Thằng nhỏ này xiếc hay lắm!”. Tôi cố nhón chân để chuẩn bị ghi hình, hai khán giả bên cạnh tự động nhích ra nhường chỗ, mỉm cười rất thân thiện. Bên trong, “diễn viên” bắt đầu để một quả cầu bằng vải có tua vàng lên một đoạn tre, từ từ đưa lên mũi và… buông tay. Khán giả vỗ tay, cười nói, bình phẩm, khen ngợi quá xá. Lại có tiếng hô: “Xe đạp! Xe đạp!”.

Một chiếc xe đạp được dẫn vào giữa vòng tròn. Màn biểu diễn thăng bằng trên xe đạp sắp bắt đầu thì bỗng có tiếng kêu: “Tư, về nhà ngay!”. Một “diễn viên” nhỏ tuổi giật mình, nhận ra tiếng má gọi, vội vàng lách khỏi vòng tròn. Thế là “diễn viên” này bị má “dẫn độ” về nhà, mặt buồn hiu. Một “diễn viên” khác thì được ông ngoại “điệu” về. Ông ngoại còn kêu các “nghệ sĩ” khác “nghỉ đi, vậy là đủ rồi!”. Các “diễn viên” rã đám. Khán giả ồ lên thất vọng: “Uổng quá! Đang hấp dẫn vậy mà…”.

Tôi chớp cơ hội tiếp cận một “diễn viên”, lúc này đang mở hết nút áo vì nóng, hỏi: “Mấy em biểu diễn có thường xuyên không?”. Anh chàng tươi cười đáp: “Tụi em chơi cho vui thôi, khi nào có dịp đá banh hay lễ Tết gì đó mới chơi. Ra đường cổ động giờ này đông mà cũng nguy hiểm nữa”. Trả lời xong, anh chàng theo các “đồng nghiệp” rút quân. Tôi gặp một khán giả còn chưa chịu về để hỏi thêm về nhóm “nghệ sĩ” thì được biết, đây là những “diễn viên” thường theo đội kèn Tây đi phục vụ ở các đám ma.

Vài tiếng trống vẫn thúc lên rụt rè. Một hồi kèn dài nửa như tiếc nuối, nửa như hứa hẹn nhỏ dần, nhỏ dần theo bước chân những “nghệ sĩ” đường phố khuất vào hẻm nhỏ của đêm Sài Gòn.

NGUYỄN NAM QUỐC

 

Tin cùng chuyên mục