
Không chỉ là một trong những diễn viên hài nổi tiếng ở phía Bắc mà Xuân Bắc còn là một trong rất ít nghệ sĩ chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả nhỏ tuổi. Năm nào cũng vậy, vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, lịch làm việc của Xuân Bắc lại trở nên dày đặc. Song như lời hứa đã được đưa ra từ nhiều năm trước, trong dịp này anh cùng ê kíp của mình vẫn tự bỏ tiền túi đầu tư dựng một vở diễn đầy tính nhân văn dành cho trẻ em.
Nghệ sĩ hài Xuân Bắc
- Phóng viên: Tại thời điểm này, riêng Hà Nội đã có gần chục chương trình nghệ thuật khác nhau dành cho trẻ em, Xuân Bắc có thấy mạo hiểm không khi dấn thân vào cuộc chơi có quá nhiều cạnh tranh?
>> Nghệ sĩ XUÂN BẮC: Nếu chỉ với mục đích làm kinh tế thì tôi chọn nhiều phương án khác thay vì đầu tư nguyên một vở kịch trong thời điểm mà chỉ cần ngồi ở nhà qua màn hình ti vi, ipad, máy tính trẻ em cũng có thể thỏa sức xem hoạt hình, phim ảnh, ca nhạc như hiện nay. Song tôi và ê kíp của mình vẫn lựa chọn “đường khó” cũng bởi một mong muốn các em có nhiều hơn các món ăn tinh thần để có thể lựa chọn ra cái phù hợp với mình.
Thêm nữa, nếu nói về việc xây dựng các vở diễn cho thiếu nhi ở sân khấu Hà Nội, tôi có thể khẳng định trong những năm qua, chúng tôi không chịu về nhì. Vì thế, tôi luôn tự tin rằng với sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, diễn xuất cùng nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, chúng tôi sẽ có những buổi diễn tốt.
- Từ nhiều năm nay, các vở diễn cho thiếu nhi của Xuân Bắc đều có siêu nhân, quái vật, robot trái cây… trong khi nhiều người lại lo ngại rằng việc đưa quá nhiều nhân vật siêu tưởng vào kịch với những pha diễn đầy tính hành động như vật sẽ hướng trẻ em tới cách ứng xử bạo lực?
Nhiều người cho rằng trẻ chơi súng, gươm, kiếm nhựa là bạo lực, ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ nhưng tôi lại không cho là như vậy. Một đứa trẻ chơi với con búp bê cũng chưa chắc đã thuần tính và nhẹ nhàng hơn đứa trẻ chơi với dao kiếm nhựa bởi đồ chơi chỉ là vật dụng. Chính người hướng dẫn trẻ cách chơi và sử dụng những vật dụng ấy mới là người tạo nên những ảnh hưởng trong nhận thức và cách hành xử của trẻ. Chúng ta vẫn hay có kiểu dạy, nếu một anh nào đó đấm thì con nên bỏ về hoặc bỏ chạy.
Hay nếu có anh lấy đồ chơi thì cứ bảo cho em xin mà nếu xin không cho thì bảo về sẽ mách bố. Rồi đến khi bố xin không được thì cũng thôi luôn. Những tình huống mà các bậc phụ huynh vẫn thường dạy và nói với trẻ hoặc ứng xử ở đời sống như vậy, theo tôi chưa hẳn đã đúng. Theo tôi, cũng nên tạo cho trẻ một đối thủ để đi đến “cuộc chiến” cần thiết. Tôi không ủng hộ bạo lực nhưng cá nhân tôi thấy rằng nếu tạo cho trẻ em những đối thủ và hướng dẫn trẻ em rằng chúng ta cần phải biết đối đầu, biết chiến đấu để chiến thắng là cần thiết.
- Đã tham gia rất nhiều chương trình cho thiếu nhi nhưng Xuân Bắc lại thường vào một vai nhân vật tốt, phải chăng đó là chủ đích xây dựng hình tượng của anh trong nghệ thuật?
Thực ra việc phân vai cũng là phù hợp với vai nào thì đóng vai đó thôi. Hơn nữa hiện tôi đã và đang làm giám khảo trong một trò chơi truyền hình của trẻ em nên bỗng một hôm nào đó các em thấy giám khảo biến thành quái vật thì cũng thật khó xử.
- Mỗi chương trình, để đảm bảo yếu tố “ăn khách” thì nhiều ông bầu đã chọn mời các tài năng nhí ở các cuộc thi trên truyền hình tham gia. Anh đã nghĩ tới chiêu đó cho chương trình của mình?
Nếu mời các em đoạt giải thì không thể để các em xuất hiện chớp nhoáng, cũng phải để các em hát vài bài, mà sự xuất hiện của các em lại làm mất đi đất diễn của nhiều em nhỏ khác... Cũng có người hỏi tôi sao không mời Vân Dung hay Quang Thắng diễn cùng các chương trình cho trẻ để thay đổi mà từ nhiều năm nay cứ quanh quẩn diễn với Tự Long và Thành Trung thôi. Tôi nói thật, nếu thích tôi có thể mời luôn cả dàn Táo Quân gồm cả Quốc Khánh, Vân Dung, Quang Thắng, Công Lý... Tuy nhiên, đây là chương trình thiếu nhi, mang ý nghĩa khác. Vở diễn dành cho các nghệ sĩ gắn bó, chuyên diễn cho thiếu nhi thôi.
Tham vọng của tôi trong 10 năm nay là có một lớp khán giả biết thưởng thức nghệ thuật sân khấu. Vì thế, bên cạnh xây dựng những vở kịch có sự biểu diễn của các em, chúng tôi còn đào tạo các em cách cảm nhận nghệ thuật sân khấu. Tất nhiên là chỉ những kiến thức cơ bản như: như thế nào là xung đột kịch, mở nút, thắt nút, âm thanh, ánh sáng được sử dụng ra sao... Và tôi kỳ vọng, mỗi chương trình nghệ thuật như vậy sẽ là một lần bồi đắp thêm tình yêu nghệ thuật cho mỗi bé.
MAI AN (thực hiện)