Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường - Sống với đam mê

Năm 2004, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường tặng tôi cuốn Từ điển tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX do anh biên soạn. Tôi ngạc nhiên bởi một công trình biên soạn công phu, tỉ mỉ và khá đầy đủ về các tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX, lại do một người chẳng liên quan gì đến văn chương thực hiện.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường - Sống với đam mê

Năm 2004, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường tặng tôi cuốn Từ điển tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX do anh biên soạn. Tôi ngạc nhiên bởi một công trình biên soạn công phu, tỉ mỉ và khá đầy đủ về các tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX, lại do một người chẳng liên quan gì đến văn chương thực hiện.

Không chỉ dừng ở đó, một vài năm sau, Trần Mạnh Thường lại ra một bộ sách (2 tập) Tác giả văn chương Việt Nam (từ Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê đến nay). Cũng qua bộ sách giá trị này, Mạnh Thường được một tổ chức văn hóa của Mỹ mời sang tham quan và bộ sách đang hiện diện tại thư viện quốc gia của Mỹ cùng 5 cuốn sách khác của ông.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường.

Từ năm 2000, cứ đều đặn những cuốn sách do Trần Mạnh Thường viết, biên soạn ra mắt công chúng và được đón nhận nồng nhiệt. Một số cuốn tái bản nhiều lần: Những di sản nổi tiếng thế giới, Những danh nhân thế giới về khoa học - kỹ thuật và văn học - nghệ thuật, Những đình chùa lăng tẩm Việt Nam, Những kiệt tác văn chương thế giới (lược thuật), Những kỳ quan cổ đại của nhân loại, Những nền văn hóa lớn của nhân loại, Almanach Văn hóa - Giáo dục.... Mảng sách về nhiếp ảnh, lý luận nhiếp ảnh có: Kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh, Lịch sử Nhiếp ảnh thế giới, Nhiếp ảnh và cuộc sống, Những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, Nhiếp ảnh - lý luận và phê bình...

Ngoài ra còn những cuốn sách ảnh do Mạnh Thường sáng tác hoặc được sưu tầm, biên soạn như: Sách ảnh: Việt Nam: Di tích và thắng cảnh (Giải thưởng xuất sắc năm 2002 loại A cho công trình sách ảnh), Nét xưa Hà Nội, Hà Nội xưa và nay, Huế - di sản văn hóa thế giới, Hà Nội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX... cùng nhiều sách ảnh chuyên đề, chuyên ngành phục vụ các địa phương.

Chuyện làm sách văn chương, văn hóa của nhà nhiếp ảnh Mạnh Thường cũng có căn nguyên của nó. Mạnh Thường sinh ra ở dải đất hẹp nhất Tổ quốc nhưng lại rất giàu truyền thống và có tiếng về sự học, đó là xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Mạnh Thường đã say mê văn chương nhưng lại theo nghiệp nhiếp ảnh cho tới khi nghỉ hưu. Làm sách văn hóa, văn chương chính là trở lại những đam mê thuở thiếu thời của Trần Mạnh Thường.

Ở lĩnh vực sáng tác, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường đã có nhiều bức ảnh nghệ thuật độc đáo với góc nhìn mới mẻ và ấn tượng. Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, ông là một trong số những phóng viên ảnh có mặt từ sớm và xông xáo khắp các mặt trận. Tác phẩm Bắt sống xe tăng địch được giải nhất triển lãm “Toàn dân bảo vệ Tổ quốc”, do Bộ Văn hóa, TTXVN và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức năm 1979. Được cử làm chuyên gia nhiếp ảnh cho Campuchia trong những năm 1980, 1984 và 1989, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường cũng có ngay tác phẩm Cửa ngõ Phnôm Pênh, đoạt giải cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức. Năm 2009, cuốn sách ảnh Nét đẹp Đông Dương tập hợp những sáng tác tiêu biểu về đất nước, con người của Trần Mạnh Thường về 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Nhìn chồng bản thảo cao vút xếp dài một góc phòng làm việc, tôi thực sự khâm phục sức làm việc của ông và tự hỏi, không hiểu một con người nhỏ vóc hạc thế kia, lấy đâu thời gian và sức lực để trong vòng hơn chục năm vừa liên tục sáng tác ảnh, làm lý luận phê bình ảnh, vừa liên tục cho ra đời hơn 40 cuốn sách về văn hóa, văn chương Việt Nam và thế giới và các loại sách ảnh, sách về nhiếp ảnh? Ở tuổi 74 nhưng xem ra, sự nhiệt huyết, đam mê và say mê với công việc của Trần Mạnh Thường vẫn như thuở thanh niên.

Học Đại học Nhiếp ảnh ở Đức từ năm 1959 đến 1965. Làm công tác biên tập ở NXB Văn hóa từ năm 1966 đến khi nghỉ hưu (2000) là chặng đường Mạnh Thường khẳng định danh hiệu Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh; cũng là quá trình tích lũy để phát sáng khả năng sáng tạo và làm sách phong phú, có độ chín, chiều sâu.

Cao Minh

Tin cùng chuyên mục