Từ 7, 8 tuổi, chị đã lên sân khấu ca diễn cải lương. Nhờ có giọng ca tốt, sắc vóc đẹp, chị nhanh chóng tỏa sáng, thu hút công chúng. 36 năm theo nghiệp hát, chị đã diễn nhiều vở tuồng và đoạt được khá nhiều giải thưởng.
Trong đó, giải diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang, chị là người thứ hai vinh dự nhận giải thưởng này (trước đó là NSƯT Vũ Linh) vào năm 1996 - 1997 nhiều đồng nghiệp, khán giả quý mến. Trước khi mùa giải Trần Hữu Trang 2011 bước vào những vòng thi căng thẳng, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng chị về nghề.
° PV: Hiện nay, sân khấu cải lương không còn nhiều đất diễn, chị làm gì để có thể theo đuổi đam mê và giữ vững phong độ của mình?
° Nghệ sĩ PHƯỢNG HẰNG: Nhờ sống trong một gia đình có truyền thống là cha mẹ theo nghiệp hát nên tôi sớm nối bước theo nghề. Ngay từ nhỏ, tôi đã được sống trong môi trường cải lương, đoàn hát, được sân khấu cải lương nuôi lớn lên từng ngày. Dường như cuộc sống của tôi trước giờ luôn gắn liền với cải lương, bởi đó là niềm đam mê. Chính sự đam mê ấy đã giúp tôi không ngừng rèn luyện để cách ca, nét diễn ngày một hấp dẫn công chúng hơn.
° Dường như tên tuổi của chị làm say đắm bao người bằng cách ca vọng cổ hơi dài với các vở tuồng Vụ án Mã Ngưu, Lệnh truy nã, Người tình trên chiến trận…
° Thật may mắn khi tôi được Tổ nghiệp cho một làn hơi trong trẻo, khỏe khoắn cùng với sự chịu khó rèn luyện, học tập các anh chị đi trước, tìm một nét riêng cho mình trong ca vọng cổ hơi dài sao cho rõ chữ, gửi gắm tình cảm trong từng lời ca… Có lẽ nhờ vậy mà khi nghe tôi ca, khán giả không nhàm chán.
° Mặc dù nghệ sĩ rất tâm huyết với nghề, nhưng sân khấu vẫn mãi thiếu vắng những vở tuồng mới, bởi khó tập hợp nghệ sĩ. Tập tuồng, làm việc lại không đúng giờ giấc… Cho nên mỗi khi đầu tư vở mới rất khó khăn, riết rồi chẳng ai dám đầu tư. Chị nghĩ sao về điều này?
° Bây giờ chi phí thực hiện một vở diễn mới tăng cao khiến cho việc đầu tư cũng ngày càng hạn chế. Từ đó, mới dẫn đến việc làm vở diễn theo kiểu chấp vá, không đồng bộ, thiếu hấp dẫn khán giả.
Chính vì thế mà Nhà nước cần có biện pháp kịp thời hỗ trợ các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trong việc mạnh dạn đầu tư vở diễn mới. Nếu không, e rằng cải lương - một đặc sản của văn hóa Nam bộ cũng sẽ ngày càng mai một.
° Theo chị, khán giả hiện nay có còn mặn mà với cải lương như trước đây?
° Theo tôi, hiện vẫn còn nhiều người yêu mến cải lương, yêu mến đờn ca tài tử. Điều này thể hiện rõ nhất qua sự phát triển rộng khắp của phong trào đờn ca tài tử và những cuộc thi tài ca hát cải lương đều thu hút đông đảo giới trẻ, công chúng tham gia.
Tuy nhiên, về sân khấu sàn diễn, khán giả đòi hỏi cải lương phải có sự thay đổi thì mới có thể kéo được công chúng đến xem. Các vở cải lương nếu muốn thu hút người xem phải có nội dung vui vẻ và thời gian độ khoảng từ 90 phút đến 120 phút là vừa, không nên quá dài như trước đây. Bên cạnh đó, trong một vở diễn, nhất thiết phải có đầy đủ những đôi đào kép chính, phụ, kép độc, đào lẳng… và cảnh trí, trang phục cũng phải được chăm chút đẹp.
° Chị có nhận xét gì về thế hệ nghệ sĩ trẻ hôm nay?
° Điều đáng mừng là dẫu sân khấu cải lương hôm nay gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có được nhiều gương mặt trẻ dám dấn thân. Tuy nhiên, tiếc là, có nghệ sĩ có giọng ca hay thì lại diễn không tốt và ngược lại, nên khi xem, khán giả cảm thấy bị thiếu thiếu gì đó. Nếu như những gương mặt trẻ này vừa ca hay lại diễn giỏi nữa thì mỗi khi xuất hiện trước công chúng, chắc chắn sẽ khác.
° Mùa giải Trần Hữu Trang 2011 đang khởi tranh, chị có những kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các thí sinh?
° Hiện nay, chắc là các nghệ sĩ trẻ cũng đang rất háo hức đến với cuộc thi này. Qua đây, tôi cũng có vài lời muốn nhắn gửi đến các nghệ sĩ trẻ rằng, khi chọn vai diễn, trích đoạn dự thi, cần có sự phân tích, chọn lựa thật kỹ càng, có sự chuẩn bị trước, không được chủ quan mà phải đặt hết “máu” nghề của mình trong từng lời ca, cách diễn thì mới mong thành công.
ĐỖ HẠNH thực hiện