Ở lĩnh vực kịch nói, từ trên sân khấu cho tới sau bức màn nhung, có một đôi nghệ sĩ luôn gắn bó, tâm huyết với nhau trong dàn dựng, sáng tác và biểu diễn. Đó là NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như.
Mấy năm trước, khi hai nghệ sĩ này còn cộng tác với Sân khấu Kịch IDECAF đã trình làng một số vở diễn mang đậm dấu ấn của họ như Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cám ơn mình đã yêu em, Hãy khóc đi em, Ba người đàn ông họ Lôi… Những vở diễn mà đôi nghệ sĩ này tham gia, bao giờ cũng được chăm chút khá kỹ từ trong cánh gà ra đến ngoài sân khấu. Đặc biệt, những câu chuyện mà vở diễn đưa ra đều gần gũi với cuộc sống nên khi xem, khán giả có cảm nhận như mình khá giống với nhân vật trong vở diễn vậy. Một vài năm gần đây, ở bên ngoài ánh đèn sân khấu, đôi nghệ sĩ này kết hợp lập nên Sân khấu Hoàng Thái Thanh và vẫn giữ phong cách về kịch tình yêu - hôn nhân - gia đình, mang lại cho khán giả nhiều vở diễn hay đáng xem và suy ngẫm. Trong số đó có thể kể đến các vở Trần gian phải có tình yêu, Mua bảo hiểm tình, Nửa đời ngơ ngác, Người điên trong ngôi nhà cổ, Tình duyên thuở trước, 29 anh về…
Điều quý nhất ở hai nghệ sĩ này là tài năng và gu nghệ thuật của họ luôn hướng về những vở kịch “sạch”, được dàn dựng, luyện tập nghiêm túc. Riêng vở kịch 29 anh về, có những hình ảnh về một đôi bạn trẻ yêu nhau, dành những tình yêu cao đẹp với những khoảnh khắc chờ đợi, nũng nịu… y như chuyện thật ngoài đời. Vở diễn khiến khán giả hồi tưởng về một thời sinh viên đầy ắp kỷ niệm đẹp… Rồi khi thưởng thức những vở Cám ơn mình đã yêu em hay Hãy khóc đi em, người xem càng mến phục tài năng dàn dựng giỏi lấy nước mắt người khác của nghệ sĩ Ái Như. Trong hai vở diễn này, người ta có cảm nhận rằng, nghệ sĩ Ái Như có sự chia sẻ, đồng cảm với chị em phụ nữ nên đã khắc họa được các nhân vật nữ có chiều sâu tâm lý, khi đau khổ thì đi đến tận cùng của nỗi đau…
Có thể còn nhiều điều về đôi nghệ sĩ này nơi hậu trường và cả ngoài sân khấu, nhưng nội cái tình nghệ sĩ bền chặt của họ để qua đó biến thành những “sản phẩm văn hóa sạch” và gần gũi với cuộc sống đời thường quả là đáng khích lệ.
Lê Long An