“Thời gian thoải mái, rảnh lúc nào làm lúc đó, nhận tiền nhanh, không cần nộp hồ sơ, không yêu cầu kỹ năng, kinh nghiệm…”, là nhận xét của nhiều bạn sinh viên về nghề này.
Công việc phát tờ rơi được nhiều người gọi vui: nghề… xả rác. Gọi nghề vì đây cũng là công việc tạo thu nhập như nhiều nghề khác. Có chăng chỉ khác ở không gian làm việc, người phát tờ rơi phải “bán mặt cho đường” nhiều hơn, càng nhiều tờ rơi đến tay nhiều người, nhiệm vụ càng sớm hoàn tất. Nếu để ý một chút, có thể thấy được hầu như 90% người được đưa tờ rơi đều nhận, nếu không nói có một số người hiếu kỳ còn tự đưa tay ra để xin.
Đèn đỏ dừng khoảng 30 giây, đã có hàng trăm tờ rơi, tờ bướm chứa đựng các thông tin quảng cáo, khuyến mãi, rao vặt từ quảng cáo quán ăn, dạy kèm, đến dịch vụ điện thoại... thoăn thoắt trao đến tay người đi đường. Và rồi, những tờ rơi vừa mới trao tay chưa kịp nóng ấy đã vội bị vứt xuống đường, có người chỉ vừa kịp liếc qua, thậm chí có người không thèm nhìn. Thành ra, cứ 3 - 4 lượt xe đi qua, phút chốc nhiều đoạn đường bỗng biến thành bãi rác bởi tờ rơi. Đó là chưa kể những lúc trời mưa ướt hay gió thổi bay tứ tung, xe cộ chạy qua giẫm lên trông rất nhếch nhác, dơ bẩn.
Thông thường nơi nào có người tập trung đông, chắc hẳn nơi đó người phát tờ rơi xuất hiện. Bến xe, công viên, cổng trường, cổng bệnh viện, cổng siêu thị, đặc biệt ở các ngã 3, ngã 4, nơi có mật độ xe cộ và lượng qua lại đông đảo. Ngọc - SV năm 4 ĐH Hồng Bàng cho biết, bạn chọn công việc này vì thời gian tự do, không gò bó, có tiền “nóng” dù không cao lắm, làm xong có thể nhận tiền ngay hoặc để dồn đến cuối tháng, không bắt buộc phải có xe riêng…
Với nhiều bạn sinh viên, công việc này còn đem lại nhiều cảm xúc, nhiều tâm trạng. Vừa tháo chiếc khẩu trang che mặt, Minh Phương - SV Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại vừa cười nói: “Đa phần tụi em bịt khẩu trang cho đỡ bụi, nắng và ngại gặp người quen. Làm nghề này cũng có nhiều cảm xúc lắm, có người vui vẻ nhận và cảm ơn, đôi khi còn xin thêm cho người khác nữa, cũng có người lặng lẽ đi qua không thèm nhìn, người thì cười rồi từ chối nhận”. Với Phong - SV Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, sau một ngày làm “nhân viên” phát tờ rơi đã… bỏ việc vì theo bạn nghề này khá nguy hiểm bởi nhiều xe cộ, phải đứng nhiều giờ ngoài đường. Theo Ngọc, khó nhất đi phát ở mấy chung cư vì bảo vệ không cho lên. “Phát ở các giao lộ chấp nhận đứng phơi nắng nhưng tiền cao hơn. Nhưng khổ một nỗi nhiều lúc bị cảnh sát giao thông “dòm ngó”, dân phòng đuổi phải chạy, lắm lúc phải lén lút mới phát được”, Ngọc bộc bạch.
Trong khi đó, phần lớn người đi đường cho biết vẫn nhận tờ rơi nhưng nguyên nhân tờ rơi bị quăng xuống đường thường không xuất phát từ phía họ. Chị Thương (quận 2), cho biết: “Đang đứng chờ đèn đỏ mà có người đến đưa tờ rơi thấy rất phiền vì trong đó ít khi chứa đựng những thông tin mình cần, nhận rồi lại phải tìm chỗ bỏ”. Anh Trần Văn Bút (quận Tân Bình), thú thật: “Mình nhận tờ rơi mà không biết vứt đi đâu, thấy nhiều người vứt trên đường mình cũng vứt theo. Đôi khi nhận tờ rơi cũng tranh thủ liếc xem có nội dung gì không, nếu không có những thông tin liên quan đến mình thì vứt đi chứ giữ lại cũng không làm gì”.
Thực tế cho thấy, người đi đường vẫn chưa ý thức được vứt tờ rơi bừa bãi là hành vi xả rác nơi công cộng, mất mỹ quan đô thị, còn người phát tờ rơi coi việc này nằm ngoài trách nhiệm của mình. Nên chăng, việc hạn chế quảng cáo bằng tờ rơi cũng cần cơ quan chức năng xem xét?
VIỆT ÂU