Nghèo không hẳn do thiếu tiền

Năm 2015, 4 quận, huyện (quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh) thực hiện thí điểm giảm nghèo đa chiều. Kết quả vừa khảo sát tại 4 quận, huyện cho thấy, nguyên nhân người dân nghèo đa chiều không nhất thiết là do thiếu tiền. Nhiều người dân không nghèo về thu nhập nhưng vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt ở các mặt khác như y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm…
Nghèo không hẳn do thiếu tiền

Năm 2015, 4 quận, huyện (quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh) thực hiện thí điểm giảm nghèo đa chiều. Kết quả vừa khảo sát tại 4 quận, huyện cho thấy, nguyên nhân người dân nghèo đa chiều không nhất thiết là do thiếu tiền. Nhiều người dân không nghèo về thu nhập nhưng vẫn còn gặp khó khăn và thiếu hụt ở các mặt khác như y tế, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm…

Kiểm tra xác định mức thu nhập và nhu cầu của người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM.

Hết nghèo, vẫn khổ

Qua khảo sát hơn 45.400 hộ gia đình không nghèo về thu nhập ở quận 11 (chiếm 96% tổng số hộ gia đình của quận) cho thấy, các hộ gia đình lại đang có nhiều thiếu hụt nghiêm trọng về BHYT, bảo hiểm lao động (gần 60%) và nhà ở (26,5%). Đối với gần 2.600 hộ (5,4% tổng hộ dân quận 11) không nghèo thu nhập nhưng nghèo đa chiều thì có đến 97% nghèo về BHYT. Hầu hết bị thiếu hụt về BHYT và bảo hiểm lao động khiến họ trở nên dễ bị rủi ro mắc các biến cố về sức khỏe và thu nhập. Khoảng 90% không sống trong các ngôi nhà kiên cố. Điều này gây ngạc nhiên bởi các hộ không nghèo thu nhập cũng không đồng nghĩa được sống trong điều kiện nhà ở đảm bảo diện tích thích hợp. Đặc biệt, 70% hộ gia đình có ít nhất 1 người lớn (15 - 30 tuổi) chưa hoàn thành bậc học trung học cơ sở. Thiếu hụt về giáo dục khiến người dân dễ bị rủi ro trong bối cảnh suy thoái kinh tế theo chu kỳ cũng như các biến cố về thu nhập.

Một phát hiện bất ngờ tại 4 quận, huyện trên là nguyên nhân của nghèo đa chiều không hẳn do thiếu tiền. Ví dụ, gần 30% trẻ em không đi học là do… không quan tâm đến việc học; gần 39% người không có BHYT là do không quan tâm đến việc phải có loại bảo hiểm này. Trên toàn địa bàn TPHCM, nếu chiếu theo góc độ thu nhập, hiện TP có tỷ lệ hộ nghèo không lớn (khoảng 2,4% tổng hộ dân TP nghèo theo chuẩn 16 triệu đồng/người/năm). Tuy nhiên, người dân vẫn còn thiếu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm… Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, toàn TP chỉ có 0,56% vừa nghèo thu nhập, vừa nghèo đa chiều. Song, có đến gần 10,8% hộ không nghèo thu nhập nhưng nghèo đa chiều. Do vậy, nếu chỉ tập trung vào danh sách hộ nghèo thu nhập, vô hình trung, sẽ bỏ sót những hộ nghèo các chiều khác.

Giảm nghèo đa chiều

 

* Theo các chuyên gia, có sự tương ứng không đồng đều giữa nghèo đa chiều và nghèo thu nhập nên cần phải tổng điều tra hoặc điều tra đa hộ gia đình trên diện rộng. Tuy nhiên, vấn đề là tổng điều tra (như cách ở quận 11) sẽ tốn rất nhiều chi phí thực hiện.

 

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện công tác giảm nghèo. TP cũng là địa phương duy nhất của cả nước đã xây dựng các thể chế chuyên trách công tác giảm nghèo từ cấp TP đến tận cơ sở. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận nhìn nhận, những thành tựu giảm nghèo của TP trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống, chất lượng sống của người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo TP. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và chưa thật bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa làm nảy sinh thách thức mới cho công tác giảm nghèo. Dân nhập cư (không hộ khẩu TPHCM) chiếm khoảng 30% tổng số dân TP và một bộ phận nghèo mới nổi lên nếu xét theo khía cạnh thiếu tiếp cận với các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản.

Trước thực trạng này, trong quá trình triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP giai đoạn 4 (2014 - 2015), TP đã thí điểm xây dựng công cụ đo lường, rà soát hộ nghèo, lập chính sách theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều tại 4 quận, huyện để rút kinh nghiệm, đề xuất lộ trình nhân rộng toàn TP trong giai đoạn 2016 - 2020, làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn quốc. Theo ông Nguyễn Văn Xê, dự kiến, thực hiện giảm nghèo đa chiều, TP tập trung giải quyết những thiếu hụt lớn của người dân về giáo dục, y tế, điều kiện sống, bảo hiểm...  Nhóm tập trung chăm lo là dân nông thôn và đối tượng nhập cư tạm trú, không hộ khẩu. Việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách và xây dựng chính sách giảm nghèo theo phương thức không nhận hỗ trợ như nhau mà tùy thuộc nhu cầu và sẽ được phân loại hỗ trợ cho phù hợp từng đối tượng cụ thể. Hiển nhiên, những hộ vừa nghèo thu nhập lại vừa nghèo đa chiều (chiếm 0,56% tổng hộ dân TP) sẽ cần được ưu tiên nhất trong việc hỗ trợ.

“TP là địa phương luôn đi đầu trong cả nước trên nhiều lĩnh vực, là nơi từ thực tiễn của cuộc sống đã phát hiện các vấn đề mới của TP và cả nước. Do vậy, trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, từ các nguồn lực và kinh nghiệm thực hiện giảm nghèo trong suốt 22 năm qua, TP sẽ mạnh dạn chuyển đổi dần sang phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, cần đi trước một bước so với lộ trình chung của cả nước trong việc áp dụng phương pháp này”, ông Nguyễn Văn Xê cho hay.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục