Tiến sĩ Trần Nguyễn Thy Bình

Nghị lực và tình thương

Nghị lực và tình thương

Tốt nghiệp trường Đại học Portland State University nổi tiếng Hoa Kỳ, bà bắt đầu sự nghiệp từ việc quản lý dưỡng đường do chồng lập ra. Chưa thỏa nguyện, bà đứng ra thành lập Tổ chức Phát triển giáo dục Châu Mỹ Thái Bình Dương (American Pacific University-APU). Được Liên hiệp quốc chọn để đào tạo tiến sĩ ngành quản trị vì hòa bình thế giới cùng 18 vị lãnh đạo cao cấp các nước nhưng bà bỏ dở để về Việt Nam. Bà là tiến sĩ Trần Nguyễn Thy Bình.

  • Cầu nối tri thức
Nghị lực và tình thương ảnh 1

Tiến sĩ Trần Nguyễn Thy Bình và lãnh đạo trường ĐH Roger William University trao học bổng cho học sinh xuất sắc của trường Trung học Quốc tế APU.

Về Việt Nam, trong lúc nhiều Việt kiều khác đầu tư kinh doanh bất động sản, mở nhà hàng, khách sạn, resort... thì bà lại đổ công, đổ của đi xây trường. Trong đề án của Công ty TNHH Phát triển giáo dục APU mà bà lập ra tại Việt Nam còn có một dự án quy mô hơn, mang tầm quốc tế hơn, đó là trường Đại học Quốc tế APU. Dự kiến, với khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của trên 10.000 sinh viên, các ngành nghề đào tạo của trường sẽ rất đa dạng bởi được liên kết, hợp tác với hơn 50 trường cao đẳng, đại học danh tiếng của thế giới.

Đến nay, đề án đã được UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến thông qua và ủng hộ. Nếu được quyết định thành lập sớm, Trường Đại học Quốc tế APU sẽ là trường Đại học Quốc tế thứ 2 sau RMIT tại TPHCM được đầu tư 100% vốn nước ngoài, tạo nhiều cơ hội cho học sinh-sinh viện Việt Nam.

  • Người phụ nữ giàu nghị lực

Bà sinh ra trong một gia đình có tới 13 người con. Tốt nghiệp phổ thông, bà thi đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt, ngành Quản trị kinh doanh. Không dừng ở đó, vì muốn được lĩnh hội những kiến thức sâu hơn, bài bản hơn, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà sang Mỹ tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và đã tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Portland State University, Hoa Kỳ.

Sau khi chồng qua đời, bà một mình quản lý dưỡng đường do chồng lập ra và lo cho 4 người con ăn học nên người. Chưa dừng lại ở đó, bà kêu gọi thành lập Tổ chức Phát triển giáo dục châu Mỹ-Thái Bình Dương (APU) để hỗ trợ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên trong học tập, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam. APU trở thành tổ chức giáo dục danh tiếng tại Hoa Kỳ và bà được cấp bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường ĐH.

Năm 1990-1991, lần đầu trở về thăm quê hình ảnh làm bà xúc động là những đứa trẻ đen nhẻm, gầy gò ở huyện Cần Giờ khi bà tổ chức một chuyến cứu trợ về vùng này. Nhận ra quê hương còn nghèo khó, hàng năm bà đều vận động các mạnh thường quân ở Mỹ tổ chức cứu trợ những địa phương khó khăn ở Việt Nam. Mặt khác, bà đã nhận hơn 20 đứa trẻ Việt Nam mồ côi, hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi và đầu tư cho bọn trẻ ăn học, bây giờ có người đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, cả ở Mỹ và Việt Nam.

“Sắp tới tôi sẽ đưa vài đứa ở Mỹ về Việt Nam để giảng dạy tại trường Trung học và Đại học Quốc tế APU”, bà cho biết. Bốn đứa con của bà cũng đã thành đạt ở Mỹ. Trong đó, người con trai cả của bà đang nối nghiệp người cha quá cố, đảm đương dưỡng đường do ông để lại. “Tôi hy vọng các con tôi sẽ về Việt Nam và sẽ làm những việc có ý nghĩa cho quê hương”, bà nói.

LÂM TƯỜNG

Đến nay, trường Trung học Quốc tế APU đã có trên 300 học sinh theo học, đã cấp tín chỉ cho gần 100 học sinh tốt nghiệp lớp 12 trong năm học 2004 và đã có hơn 50 em chuyển tiếp lên cao đẳng, đại học tại Mỹ. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, trường đảm nhận việc đào tạo ban đầu ngành kỹ sư hàng không. Năm 2004, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã hợp tác với trường đào tạo 100 kỹ sư hàng không và đã có 70 kỹ sư được chuyển tiếp sang các trường hàng không danh tiếng của Mỹ như Galvin Flying School, Boeing Co...

Tin cùng chuyên mục