Tôi rất tâm đắc khi đọc bài báo “Một góc nhìn khác về bằng cấp – Hãy công bằng hơn nữa…” của tác giả Tạ Thị Ngọc Thảo đăng trên mục Tiêu điểm của Tuần san Sài Gòn Thứ Bảy số ra ngày 12-11-2005.
Theo dẫn giải của tác giả, có hai loại người không có bằng cấp, học dở dang phải chọn con đường tự học, tự đào tạo. Theo tôi, trong xã hội, những người tự đào tạo đa số là vì lý do kinh tế. Họ không đủ tiền để đến trường, sớm phải bươn chải kiếm sống, đó là loại người thứ nhất. Loại người thứ hai có đủ điều kiện học tập ở trường nhưng vẫn chọn con đường tự học do tính toán riêng của họ. Loại người này đa số là những người xuất chúng, dám chọn con đường riêng như vua phần mềm vi tính đã chọn.
Với những người tự học, tự đào tạo, trường học của họ ở khắp mọi nơi, sau giờ làm việc là giờ học tập. Họ quan sát mọi việc xảy ra xung quanh mình, nghiền ngẫm tài liệu, sách vở, tự điển… đôi khi ngấu nghiến một mảnh giấy có ghi chép mà theo họ là bổ ích. Họ cập nhật hiện thực hàng ngày để không lạc hậu và tích lũy ngang bằng hoặc phong phú hơn kiến thức ở nhà trường. Đối với họ, học tập là công việc suốt đời, học là học cho mình chứ không vì bằng cấp, học vị, học hàm cho nên, với họ, không có chuyện phải mua bằng cấp hay gian lận trong thi cử.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta không thiếu những “kỹ sư” chân đất làm nên những máy gặt, máy tuốt lúa, máy tráng bánh, máy dệt chiếu, máy lặt ngô, lặt củ lạc… Các máy này thật sự có tác dụng và thiết thực với đời sống nông dân. Trên lĩnh vực trồng trọt, các “kỹ sư” chân đất còn cho thanh long ra trái vụ, cấy cây dó bầu lấy trầm, ép cá giống hoặc cho hoa quỳnh nở cả ngày lẫn đêm. Về xây dựng có những thần đèn di dời cả đền thờ, nhà cửa, làm máy ép gạch. Nhiều thương hiệu nổi tiếng như cà phê, nước mắm, nệm cao su… ra đời.
Phải chăng những người tự đào tạo có nhiều thời gian hơn để tư duy, sáng tạo? Như những thứ chúng ta đang sử dụng hiện nay như điện, điện thoại, máy hát… cũng do người tự đào tạo phát minh ra. Thêm vào đó có những người đi làm cách mạng, không có điều kiện đến trường trọn vẹn, họ phải suy nghĩ, nghiền ngẫm, tìm tòi trong học thuyết, lý luận mà cho đến thời đại ngày nay áp dụng vào thực tiễn cách mạng vẫn đúng đó sao?
Vì thế, tác giả hoàn toàn đúng khi cho rằng trong thi cử, cơ cấu xét tuyển không nên chỉ dựa trên bằng cấp, học vị mà còn phải dựa trên những tiêu chuẩn khác. Điều quan trọng là không phải anh có bằng cấp gì mà là anh làm được gì cho xã hội hôm nay.
NGUYỄN TRỌNG THỌ
(80 Tuyên Quang, Phan Thiết, Bình Thuận)