Nghĩ về thiên chức nhà giáo

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề mang tính nguyên tắc trong cuộc sống, hôm nay cũng như ngày mai: anh đãi ngộ đối tượng nào đó tốt, đối tượng ấy sẽ có sự đền đáp xứng đáng. Nếu thiếu trách nhiệm với đối tượng ấy, tất yếu anh sẽ lãnh đủ hậu quả. Hơn 1 triệu nhà giáo Việt Nam, từ mầm non đến đại học, tạm ví thô sơ, như đàn tằm vĩ đại, rất có ích cho đời. Ai cũng biết họ đang lãnh nhận trách nhiệm quan trọng, liên quan đến sự hưng thịnh, suy vong của dân tộc. Xét trong trường kỳ lịch sử, có thể khẳng định thời nào những người dạy học cũng xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, kể cả trong hơn 30 năm chiến tranh hết sức gian khổ, ác liệt vừa qua. Giờ đây tình thế đất nước đã khác xưa, vì thế nhận thức đối với giáo dục cũng đã khác.

Trên những văn bản chính thức của Đảng, giáo dục luôn được khẳng định là quốc sách hàng đầu, Nhà nước và nhân dân phải có trách nhiệm quan tâm đúng mức đến đời sống giáo viên. Nghe cũng thấy mát lòng hả dạ. Nhưng trong thực tiễn đời sống, tình hình nhiều lúc nhiều nơi có khác, thậm chí khác một cách đáng buồn. Hơn 100.000 cô giáo mầm non chưa được vào biên chế. Lương của giáo viên cấp nào cũng thấp. Thậm chí giảng viên trẻ ở đại học, có học vị cao hẳn hoi hàng tháng vẫn mới chỉ được nhận trên 3 triệu đồng, nghĩa là chưa giải quyết được nửa nhu cầu tối thiểu của bản thân, chứ đừng nói đến mẹ già con dại.

Lại nói đến chuyện thưởng tết. Có một số địa phương quan tâm tương đối cụ thể, còn nhiều nơi “gặp chăng hay chớ”. Mới năm ngoái thôi, có tỉnh ở miền Trung mỗi thầy cô được tặng 50.000 đồng (đủ mua 400gr thịt), còn ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, mỗi người được lì xì một chai nước mắm. Thật mỉa mai và chua xót! Tôi sẽ không bao giờ quên lá thư chúc tết của người đứng đầu ngành giáo dục nhân dịp Tết Kỷ Sửu (2009). Trong thư ông bày tỏ tâm trạng “rất băn khoăn khi hơn 1 triệu giáo viên không có thưởng tết” và đề nghị chính quyền, đoàn thể của địa phương hãy “hỗ trợ những thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn để bớt đi những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng khi tết đến”.

Nếu cách đối xử với nghề giáo chưa được cải thiện triệt để, để rồi cứ tiếp tục vô tư đòi hỏi cao các thầy cô trong sự nghiệp trồng người thì quả là nhẫn tâm. Một sự cố mới xảy ra trong ngành giáo dục, lác đác ở vài địa phương đã làm chấn động dư luận: Một số trường đã kết hợp với cả công an, chính quyền phường tổ chức rình bắt, lập biên bản, yêu cầu giải tán các lớp dạy thêm học thêm. Hình ảnh thô bạo này rất xa lạ với bản chất xã hội ta, buộc người ta nhớ lại cảnh Tây đoan trước năm 1945 đi bắt rượu, thuốc phiện lậu ở các làng quê. Quả là có một số giáo viên hư hỏng, ép học sinh học để moi tiền các em. Số này cần được giáo dục, uốn nắn, thậm chí thải loại, nhưng có nhiều cách để giải quyết vẫn nghiêm mà văn hóa hơn.

Nhiều trường hợp khác, việc dạy thêm là chính đáng. Học thêm là nhu cầu có thật của không ít học sinh. Những nhà giáo có năng lực chuyên môn, lại nặng gánh gia đình, bỏ ra những giờ rảnh rỗi hiếm hoi kiếm chút thù lao bằng những giọt mồ hôi lương thiện để bù vào món tiền lương quá hẻo, tại sao lại cấm đoán và làm nhục họ?

Gần đây PGS Vũ Văn Rỹ, Viện Khoa học giáo dục, trong một báo cáo khoa học có đưa ra con số đáng ngại: Hơn 50% giáo viên muốn đổi nghề. Xin hãy giảm thiểu triệt để con số khủng khiếp này, làm sao để họ yên tâm, vui vẻ gắn với bảng đen, phấn trắng, với lớp lớp học trò các cấp. Ngược lại nếu để tình hình phát triển theo chiều hướng xấu, chưa hiểu nghề giáo sẽ đi về đâu, chứ đừng nói đến việc có thể tự hào “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

GS-TS TRẦN HỮU TÁ

Tin cùng chuyên mục