Nghĩa tình người dân thành phố

Nghĩa tình người dân thành phố

Chạy xe ra đường, ai cũng từng một lần được nhắc “cái bóp hay điện thoại trong túi quần ló ra kìa”, “chưa đá chống xe lên chị ơi”. Những người bán vé số, chạy xe ôm, người khuyết tật có thể tấp vào quán cơm với giá chỉ 2.000 đồng để lót dạ, ghé thùng trà đá miễn phí ven đường để giảm cơn khát giữa trời trưa nắng gắt. Công nhân từ các vùng quê đến TPHCM tìm kế sinh nhai cũng rất vững lòng nhờ các chương trình chăm lo như: tấm vé nghĩa tình, trái tim nghĩa tình, nhà lưu trú…

Cứ ở lại nơi này rồi ai cũng sẽ cảm nhận hết được ân tình của người thành phố.

“Người thành phố tốt quá!”

Ngày tôi từ quê lên TPHCM học đại học, mẹ tôi cứ nhắc đi nhắc lại: “Sài Gòn đông đúc nên nhiều cạm bẫy chứ không như quê mình, con phải cẩn trọng và sống tốt”. Khi đó, tôi nghĩ người thành phố chắc không sống bằng tình cảm như người quê tôi. Thế nhưng, sau một thời gian, suy nghĩ của tôi thay đổi hẳn. Gần trường học của tôi ở quận 5 có một quán cơm với giá chỉ 2.000 đồng phục vụ người nghèo. Dù giá 2.000 đồng nhưng có cơm, đồ mặn, xào, canh và cả tráng miệng. Khách đến ăn chủ yếu là chú chạy xe ôm, cô nhặt phế liệu, bà cụ bán vé số, người khuyết tật và vài sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bà Trần Thị Mai, 65 tuổi, bán vé số (quê Quảng Ngãi) ngày ngày vẫn ghé quán ăn cơm. Nhờ vậy bà có thể dành dụm được tiền để thuốc thang những khi đau bệnh. Nhiều năm qua, quán cơm này đã giúp hàng ngàn lượt người no lòng trong vòng xoáy mưu sinh. Và tại TPHCM có rất nhiều những quán cơm với giá chỉ 2.000 đồng như vậy.

Lòng tốt của người dân thành phố còn thể hiện ở những hành động tuy rất nhỏ nhưng đầy ý nghĩa mà chúng ta dễ dàng bắt gặp. Đó là tấm bảng chỉ đường đặt ở ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) với dòng chữ “Anh chị em nào đi bệnh viện Từ Dũ, nhìn theo mũi tên thấy nhà lầu cao màu vàng nhìn lên thấy hình mẹ bồng con”. Nhờ tấm biển này, rất nhiều người tìm được bệnh viện mà không bị “cò” lợi dụng. Điều ngạc nhiên là chủ nhân tấm biển - anh Nguyễn Văn Nam lại không biết chữ. Hay một thương binh hành nghề sửa xe ở lề đường đã bỏ tiền ra làm tấm bảng ghi “Sửa, vá xe miễn phí cho người khuyết tật”, mục đích là để họ biết mà tìm đến. Rồi một người thợ sửa giày ven đường dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng vẫn giúp sửa giày, dép miễn phí cho người nghèo khổ. Rồi tại các bệnh viện, người bệnh thường xuyên nhận được những phần cơm từ thiện do các mạnh thường quân trao tặng…

Một lần khi mẹ lên thăm, tôi đã để bà tận mắt nhìn thấy những việc làm nghĩa tình, bình dị của người thành phố và mẹ tôi đã nhận xét: “Người Sài Gòn tốt quá!”.

Thắm đượm ân tình

San sẻ khó khăn với người khác dường như đã trở thành “đặc sản” của TPHCM. Một trong những việc làm nổi bật là giúp đỡ công nhân lao động từ các vùng quê lên thành phố lập nghiệp. Nghĩa tình này thể hiện cả trong việc chăm lo, giúp đỡ công nhân của các chủ nhà trọ. Bà Lê Thị Thanh Hoa, chủ nhà trọ tại phường Linh Xuân (quận Thủ Đức), là một điển hình. Hầu hết công nhân sống trong khu trọ này đều được bà xem như con cháu. Ai gặp khó khăn, bệnh tật, bà đều xuống thăm hỏi và giúp đỡ. Tháng nào công nhân kẹt tiền do phải gửi về giúp ba mẹ ở quê, bà lại cho nợ tiền nhà, thậm chí cho mượn tiền để trang trải cuộc sống. Công nhân trong khu trọ nhà bà cũng không phải lo lắng việc tăng tiền nhà, tiền điện, nước. Tết đến, bà bỏ tiền ra tổ chức tiệc tất niên để công nhân không chạnh lòng khi phải xa quê. Thậm chí những cặp đôi muốn cưới nhau mà không có điều kiện cũng được bà hỗ trợ.

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM tiễn công nhân về quê đón Tết Nguyên đán

Trong 7 năm qua, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” do Liên đoàn Lao động TPHCM và doanh nghiệp thực hiện đã giúp hơn 105.000 lượt công nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm không về quê đón tết được về đoàn tụ với gia đình. Nhìn nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của công nhân trước khi xe xuất bến mới hiểu hết được ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà chương trình mang lại. Bên cạnh đó, chương trình “Trái tim nghĩa tình” của Liên đoàn Lao động TP đã giúp tái sinh cuộc sống cho 31 công nhân và con công nhân bị bệnh tim. Ôm cô con gái Nguyễn  Ngọc Phương An (gần 1,5 tuổi) giờ khỏe mạnh, lanh lợi, chị Lê Thị Kim Thiên (công nhân ở quận 12, mẹ bé An) hạnh phúc chia sẻ: “Cách đây một năm, nếu không có sự giúp đỡ của chương trình thì có lẽ bé An không được như ngày hôm nay. Con khỏe mạnh, tôi có thể an tâm làm việc”. Vợ chồng chị Thiên (quê Đắk Nông) vào TPHCM lập nghiệp, gặp lúc con bệnh không tiền chạy chữa, nơi đất khách quê người chưa biết xoay xở ra sao thì nhận được sự trợ giúp của công đoàn và đồng nghiệp. Chính cái tình, cái nghĩa nhận được trong lúc khó khăn ấy đã giúp chị Thiên hiểu hơn về tấm lòng của người thành phố.

Không chỉ thế, chương trình “Mái ấm công đoàn”, “Xây nhà lưu trú công nhân” cũng đã đem lại niềm hạnh phúc an cư cho rất nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Hay chương trình Học bổng Nguyễn Đức Cảnh, sau 20 năm thực hiện, đã lan tỏa rộng khắp đến các công đoàn cơ sở. Tính đến nay đã trao hơn 540.000 suất học bổng, giúp chắp cánh ước mơ cho hàng trăm ngàn con công nhân nghèo, hiếu học, trong đó có nhiều em đứng trước nguy cơ phải bỏ học.

Chính cách sống giàu tình cảm, luôn chia sẻ, biết nghĩ cho mọi người của người dân và chính quyền thành phố đã giúp TPHCM trở nên thân thiện, văn minh và là nơi đáng sống trong suy nghĩ nhiều người.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục