Minh họa: P.S
Bộ ghế đá ở đầu xóm là quán cà phê, trà đá nước lọc của bô lão xóm tôi chục năm nay. Giấc sáng sớm sau khi đi lòng vòng giãn xương cốt, hay lúc sẩm tối, cơm nước no nê là các bô lão lại tụ tập về quán cà phê ghế đá nói chuyện chơi. Thôi thì đủ cả, từ chuyện ông Bảy đầu xóm tậu xe đạp điện, cho tới bà Tư cuối xóm mới cưới dâu, đều là “đầu câu chuyện” ở đây. Nhưng chuyện rôm rả nhất hôm nay là câu chuyện khác.
“Ông Năm bà Năm, thấy hôn, ông Tám cà rỡn hôm nay chơi lớn nha. Ổng bày ngay đầu cái tủ kiếng đựng bánh mì rồi gắn cái biển bánh mì miễn phí, mỗi người một ổ”. Hôm bữa, thấy ổng nói ở đây nè, tui tưởng ổng chém gió, ai ngờ làm thiệt nghen”, giọng ông Sáu vá xe rổn rảng.
Ông Năm nói luôn: “Hôm trước, ổng bàn với tui, kiếm cái gì cho mấy nhỏ công nhân, sinh viên ở thuê trong xóm. Tui còn suy nghĩ thì ổng quyết cái rụp. Ông Tám nói thằng con ổng cho cái tủ kiếng đựng bánh mì, con dâu thì in cái biển chữ to dán vô, ổng bả thì nhín tiền ăn sáng, cà phê cà pháo mua bánh mì bỏ vô”. “Vậy hay quá chớ, hay mình kiếm gì phụ vô đi anh Năm…”, ông Sáu tiếp lời.
Chuyện như xóm nhỏ lao động chỗ tôi không thiếu ở thành phố này. Mấy chục năm sau ngày thống nhất, những góc phố, con hẻm đều dễ thấy những tủ bánh mì miễn phí, bình trà đá miễn phí, sửa xe miễn phí… Người tổ chức cũng chỉ là dân lao động nghèo, đơn giản là cho đi chút nghĩa tình. Còn có hẳn một con hẻm miễn phí ở đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, từ bình nước uống, dịch vụ vá xe hay xe ôm, thậm chí cả chuyện hỗ trợ mai táng cũng có và đều miễn phí cho người nghèo. Tủ thuốc miễn phí ở đây, nghe đâu đã có từ 14 năm trước, đều do bà con trong hẻm chung tay đóng góp. Tủ nhỏ xíu xiu nhưng đủ để dùng cho những trường hợp cấp cứu thông thường, trước khi đưa tới bệnh viện. Rồi cơ sở mai táng Vạn Phúc, sẵn sàng hỗ trợ áo quan cho người nghèo không may qua đời…
Còn nhiều lắm chớ, như những quán cơm 2.000 đồng mọc lên khắp nơi. Hồi mới có chuyện “cơm 2.000”, có người còn hoài nghi: “Bộ dư tiền sao làm cơm 2.000 đồng; thích đánh bóng tên tuổi hả; cơm 2.000 đồng mà sinh viên quần áo tươm tất cũng vô ăn, còn đâu cho người nghèo?”. Dạ thưa, người dân nghĩa tình ở mảnh đất phương Nam này khi đã quyết cho, chắc chẳng mấy ai muốn nhận lại nhiều hơn tấm lòng mình đâu. Còn người nhận, khó khăn thì cứ nhận, sao phải phân biệt người nghèo hay sinh viên, tươm tất hay thiếu thốn? Nói vậy để đừng so đo, nghĩ ngợi tính toán chi tấm lòng. Có gì đo được tấm lòng mà xét nét nhau. Riết rồi cả xã hội cứ hoài nghi lòng tốt của nhau, chi vậy?
…Ông Tám cà rỡn đã gây một cơn địa chấn ở xóm lao động nghèo. Hưởng ứng vợ chồng ông Tám cà rỡn, ông Năm đem thùng trà đá bày cạnh tủ bánh mì. Hôm nào chơi sang, bà Năm còn nấu hẳn thùng nước sâm mía lau cho mấy em công nhân, sinh viên và sắp nhỏ trời nóng có thứ giải khát. Ông bà Năm cũng là công nhân về hưu, lương hưu trí chẳng bao nhiêu nhưng có hẳn tấm lòng. Chú Sáu hồi trước làm văn phòng cũng thông báo tới xóm trọ là ai có nhu cầu đánh máy vi tính đơn thư này nọ, cứ qua gặp chú, chú sẵn lòng hỗ trợ. Rồi thím Bảy Hương ở đầu hẻm cũng mới tuyên bố ở quán cà phê ghế đá là mấy đứa nhỏ con mấy cô công nhân, cần phụ đạo thì tối thứ bảy, chủ nhật ra thím, thím từng dạy học mấy năm, đủ sức kèm cặp…
Chuyện đẹp vầy lan tỏa khắp xóm hồi nào không hay. Các chú thím vận động nhau đóng góp chút ít chuyện nghĩa tình xóm nhỏ. Hỏi qua có phải làm theo phong trào không, chú Tám nạt luôn: “Tầm bậy tầm bạ, tụi tao hổng phải cái dân phong trào, thấy người ta làm rồi bắt chước này nọ. Tự tụi tao thấy, mình còn giúp được gì thì giúp, nề hà chi chuyện xóm chuyện làng. Tụi bay nói vầy là quá sai. Mà tụi bay đã giúp được gì chưa mà hỏi tới lui…”. Cứ vậy, ông già Nam bộ phà phà mắng một thôi một hồi…
Vậy đó, chuyện xóm tôi cũng như chuyện ở rất nhiều khu phố, con hẻm khác ở thành phố này, là chuyện nghĩa chuyện tình, đâu thể đong đếm nổi. Bởi vậy, mấy chục năm ở mảnh đất này, đâu chỉ có mấy tòa nhà chọc trời, mấy khu vui chơi giải trí sầm uất, hay mấy làng biệt thự bóng bẩy. Ở mảnh đất này, còn tình, còn nghĩa của những tấm lòng quá đỗi bình dị…