Bài 1: Càng lỗ, càng lớn mạnh?
Hàng năm có gần 50% doanh nghiệp (DN) báo cáo lỗ. Trong đó, có nhiều DN FDI báo lỗ suốt hàng chục năm liền. Nguyên nhân nào giúp DN dễ dàng báo cáo lỗ? Loạt bài này sẽ “điểm mặt” những DN báo cáo lỗ nhằm góp phần tìm ra giải pháp hữu hiệu chống thất thu thuế.
Chiêu “mua mắc, bán rẻ”
Chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết Công ty Coca - Cola Việt Nam liên tục báo cáo thuế lỗ hơn chục năm qua, con số lỗ rất lớn, không dưới 100 tỷ đồng/năm (riêng năm 2008, số lỗ đã trên 130 tỷ đồng). Trong khi đó, ai cũng biết tên thương hiệu này vì công ty tài trợ cho rất nhiều chương trình vui chơi giải trí và thường xuyên quảng cáo trên truyền hình.
Công ty TNHH Clover Việt Nam (huyện Củ Chi) chuyên sản xuất mực in máy vi tính (100% xuất khẩu) cũng là DN báo lỗ nhiều năm liền. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, năm 2007 doanh thu của Clover VN chỉ 4 tỷ đồng nhưng giá vốn “đầu vào” là 12,3 tỷ nên “âm” 8,3 tỷ đồng. Chưa hết, chi phí quản lý trong năm được DN kê khai đến 8,4 tỷ đồng, tổng cộng kết quả kinh doanh năm 2007 lỗ 16,7 tỷ đồng. Năm 2008, doanh thu của đơn vị này tăng mạnh, đạt 206 tỷ đồng, tưởng tình hình có khả quan hơn, ai dè DN báo cáo giá vốn vẫn cao hơn doanh thu 5 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng lên 13 tỷ đồng, dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2008 lỗ 18,6 tỷ đồng. Tổng cộng số lỗ 2 năm (2007- 2008) của Clover VN đã lên đến 35,3 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của công ty 12,9 tỷ đồng! Sang năm 2009, Clover VN đổi chiêu “mua mắc, bán rẻ” sang chiêu “trọng dụng nhân tài”: Doanh thu cao hơn giá đầu vào 20 tỷ đồng (đạt 357 tỷ đồng) nhưng chi phí quản lý lại được kê lên 20 tỷ đồng, kết quả coi như… huề! Nếu tính lỗ lũy kế thì số “âm” 35,3 tỷ đồng vẫn còn đó. Khi bị cơ quan thuế “bắt giò” về nguy cơ phá sản (vì không còn vốn), lãnh đạo công ty lại cam kết sẽ… có lãi!
Không chỉ lỗ vì giá mua nguyên liệu cao hơn giá thành phẩm, nhiều DN còn dùng các chiêu khác như có vốn vẫn không đưa vào sản xuất mà đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao để đưa lãi suất vào chi phí, làm tăng giá trị đầu vào, giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ để không phải nộp thuế. Cách khác là nâng chi phí quản lý thật cao nên dù doanh số bán có cao hơn vốn thì trừ chi phí thì đều lỗ. Đó là lý do vì sao báo cáo thuế lỗ nhưng DN vẫn không yếu đi, lại còn… mở rộng hoạt động!
Chiêu “lội ngược dòng” và tăng vốn
Công ty TNHH Woogwang Vina (Hóc Môn) lúc mới ra đời (năm 2003) có vốn đăng ký rất khiêm tốn. Thế nhưng, sau 5 năm liên tục báo cáo lỗ thì vốn điều lệ của DN lại… tăng lên. Cụ thể, số lỗ cộng dồn đến năm 2008 của Woogwang Vina là 9,26 tỷ đồng. Theo lý, với tình trạng lỗ này thì DN sẽ gặp khó khăn nhưng ngược lại, cùng với số lỗ ngày một lớn, vốn pháp định của công ty cũng tăng theo, đến năm 2008 đạt 10,1 tỷ đồng. Và dựa vào lý do số lỗ chưa vượt quá vốn pháp định nên công ty cho rằng mình chưa lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại Điều 3 Luật Phá sản. Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan chức năng cảnh báo sắp lâm vào tình trạng phá sản do lỗ gần “bứt” vốn thì năm 2009 DN này quay đầu… có lãi. Giám đốc DN này còn hứa “thời gian tới công ty sẽ cố gắng không để tình trạng lỗ xảy ra”.
Tương tự là trường hợp của Công ty Liên doanh nhựa Sunway Mario. Hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng mở rộng, được chứng minh qua doanh thu của từng năm đều tăng: Năm 2005 đạt 17,5 tỷ đồng, năm 2006 tăng lên 56 tỷ đồng, năm 2007 là 391 tỷ đồng và năm 2008 đạt 543 tỷ đồng. Thấy hoạt động kinh doanh “nở nồi” như vậy, ai cũng nghĩ là DN ăn nên làm ra. Thế nhưng, liên doanh này lại báo cáo thuế lỗ, số lỗ ngày càng nặng hơn. Năm 2005 số lỗ chỉ gần 600 triệu đồng, đến 2006 số lỗ tăng lên 4 tỷ đồng, năm 2007 lỗ tiếp 1,3 tỷ đồng, năm 2008 lỗ 1,8 tỷ đồng… Tổng cộng, số lỗ lũy kế của liên doanh này là 7,2 tỷ đồng, trong khi vốn góp chỉ có 7,9 tỷ đồng. Như vậy, số lỗ chiếm 91% vốn góp.
Do lỗ gần mất vốn nên cơ quan thuế đã cảnh báo về nguy cơ phá sản DN. Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc nhựa Sunway Mario lại lập luận: Năm 2009, số vốn của công ty đã tăng lên thành 41 tỷ đồng, cho nên số lỗ 7,2 tỷ đồng tính ra chỉ chiếm 18% tổng vốn mới. Vậy vì sao báo cáo lỗ nhiều năm mà hoạt động sản xuất mở rộng, vốn tăng lên?
Lỗ để hoàn thuế
Theo quy luật thông thường, doanh số càng tăng cao thì DN càng lớn mạnh và lãi càng cao. Nhưng ở một số DN lỗ… trường kỳ thì không đi theo quy luật đó mà đi ngược lại. Công ty TNHH TMDV Dũ Thành (quận Phú Nhuận) kinh doanh thiết bị điện, điện lạnh là một ví dụ. Dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dũ Thành năm sau cao hơn năm trước gần 300% nhưng vẫn lỗ, và số lỗ lại tăng theo doanh thu.
Cụ thể, năm 2008 doanh thu 7,3 tỷ đồng thì số lỗ là 288 triệu đồng; đến năm 2009 doanh thu tăng lên, đạt 19,7 tỷ đồng thì số lỗ cũng tăng lên 539 triệu đồng. Vì lỗ nên đương nhiên công ty không phải nộp thuế thu nhập DN. Đã vậy, do làm hàng xuất khẩu, được hưởng ưu đãi của nhà nước là không phải chịu thuế GTGT, nên không những không đóng thuế, DN này còn được hoàn thuế GTGT. Tiền hoàn thuế cũng rất lớn, chỉ trong vài tháng, từ tháng 5-2009 đến tháng 3-2010, Công ty Dũ Thành đã đề nghị Nhà nước hoàn thuế với số tiền hơn 750 triệu đồng.
Tuy không có cơ sở pháp lý để kết luận rằng các DN báo cáo lỗ là để trốn thuế, thế nhưng, nhìn sự lớn mạnh của một số DN lỗ - thậm chí lỗ nhiều năm liền - khiến người ta không thể không nghi ngờ. Đó là chưa kể, nhiều chủ DN có thể linh động và điều chỉnh được kết quả kinh doanh một cách dễ dàng. Một DN “đình đám” khác mà khi nhắc đến sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng vì DN này sử dụng lượng lao động lớn và số lượng hàng xuất khẩu cũng đứng “top” đầu VN. Đó là Công ty Pou Yuen Việt Nam, DN chuyên về may mặc và da giày, sử dụng gần 70.000 công nhân. Thế nhưng, thật đáng buồn là hơn chục năm liền hoạt động ở VN, năm nào Pou Yuen cũng khai thuế lỗ (năm 1998 lỗ 7 triệu USD; năm 1999 lỗ 7,6 triệu USD; 2000 lỗ 0,5 triệu USD; 2001 lỗ 9,1 triệu USD; 2002 lỗ 8,8 triệu USD; 2003 lỗ 1,7 triệu USD; 2004 lỗ 1,8 triệu USD; 2005 lỗ 6 triệu USD; 2006 lỗ 4,9 triệu USD; 2007 lỗ 5,1 triệu USD; 2008 lỗ 4,6 triệu USD…).
Điều ngạc nhiên hơn là càng lỗ DN này càng mở rộng đầu tư. Khi mới thành lập (năm 1996), Pou Yuen có vốn đăng ký chỉ 120 triệu USD, sau nhiều năm lỗ như thế, đến nay số vốn điều lệ đã tăng thành 288 triệu USD - tăng gấp gần 2,5 lần so với vốn ban đầu. Thế nhưng không hiểu vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại để tình trạng lỗ như thế kéo dài hàng chục năm qua mà không có hướng xử lý?!
Số liệu DN thành lập mới trên địa bàn TPHCM liên tục tăng: năm 2005 có 10.579 DN đăng ký thành lập mới; năm 2006 có 15.143 DN mới; năm 2007 có 17.227 DN mới; năm 2008 có 20.996 DN mới và năm 2009 có 27.830 DN mới. Tính đến hết năm 2009, tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn TPHCM là 141.808 DN. |
Hàn Ni
Bài 2: Không đóng góp ngân sách lại phải hoàn thuế
Doanh nghiệp (DN) lỗ hết vốn, tức không còn tư cách pháp nhân, thế nhưng vẫn hoạt động và thậm chí còn đòi hoàn thuế. Các DN đề nghị hoàn thuế nhiều nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do nhà nước có chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, nên các đối tượng này được hoàn thuế GTGT đầu vào.
Nghĩa vụ: né, quyền lợi: đòi
Điều 84 Bộ luật Dân sự 2005 quy định pháp nhân phải có đủ các điều kiện sau đây: “Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Căn cứ vào quy định đó, những DN lỗ “bứt” vốn không còn tư cách pháp nhân. Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều DN báo cáo thuế lỗ nhiều năm liền, số lỗ thậm chí vượt quá vốn pháp định nhưng vẫn tồn tại. Hơn nữa, các DN lỗ đã không nộp thuế cho nhà nước còn ngang nhiên “đòi” hoàn thuế. Không biết bao nhiêu tỷ đồng đã rơi vào tay họ?!
Như bài trước đã nói, Công ty Clover VN (DN FDI) lỗ bứt vốn điều lệ, còn “âm” thêm gần 13 tỷ đồng nhưng đơn vị này vẫn cứ đòi hoàn thuế nhiều lần. Chỉ tính riêng 2 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2009), Clover VN đề xuất hoàn thuế 810 triệu đồng và đã được cơ quan thuế hoàn 736 triệu đồng. Tương tự như vậy, Công ty Pou Yuen Việt Nam (DN FDI) khai âm liên tục hơn chục năm qua nhưng vì nhà nước miễn thuế GTGT cho hoạt động xuất khẩu nên năm nào Pou Yuen cũng hoàn thuế tiền tỷ. Cụ thể, năm 1999 đề nghị hoàn 11 tỷ đồng và qua các năm kế tiếp là 10 tỷ, 19 tỷ, 13 tỷ, 14 tỷ, 39 tỷ, 55 tỷ, 108 tỷ, 74 tỷ, và 61 tỷ đồng.
Công ty TNHH Nón liên kết giày (DN xuất khẩu ở Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng vậy, vốn điều lệ chỉ 27 tỷ đồng nhưng năm 2008 lỗ đến 19,2 tỷ đồng; đến năm 2009 lỗ tiếp 8,7 tỷ đồng. Nếu cộng dồn 2 năm số tiền lỗ “bứt” hết vốn điều lệ. Vậy mà, DN này gởi công văn yêu cầu Cục Thuế TPHCM hoàn thuế GTGT cho họ. Chỉ tính riêng số tiền thuế GTGT trong thời gian từ tháng 4-2007 đến cuối năm 2008 mà DN này yêu cầu được hoàn lên hơn 3 tỷ đồng. Công ty Orange Fashion (DN FDI ở 79 Cộng Hòa, quận Tân Bình) liên tục lỗ từ năm 2005 - 2009 khoảng 53 tỷ đồng, trong khi vốn pháp định của công ty chỉ 1,5 triệu USD, tức chưa đầy 30 tỷ đồng, tức đã lỗ “âm” vốn. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, công ty này được 17 lần hoàn thuế và tổng số tiền thuế hoàn đến gần 70 tỷ đồng. Đầu năm 2010, công ty tiếp tục đề nghị hoàn thuế thêm 2,7 tỷ đồng!
Vốn đăng ký... ảo
Sở dĩ các DN được hoàn thuế dễ dàng vì họ thuộc đối tượng “hoàn trước, kiểm tra sau”, nên chỉ cần xét thấy đủ hồ sơ giấy tờ là cơ quan thuế cho hoàn. Và với cách quản lý như hiện nay, hóa đơn chứng từ báo cáo thuế của các DN FDI luôn tròn trịa, nhờ có đội ngũ chuyên viên tư vấn giỏi, do vậy khi họ đã hoàn chỉnh hồ sơ thì cán bộ thuế khó có thể soi được gì. Theo thống kê sơ bộ tại TPHCM, trong “top” 10 DN có số thuế đề nghị hoàn cao nhất trong 2 năm gần đây có tên của nhiều công ty FDI như: Công ty Premier Oil Việt Nam Offshore B.V; Công ty TNHH Kumho Asiana Plaza Sài Gòn; Công ty Pou Yuen Việt Nam…
Số tiền mỗi công ty này đòi hoàn thuế hơn 200 tỷ đồng. Mặc dù biết không ít DN chuyển giá (tức mua nguyên liệu với giá cao từ công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó bán sản phẩm giá rẻ cho công ty mẹ - nơi có mức thuế suất thấp - nhằm chuyển lợi nhuận sang nước ngoài), cơ quan thuế cũng khó có thể tìm chứng cứ xử lý được. Vì hiện nay giá cả chủ yếu theo cơ chế thị trường thuận mua, vừa bán. Nhà nước có một số quy định áp giá khi thấy giá hàng “đầu vào” bất hợp lý, nhưng để áp theo giá thị trường không phải chuyện dễ.
Hạn chế trong cơ chế kiểm tra, xử lý, công tác quản lý các DN FDI hiện nay của các cơ quan chức năng cũng không chặt chẽ. Lấy TPHCM làm ví dụ, theo con số thống kê của Sở KH-ĐT, đến 2009, TP có gần 3.500 DN FDI. Tuy nhiên, Cục Thuế TP cho biết chỉ quản lý 2.500 DN và trong năm 2009 chỉ có hơn 2.200 DN báo cáo thuế. Số còn lại đi đâu, làm gì… không ai biết! Quản lý vậy, nhưng cả nước, nơi nào cũng kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta luôn vỗ tay reo mừng với những số vốn đăng ký… ảo. Sau đó, vốn thực hiện bao nhiêu, hiệu quả kinh doanh thế nào, xã hội được gì vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, thống kê. Trong số các DN FDI nộp báo cáo thuế có gần một nửa báo cáo lỗ.
Câu hỏi đặt ra, các DN này đóng góp gì cho xã hội? Câu trả lời quen thuộc: Tạo ra nhiều việc làm cho người lao động! Thế nhưng, khi chúng tôi thử tìm hiểu tại DN Pou Yuen – đơn vị có số lao động gần như đông nhất hiện nay, 70.000 công nhân – được biết, lương và đời sống công nhân vô cùng khó khăn. DN này chỉ nhận lao động trong độ tuổi 18 - 40 và hầu như chỉ những người trẻ làm việc vì ít ai có thể miệt mài đứng máy trên chục năm.
Lương công nhân, nếu làm trong giờ hành chính chỉ được trả gần như bằng mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, từ 1,4 – 1,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá phòng trọ ở các khu lân cận như khu Bắc Lương Bèo, quận Bình Tân khá cao, một phòng diện tích 8-10m², giá đã 800.000 – 1.000.000 đồng/tháng. Chúng ta luôn “tiếp thị” ưu thế của VN là lao động giá rẻ nên thời gian qua có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực thâm dụng lao động. Nhưng nếu cứ “ăn dần” vào thế mạnh của nguồn lực lao động, rồi sẽ đến lúc nguồn lực này cũng cạn kiệt.
HÀN NI
Bài 3: Giải trình có hợp tình?
Không thể quy chụp tất cả các doanh nghiệp (DN) FDI lỗ có hoạt động chuyển giá, cũng như không thể cho rằng tất cả DN trong nước lỗ do làm ăn thất bại. Tuy nhiên, việc báo cáo thuế lỗ liên tục nhiều năm liền nhưng DN vẫn mở rộng sản xuất thì quả… có vấn đề! Vì vậy, chúng tôi xin thông tin các lời giải thích của đơn vị về những con số chi phí dẫn đến lỗ để dư luận tự đánh giá.
Có vốn vẫn đi vay
Tình trạng nâng chi phí để “đội” đầu vào, nhằm né thuế là hiện tượng phổ biến nhất hiện nay. Bởi chỉ cần DN chứng minh hồ sơ chứng từ hợp pháp sẽ được chấp nhận, vì việc báo cáo thuế sau 20 ngày, còn hoạt động kiểm tra thuế chờ sau một năm hoặc thậm chí nhiều năm. Do vậy, khi cơ quan thuế kiểm tra thì đã… mất hết dấu vết, chỉ còn lại giấy tờ sổ sách đã được cân chỉnh hợp lý.
Điển hình như Công ty TNHH QMI Industrial VN về tình trạng doanh thu luôn thấp hơn chi phí giá vốn và khi doanh thu tăng, chi phí giá vốn cũng tăng “qua mặt” doanh thu - điều khiến nhiều DN khác ngạc nhiên: năm 2004, doanh thu đạt 47,3 tỷ đồng thì chi phí giá vốn lên đến 50,5 tỷ đồng; tương ứng năm 2005, doanh thu 45,8/46,1 tỷ đồng đầu vào; năm 2006, doanh thu 51,7/52,2 tỷ đồng đầu vào; năm 2007, doanh thu 58/58,7 tỷ đồng đầu vào; năm 2008 doanh thu 56,4/56,47 tỷ đồng đầu vào và năm 2009, doanh thu 48 tỷ thì chi phí giá vốn đầu vào lên đến 51,4 tỷ đồng.
Như vậy, kết quả kinh doanh đến 2009 của Công ty QMI Industrial VN bị “âm” đến 8,4 tỷ đồng, chiếm 52,7% vốn pháp định.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao chi phí luôn cao hơn doanh thu, dẫn đến kết quả lỗ, ông Chuang, Yin-Cheng, Phó Tổng Giám đốc công ty giải trình: Do công nhân không có tay nghề, lao động luôn thay đổi và do… chi phí lãi vay cao. Câu hỏi đặt ra tại sao công ty có vốn nhưng không dùng vốn của mình để đầu tư mà lại đi vay để phải trả lãi? “Công ty chưa thu được nợ từ khách hàng nên phải vay tiền của ngân hàng và phải trả lãi vay cao” - ông Chuang, Yin-Cheng giải thích.
Báo cáo lỗ, có tiền nhưng phải vay ngân hàng để kinh doanh, vậy mà công ty lại đưa ra giải pháp giảm lỗ rất lạ là sẽ… tăng vốn pháp định từ 300.000 USD lên 1 triệu USD (không biết lấy tiền ở đâu)! Tức với số vốn pháp định lớn hơn thì số lỗ 8,4 tỷ đồng kia vẫn còn đó, nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm trên vốn pháp định số lỗ sẽ thấp xuống!?
Kinh doanh bằng... vốn của khách hàng!
Nếu Công ty QMI Industrial VN vì không đòi được nợ khách hàng nên phải đi vay vốn và trả lãi suất làm tăng chi phí giá đầu vào thì ở Công ty TNHH SX Sunglory (quận Bình Tân) lại khác: Khi đã lỗ mất vốn pháp định, đơn vị vẫn không chịu giải thể vì… đang kinh doanh bằng vốn của khách hàng trả trước! Sunglory hoạt động trong lĩnh vực may gia công xuất khẩu, cũng kiểu báo cáo thuế doanh thu cứ tăng đều nhưng lỗ vẫn cứ lỗ.
Nhìn những con số trong báo cáo thuế lại càng thấy kết quả kinh doanh của đơn vị này rất lạ: doanh thu tăng đều từ 11 tỷ đồng (năm 2005) lên 15 tỷ đồng (2006); 18 tỷ đồng (2007); 18 tỷ đồng (2008) và 20 tỷ đồng (2009) nhưng số lỗ tương ứng qua các năm là 916 triệu đồng – 2 tỷ đồng – 669 triệu đồng – năm 2008 lãi nhẹ 261 triệu đồng và sang 2009 lại lỗ 1,9 tỷ đồng.
Số lỗ lũy kế đến năm 2009 là 6,5 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn đầu tư của công ty này chỉ 1,7 tỷ đồng, tức số lỗ gấp 4 lần vốn!
Khi được hỏi vì sao số lỗ lớn như thế nhưng công ty vẫn không phá sản mà lại mở rộng hoạt động, ông Liao, Hsiu-Ying, Phó Tổng Giám đốc Sunglory trả lời: “DN kinh doanh bằng nguồn vốn của khách hàng trả trước 4,4 tỷ đồng”! Thế nhưng, ngay cả cộng số tiền khách hàng trả trước này với vốn đăng ký của công ty, vẫn chưa bằng số lỗ mà công ty đã báo cáo.
Cũng kiểu lỗ mà không chịu phá sản, Công ty TNHH Clover Việt Nam lại có chiến thuật khác là công ty mẹ làm cam kết sẽ cấp thêm vốn và không đòi nợ cũ trong vòng 1 năm. Theo báo cáo, Công ty Clover Việt Nam chỉ mới kinh doanh không đầy 2 năm đã khai báo thuế lỗ gần bứt vốn.
Cũng kiểu lỗ do chi phí quản lý cao, “dù doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng nhưng giá vốn vẫn cao hơn doanh thu là do chi phí quản lý cao, sản phẩm làm ra không chất lượng, dẫn đến lỗ 18,6 tỷ đồng (trong khi vốn đăng ký của công ty chỉ 23 tỷ đồng- PV)”- ông Nguyễn Đặng Thảo, Giám đốc Tài chính Công ty Clover Việt Nam giải thích.
“Chú trọng” khâu quản lý để được... lỗ!
Tăng chi phí quản lý để nâng giá vốn lên cao dẫn đến lỗ là cách Công ty Orange Fashion (đơn vị chỉ có vốn điều lệ khoảng 30 tỷ đồng, nhưng chưa đầy 5 năm hoạt động đã lỗ… 53 tỷ đồng) áp dụng.
Ai nhìn con số lỗ cũng bất bình, nhưng ông Seog Deog Lee, đại diện Công ty Orange Fashion rất thản nhiên giải trình số lỗ từng năm một cách hợp lý như sau: Hai năm đầu (2005- 2006) tổng doanh thu đạt gần 150 tỷ đồng nhưng do mới thành lập, công nhân chưa rành nghề, phải trả chi phí thuê nhà xưởng, cộng với chi phí quản lý đến gần 12 tỷ đồng nên kết quả lỗ 3,5 tỷ đồng. Năm 2007, tổng doanh thu dù có tăng lên đạt 284 tỷ đồng, nhưng phải di dời địa điểm nên phải mua sắm lại tài sản cố định, do vậy, kết quả “âm” 7,1 tỷ đồng.
Năm 2008, tổng doanh thu tiếp tục tăng đến 342 tỷ đồng nhưng do chi phí bán hàng đến 8 tỷ đồng và chi phí quản lý đến 18 tỷ đồng đã dẫn đến kết quả DN lỗ 28 tỷ đồng (trong năm này chi phí quản lý tăng cao đột biến nhưng DN vẫn áp vào lý do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên lỗ). Năm 2009, tổng doanh thu đạt 276 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý lên đến 30 tỷ, nên kết quả kinh doanh vẫn lỗ 14,5 tỷ đồng.
Những lời giải trình này khiến ai nghe qua cũng thấy bất bình, nhưng hiện nay, ít có cơ quan thuế nào có đủ cán bộ có trình độ và đủ lực lượng để kiểm tra và kết luật hành vi khai khống giá cả, chi phí của DN. Mọi thông số trong báo cáo thuế đã được DN hợp pháp hóa, dù thấy có dấu hiệu vi phạm nhưng cũng không có chứng cứ để xử lý. Do thị trường phải tuân theo quy luật cung cầu nên giá mua, giá bán là do các DN tự thỏa thuận, cán bộ thuế không có quyền can thiệp.
Một cán bộ quản lý thuế còn kể câu chuyện bức xúc rằng, có DN mua một lô thiết bị cũ xuất xứ Trung Quốc nhưng kê khống giá bằng với thiết bị mới xuất xứ Nhật Bản. Nếu là DN nhà nước chắc chắn sẽ bị xử lý về tội tham ô. Nhưng đối với các loại hình DN tư nhân khi họ có chứng từ hợp pháp phải chấp nhận.
Với những kiểu khai thuế như thế này, không có quy định gì kiểm tra, ràng buộc thì chính sách để DN “tự tính, tự khai, tự nộp thuế” như lâu nay rất dễ trở thành… “tự tính, tự khai, tự… trốn thuế”!
Hàn Ni
Bài 4: Luật thoáng, quản lý lỏng lẻo
Hàng năm, hàng ngàn tỷ đồng hoàn thuế vào tay doanh nghiệp (DN) nhưng hồ sơ cứ dồn lại, chưa được hậu kiểm. Thực tế, chỉ cần kiểm tra một doanh nghiệp lớn, cơ quan thuế có thể xử phạt và truy thu hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, mỗi năm, cơ quan thuế chỉ kiểm tra, xử lý được chưa đầy 1% số DN do mình quản lý.
Kiểm không xuể!
Nhằm khuyến khích xuất khẩu, nhà nước ưu đãi thuế suất thuế GTGT 0% đối với DN sản xuất hàng xuất khẩu. Do vậy, các DN xuất khẩu luôn được hoàn thuế với số tiền rất lớn. Đã vậy, cơ chế “hoàn trước, kiểm sau” hiện nay đã giúp DN lấy tiền từ ngân sách rất dễ dàng nhưng cơ quan thuế không đủ cán bộ hậu kiểm. Nhiều doanh nghiệp đã nhận tiền hoàn thuế từ hàng chục hồ sơ, với số tiền hoàn hàng chục tỷ đồng nhưng cơ quan thuế vẫn chưa tiến hành hậu kiểm lần nào.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Woogwang Vina (Hóc Môn) - đơn vị báo cáo lỗ gần chục tỷ đồng - năm nào cũng làm hồ sơ hoàn thuế với số tiền lớn. Đến nay đã 19 lần hoàn thuế, nhưng cơ quan vẫn chưa hậu kiểm hồ sơ hoàn thuế, đồng thời báo cáo thuế hoạt động kinh doanh của DN này từ năm 2003-2008 vẫn chưa được kiểm tra quyết toán.
Công ty TNHH Industrial VN – đơn vị lỗ nhiều năm liền – số thuế hoàn vẫn cứ đều đều. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2009, DN này đề nghị hoàn thuế 639 triệu đồng và đã được cơ quan thuế giải quyết do đơn vị này thuộc đối tượng “hoàn trước, kiểm sau”, cho dù 12 hồ sơ hoàn thuế trước đó, cơ quan thuế vẫn chưa có thời gian hậu kiểm.
Công ty Orange Fashion cũng vậy, hoạt động trong 5 năm số lỗ đến 53 tỷ đồng nhưng công ty vẫn được hoàn thuế 17 lần với số tiền hơn 71 tỷ đồng và việc kiểm tra các hồ sơ hoàn thuế ấy vẫn chưa được tiến hành kịp thời…
Đây là một vấn đề cần xem xét ra và xử lý kịp thời.
Phải chống chuyển giá
Nhà nước ta vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu để phát hiện và phòng chống hoạt động chuyển giá đối với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thế nhưng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy các DN này có hoạt động chuyển giá là mua nguyên liệu của công ty mẹ ở nước ngoài (đóng tại nước có mức thuế suất thấp) với giá cao, bán sản phẩm cho công ty mẹ với giá thấp để khai báo lỗ, không đóng thuế ở Việt Nam. Do vậy, đã đến lúc nhà nước cần bổ sung và điều chỉnh cơ chế quản lý cho phù hợp.
Trước hết, cần buộc các DN FDI sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước vào hoạt động sản xuất (chỉ những nguồn nguyên liệu nào trong nước không có mới được nhập), bởi phần lớn DN FDI chỉ thực hiện gia công cho một công ty mẹ ở nước ngoài, phải nhập nguồn hàng từ nước ngoài làm tăng nhập siêu. Khi không cho phép nhập nguyên liệu, DN FDI trong nước sẽ không còn cơ hội nhập hàng từ công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao để nâng giá đầu vào nhằm chuyển giá. Từ đó, cần xem xét lại các DN ở khu chế xuất hiện nay. Các DN FDI trong khu chế xuất đã được hưởng ưu đãi về đất đai, vị trí, lại được ưu đãi thuế suất thuế GTGT 0%.
Một vấn đề khác, cần phải xem xét lại mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay. Mức thuế suất cao (25%) chưa hẳn sẽ giúp chúng ta thu được nhiều thuế, do đó nên có mức thuế suất vừa phải để các DN không ngán ngại khi nộp thuế, có như vậy mới hạn chế được chuyển giá. Đồng thời, cần phải xem xét các quy định ở một số nước khác như: đánh thuế 2% trên doanh thu của DN mà không cần xem xét DN lời hay lỗ, nếu lời thì nộp tiếp thuế thu nhập DN. Số tiền trên được xem như tiền đóng vào những công trình công cộng, đường sá mà DN đã sử dụng.
Bất cập... “bập” ngay!
Cần xem xét lại cơ chế cho phép DN tự tính, tự khai, tự nộp thuế, vì không phù hợp với tình hình quản lý hiện nay, khi cán bộ thuế không đủ để hậu kiểm, chưa đưa hệ thống công nghệ thông tin vào quản lý. Trước hết, cơ quan thuế phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý số liệu, tiếp nhận báo cáo thuế để có nhiều cán bộ hơn đi kiểm tra xử lý vi phạm. Mặc khác, cần nâng các mức xử phạt thật nặng đối với vi phạm về thuế, nhất là tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn tràn lan hiện nay.
Thực tế, có không ít DN hoạt động xuất khẩu, được hoàn thuế GTGT đầu vào nhưng họ xuất khẩu một phần, còn một phần bán lẻ trong nước thành hệ thống nhưng không hề xuất hóa đơn. Vì vậy, một mặt họ được hoàn thuế, mặt khác bán hàng không xuất hóa đơn nên họ khai lời hay lỗ đều không có cơ sở để kiểm tra được.
Một bất cập khác: Luật Phá sản quy định điều kiện phá sản DN là DN không thanh toán được nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, dù chỉ 1.000 đồng, thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản và buộc phải nộp đơn xin tuyên bố phá sản. Thế nhưng, luật lại không có chế tài gì khi DN đã lâm vào tình trạng phá sản mà vẫn không chịu nộp đơn xin tuyên bố phá sản. Do vậy, thực tế, nhiều DN “né” thuế bằng cách báo cáo lỗ, thậm chí lỗ âm vốn nhưng vẫn không xử lý được theo luật phá sản. Mà một khi DN lỗ âm vốn lại rất nguy hại cho nền kinh tế, không bảo vệ cho các DN khác khi hợp tác đầu tư với đơn vị lỗ. Chẳng hạn, loại hình công ty TNHH phải chịu trách nhiệm trong phần vốn của mình, nhưng đã lỗ mất vốn thì lấy gì để chịu trách nhiệm trước các đối tác.
Do vậy, để bảo vệ đối tác trong kinh doanh và tạo công bằng giữa các thành phần kinh tế, cơ quan thuế cần công khai danh sách những DN báo cáo thuế lỗ để các đối tác có thông tin khi quyết định hợp tác kinh doanh. Bởi chúng ta không thể chấp nhận khi danh sách thuế khoán của các hộ kinh doanh cá thể được dán tại UBND xã phường để người dân theo dõi, giám sát thì các DN lớn lại không được công khai, dẫn đến nhiều DN lỗ kéo dài hàng chục năm, lỗ âm vốn vẫn được cơ quan thuế “úm” thông tin. Không ít cơ quan thuế căn cứ vào câu “bí mật thông tin cho DN” trong Luật Quản lý thuế để thoái thác việc cung cấp thông tin khi báo chí yêu cầu. Thực tế, việc bí mật thông tin đó chỉ áp dụng khi giữ bí mật kinh doanh cho DN, còn việc khai báo thuế là việc công khai, cần để dân biết và giám sát, tránh việc móc nối giữa cán bộ thuế và DN để trốn thuế.
Hàn Ni