Nghịch lý phim nhà nước đặt hàng

Hiện nay, cả nước đang sôi nổi kỷ niệm những ngày lễ lớn nên đa số hoạt động văn hóa giải trí đều hướng tới chủ đề chung này. Với mục tiêu tuyên truyền và phục vụ nhiệm vụ chính trị, điện ảnh là loại hình nghệ thuật có tác động sâu rộng, được chọn làm phương tiện chính không thể thiếu trong những dịp kỷ niệm.

Chỉ trước đây vài năm, cứ vào những ngày lễ lớn của dân tộc, Cục Điện ảnh luôn chuẩn bị sẵn những bộ phim tài liệu và phim truyện (mới sản xuất và thường là những bộ phim đề tài truyền thống cách mạng) để trình chiếu khắp cả nước, phục vụ mọi đối tượng, trong đó ưu tiên cho những gia đình chính sách, có công với cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, cựu chiến binh và bộ đội…

Những bộ phim chiếu dịp này thường có tên chung là “phim lễ”. Tuy nhiên, khoảng vài ba năm trở lại đây, “phim lễ” dần thưa thớt, thậm chí có năm còn không có. Nhiều lý do khiến phim lễ vắng bóng như: trong năm không có phim mới, hoặc có phim nhưng vì lý do này hay lý do khác chưa được chiếu.

Và một trong những lý do mà nhiều người đã đặt ra, đó là, càng ngày hoạt động này càng chỉ mang tính hình thức, không tạo được sự quan tâm của công chúng. Phần lớn những bộ phim được làm tốn tiền tỷ, chục tỷ, bằng kinh phí nhà nước.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu đồng tiền bỏ ra mang lại hiệu quả về mặt xã hội, thế nhưng phần lớn những sản phẩm phim lễ lại chỉ có thể chiếu dịp này (có khi chỉ một suất duy nhất) sau đó đem cất kho! Vì không có người xem, việc sản xuất và phát hành những bộ phim này đã gây lãng phí lớn.

Nhìn chung, có 2 lý do khiến phim không có khán giả, đó là: thiếu sự quảng bá đúng mức và phim không hấp dẫn. Phim lễ thường rơi vào cả 2 lý do trên...

Sau mấy năm vắng bóng, năm nay, phim lễ lại bất ngờ xuất hiện. Bộ phim có tên gọi Nhìn ra biển cả (kịch bản: Hồng Ngát - đoạt giải nhì cuộc vận động sáng tác đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đạo diễn Vũ Châu), do Hãng phim Hội Điện ảnh VN sản xuất theo đặt hàng của Cục Điện ảnh. Chi phí sản xuất trên 7 tỷ đồng…

Buổi khai mạc phim diễn ra vào tối 29-4, duy nhất một cái tin nhỏ được đăng vào sáng 29-4 trên trang web của Công ty cổ phần Truyền thông điện ảnh Sài Gòn, đơn vị nhận nhiệm vụ phát hành bộ phim ở phía Nam rằng bộ phim sẽ được chiếu tối đó, khán giả và báo chí muốn xem có thể nhận vé tại rạp…

Một đại diện của nhà phát hành cho biết đến sáng 28-4, đơn vị mới nhận được phim, kèm theo 1 tấm băng rôn ghi dòng chữ “Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30-4, 1-5, 7-5, 19-5” cùng với tên phim, tên đơn vị sản xuất, đơn vị đặt hàng, đạo diễn và diễn viên. Ngoài ra, có thêm một số poster đặt ở quầy vé... “Lịch chiếu phim tại rạp đã được xếp kín từ trước. Cục Điện ảnh không hề có kế hoạch gì cho đến khi sát nút mới gửi phim vào yêu cầu chiếu. Ngoài số lượng vé gửi đến các đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí, cục yêu cầu đợt phim này phải bán vé” - vị đại diện phát hành cho biết. Kết quả, buổi chiếu duy nhất tại rạp Thăng Long chỉ có chưa đầy 10 khán giả đến xem, trong đó phân nửa là phóng viên báo và phim chiếu chưa đầy 1/3 thời lượng, một nửa khán giả (ngoài phóng viên) đã bỏ về.

Có lẽ không cần bình luận gì thêm, chỉ xin làm một cuộc so sánh khập khiễng đối với một phim khác của Việt Nam cũng trình chiếu trong dịp này, đó là Để mai tính. Chỉ trong 3 ngày, bộ phim này đã thu hút khoảng 45.000 lượt người xem, đưa bộ phim trở thành một hiện tượng mới, mở ra một mùa phim (phim hè) thu hút khán giả đến rạp ngoài mùa phim tết.

Bộ phim Để mai tính được nhà sản xuất làm với chi phí thấp và đơn giản chỉ để giải trí. Thành công của bộ phim ngoài yếu tố hấp dẫn còn chính nhờ sự quảng bá của một đơn vị phát hành phim chuyên nghiệp. Điều đáng nói, tất cả từ nhà sản xuất đến đơn vị phát hành của bộ phim trên đều là tư nhân. Như vậy, có thể nhận thấy các đơn vị chức năng của nhà nước đã thiếu nhạy bén, năng động trong việc quảng bá, tuyên truyền cho dòng phim truyền thống cách mạng, chưa đưa ra được các giải pháp hợp lý để phổ biến sâu rộng loại phim này như phối hợp trình chiếu ở các CLB, NVH, phục vụ các hội nghị, các đợt sinh hoạt chính trị - xã hội, hoặc phối hợp với các đoàn thể đưa phim về vùng sâu, vùng xa… Có thể nói, càng có đông người xem, phim càng phát huy tác dụng tốt.

Đã đến lúc chúng ta kiên quyết nói không với bệnh hình thức và lãng phí trong điện ảnh.

H.GIANG

Tin cùng chuyên mục