Tại TPHCM đang tồn tại một nghịch lý khá buồn về… rác. Trong khi nhiều khu xử lý rác của TP chạy chưa hết công suất và không ít nhà đầu tư còn muốn xin đầu tư xây dựng thêm các khu xử lý tương tự thì ngoài đường, trên nhiều kênh, rạch rác vẫn vương vãi đầy.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, trung bình mỗi ngày TP thải ra khoảng 6.000 tấn rác sinh hoạt và khoảng 500 tấn các loại chất thải nguy hại khác như bùn hầm cầu, bùn nạo vét cống, rác công nghiệp… Trong đó, khoảng 50% tổng lượng rác sinh hoạt được đưa đi xử lý ở Khu liên hiệp xử lý chất thải rắc Đa Phước, huyện Bình Chánh và 50% còn lại đưa đi xử lý ở Khu xử lý chất thải Phước Hiệp huyện Củ Chi. Xử lý phân hầm cầu đã có Công ty Xử lý chất thải Hòa Bình và xử lý rác công nghiệp đã có Công ty Môi trường Đô thị…
Chủ đầu tư Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước là Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) cho biết sắp tới đơn vị sẽ dùng 2.000 tấn rác trong tổng số 3.000 tấn rác được TP giao để xử lý thành phân compost. Như vậy, VWS chỉ còn khoảng 1.000 tấn rác để chôn lấp, tạo năng lượng gas cho hoạt động của nhà máy phát điện có công suất 12 MW đang được xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. VWS lo ngại lượng rác chôn lấp không phát sinh đủ lượng khí gas để phục vụ nhà máy điện và họ đang có ý định đề nghị TP giao thêm lượng rác (phát sinh thêm qua mỗi năm) để xử lý.
Tương tự, một số doanh nghiệp sản xuất phân compost từ rác ở Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp cũng muốn được TP giao thêm rác để xử lý. Riêng Công ty Xử lý chất thải Hòa Bình đang đau đáu về việc còn nhiều xe chở phân hầm cầu không chịu đưa phân đến nhà máy xử lý. Điều này không những làm thiệt hại doanh nghiệp mà còn gây ô nhiễm trầm trọng đối với môi trường một khi phân hầm cầu không được xử lý đúng quy định. UBND TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có kế hoạch gắn máy định vị GPS trên các xe chở phân hầm cầu nhằm kiểm soát lộ trình.
Bên cạnh sự “khan hiếm” rác cho các khu xử lý là sự ngột ngạt của rác ở rất nhiều góc phố, rất nhiều kênh rạch trên địa bàn TP. Rác ở những chỗ ấy, đủ loại, từ rác sinh hoạt đến rác thải công nghiệp, xác xúc vật chết đã bốc mùi. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, ngoài ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn thấp, việc tổ chức quét rác, thu gom rác, xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi còn nhiều bất cập là nguyên nhân chính gây ra tình trạng rác vương vãi bừa bãi. Hiện nay, các công ty công ích của các quận, huyện chỉ đảm nhận công tác quét rác và thu gom rác tại các trục đường. Phần thu gom rác trong các hẻm thuộc về lực lượng rác dân lập song lực lượng này chỉ làm công tác thu gom rác mà hầu như không quét rác… Đã vậy, việc xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi luôn thiếu người, thiếu kinh phí để thực hiện…
Nghịch lý thừa, thiếu này đã và đang tác động xấu đến chất lượng môi trường TP. Thậm chí, đến cả cách nhìn của người dân đối với công tác xử lý rác. Người dân không cần biết TPHCM có bao nhiêu khu xử lý rác và xử lý rác như thế nào, song trong mắt họ, rác vẫn còn vương vãi khắp nơi, đó là một điểm kém. Như vậy, có lẽ đã đến lúc ngành chức năng nên có động thái chấn chỉnh lại bất cập này, đừng để những tồn tại làm xấu đi những nỗ lực mà ngành đã đạt được.
TÂM ĐỨC