Nghịch lý… tiêu tiền

Việc giải ngân nhanh và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công (bao gồm vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài) được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thế nhưng giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. 

Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân nguồn vốn cấp phát đầu tư phát triển chỉ đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao; chi thường xuyên: 833 tỷ đồng, đạt 17,85%; chính quyền địa phương: khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch…

Ở khía cạnh liên quan, theo Bộ Tài chính, sau 6 tháng đầu năm đã có tới 26 khoản vay với tổng trị giá hơn 3,4 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đã vậy, việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương hiện triển khai rất chậm khiến nhiều nơi không có nguồn vốn để giải ngân, trong khi nhu cầu thực hiện các dự án là rất cấp bách.

Số liệu từ nhóm 6 đối tác phát triển lớn của Việt Nam cho biết, tổng số vốn cam kết năm 2018 là 28,9 tỷ USD, trong đó, số vốn chưa giải ngân là 16,9 tỷ USD. Nguồn vốn cam kết chủ yếu là đầu tư công với trọng tâm chính là giao thông/kết nối cũng như nông nghiệp, đô thị, cơ sở hạ tầng xã hội, năng lượng. Đáng lo ngại là tình hình giải ngân xấu đi kể từ năm 2014 và tỷ lệ giải ngân năm 2018 chỉ ở mức 11,2%. Việc giải ngân chậm dẫn đến hệ quả là trì hoãn hoặc thất bại trong việc thực hiện các kết quả phát triển; tăng phí cam kết; chi phí dự án leo thang (tăng giá, điều chỉnh chi phí); dự án không thành công; giảm tác động đến tăng trưởng kinh tế… 

Một khảo sát được thực hiện trong năm nay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới tại 81 ban quản lý dự án cho thấy, có 4 vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến giải ngân. Đó là: quy định của Chính phủ về quản lý vốn ODA không thống nhất và thường xuyên thay đổi (tỷ lệ 54%); chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án (51%); phân bổ vốn hàng năm không đáp ứng nhu cầu (45%); các cơ quan của Chính phủ chậm trả lời, phê duyệt khi xem xét dự án (41%). Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB bày tỏ: Ngay cả một thay đổi nhỏ trong các dự án (như bổ sung phạm vi, gia hạn khoản vay trong 6 tháng, thay đổi cơ cấu chi phí, sử dụng các khoản dự phòng) cũng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Hệ quả là, trong khi chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư, không thể bắt đầu bất cứ việc chuẩn bị nào, và các hoạt động/thanh toán hiện hành cũng bị tạm dừng.

Vài năm gần đây, việc thu - chi ngân sách đã có nhiều cải thiện. Trong đó, tỷ lệ chi thường xuyên đã giảm, chỉ còn 62%-63% tổng chi ngân sách (mục tiêu là dưới 64% vào năm 2020); tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển theo mục tiêu đã tăng từ 25%-26%% lên 27%-28%. Thế nhưng, việc chậm giải ngân vốn ODA, vay ưu đã nước ngoài nói riêng, đầu tư công nói chung đã làm giảm đi những nỗ lực của việc huy động, bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt hơn 31% vốn được bố trí (tương đương 134.000 tỷ đồng), trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao; còn tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm. Trong lần trao đổi với PV Báo SGGP, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng bày tỏ lo lắng về việc giải ngân quá chậm. Bởi lẽ, ít tiền đã thấy khó khăn, khuyết điểm nay có tiền nhưng không tiêu được thì càng khuyết điểm khi mà nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn. Trong khi, nếu giải ngân nhanh, tiêu đúng, dự án sẽ mang lại hiệu quả, lan tỏa, hiệu ứng tốt.

Để khắc phục nghịch lý có tiền không tiêu được, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực của mình, xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Và, để cải thiện tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, có mấy điểm được nhiều chuyên gia khuyến nghị cần phải thay đổi. Đó là, việc giao kế hoạch vốn hàng năm (bao gồm cả vốn ODA và vốn đối ứng) phải được thực hiện vào tháng 1 và phù hợp với nhu cầu của dự án; tái phân bổ và phân bổ bổ sung vốn nhanh hơn, quy trình đơn giản hơn để phản ánh nhu cầu giải ngân của dự án; thay đổi quy trình, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn đang rất phức tạp, qua nhiều cấp như hiện nay (nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh thì đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án và kéo dài…

Theo các chuyên gia, năm 2019, nếu chúng ta muốn duy trì tốc độ tăng trưởng như năm 2017, 2018 thì phải có đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công, do vậy phải chấn chỉnh, xử lý quyết liệt vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm... như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục