Nghiên cứu giảm ngập phải khả thi

(SGGP).- Chiều 31-5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang cùng các sở ngành và các nhà khoa học đã nghe báo cáo “Dự án thủy lợi ngăn ngừa cấp bách họa hại từ nước sông Đồng Nai - Vàm Cỏ cho TPHCM phát triển bền vững và đề tài nghiên cứu giải pháp xây dựng các hồ điều tiết tại Cần Giờ, hệ thống giảm lưu tác động chảy trên sông Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Tranh nhằm hạ mức triều cao trong sông Sài Gòn - Đồng Nai - Vàm Cỏ để giảm ngập cho TPHCM” của Công ty Mục tiêu môi trường và cộng đồng.

Theo đề án của Công ty Mục tiêu môi trường và cộng đồng, để giải quyết cấp bách hậu quả về nước đang tồn đọng do triều cường cao bất thường phải thực hiện công trình thủy lợi thế hệ mới và giải pháp phi công trình thân thiện với môi trường (kè hở áp lực cột nước thấp) ở trên một số nhánh sông thuộc hệ thống sông Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Tranh; giảm mức đỉnh triều trên hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn - Vàm Cỏ bằng biện pháp xây các hồ đa nhiệm, hồ điều tiết tại Cần Giờ có hoặc không có cửa đóng mở để thu xả nước triều nhằm giữ mức triều cao bình thường.

Nhận xét về đề án này, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM cho biết, xây cống ngăn triều trên hệ thống Soài Rạp khó khả thi. Trước đây, thành phố cũng đã đưa ra phương án xây dựng cống kiểm soát triều sông Kinh thuộc quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập úng. Việc xây dựng cống đập Soài Rạp có nhiều ưu điểm như vận hành đơn giản, không ảnh hưởng đến giao thông thủy, đặc biệt công trình sẽ chống ngập, lũ không chỉ cho TPHCM mà còn cho các khu vực lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương và giảm xâm nhập mặn tại các khu vực có nhà máy nước trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Công trình nằm khá sâu trong sông nên không ảnh hưởng tới môi trường khu vực Cần Giờ, cũng như ĐBSCL. Tuy nhiên, tại nhiều hội thảo về xây dựng cống này, các chuyên gia thủy lợi cho rằng, việc thực hiện, nghiên cứu ý tưởng xây dựng cống đập Soài Rạp cũng cần phải tính toán, xem xét cùng với các dự án, công trình lớn đã được phê duyệt và đang được Bộ NN-PTNT thực hiện. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu cũng cần phải tính toán đến các yếu tố về địa lý, địa hình, địa chất, nước biển dâng, môi trường khu vực xung quanh.

Sau khi nghe Công ty Mục tiêu môi trường và cộng đồng trình bày, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận xét, đây chỉ mới là kết quả nghiên cứu chứ không phải dự án chống ngập. Hiện nay, nguyên nhân gây ngập chủ yếu ở thành phố là mưa, triều cường, Công ty Mục tiêu môi trường và cộng đồng cần nghiên cứu thêm.

Đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh, Công ty Mục tiêu môi trường và cộng đồng cần nghiên cứu đồng bộ các giải pháp về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lượng mưa nhiều… Và không đặt TPHCM một cách riêng lẻ mà phải phải nghiên cứu cùng với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… thậm chí phải nghiên cứu ảnh hưởng từ phía khu vực Tiền Giang. Chính vì vậy phải nghiên cứu công trình giảm ngập có tính khả thi với những giải pháp ở khu vực cụ thể với bài toán giải quyết cụ thể, để đánh giá thực tiễn một cách cụ thể…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục