Với sự phát triển của nền kinh tế, đất nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững. Những thách thức này chỉ có thể giải quyết bằng con đường khoa học công nghệ (KHCN).
Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến nhất định. Đầu tư cho công tác nghiên cứu KHCN đã được quan tâm và nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm từng bước được nâng cao. KHCN trong kiểm soát ô nhiễm môi trường đã hướng tới khả năng ứng dụng, nhằm dự báo, phòng ngừa và kiểm soát, nâng cao ý nghĩa thực tiễn của các công trình, dự án. Theo Viện KHCN Việt Nam, đến nay, đã có hàng loạt nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, việc xây dựng thành công mô hình trạm cấp nước sinh hoạt cho vùng ngập lũ hàng năm; công nghệ xử lý nước thải cho làng nghề giấy, chăn nuôi heo… Các công nghệ chuyển giao cho địa phương đều được đánh giá tốt. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu sử dụng công nghệ sạch, công nghệ tái chế, sử dụng chất thải, khí thải cũng đã được chuyển giao và áp dụng kịp thời vào thực tiễn.
Theo ThS. Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, những thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường rất có ý nghĩa và đáng được ghi nhận, góp phần đắc lực trong việc thực thi các công cụ pháp luật nhằm tháo gỡ, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực này còn hạn chế; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm còn chưa cao nên việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ trong dự báo, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Mặt bằng của việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ chưa đồng đều; nhiều nghiên cứu chưa phát huy được hiệu quả, chưa đi đến tận cùng; sự liên kết giữa các nhà khoa học và nhà quản lý còn nhiều hạn chế; thiếu thông tin về KHCN.
Không dừng lại đó, thị trường công nghệ môi trường chậm phát triển; chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường; thiếu cơ chế phối hợp để thu hút chất xám và động viên các nhà khoa học trong nghiên cứu triển khai KHCN môi trường; điều kiện kỹ thuật, tài chính phục vụ nghiên cứu triển khai công nghệ ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm còn rất hạn chế; còn thiếu các giải pháp, kỹ thuật công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện vùng, miền địa phương, tại các lưu vực sông; nguồn lực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển KHCN còn nhiều hạn chế. Để từng bước triển khai thực hiện được các nghiên cứu và ứng dụng các nghiên cứu KHCN vào thực tiễn, theo ThS. Nguyễn Hoàng Ánh, đòi hỏi phải có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, là chìa khóa để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.
MINH HẢI