Hơn 20 năm qua, bên cạnh chức năng giảng dạy, các trường ĐH, CĐ đã xem công tác phát triển nghiên cứu khoa học (NCKH) là nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt NCKH hướng đến sinh viên và giảng viên trẻ. Riêng TPHCM, mỗi năm có vài ngàn công trình NCKH được công bố nhưng chỉ một số ít được đánh giá có khả năng áp dụng vào thực tế, còn đa phần đề tài “chết” giữa chừng hay làm xong để đấy.
Kinh phí “theo quy định”
Đề tài “Xe lăn điều khiển bằng sóng não” của Nguyễn Kim Tiền (sinh viên năm 4, Khoa Cơ khí - chế tạo máy) cùng các cộng sự Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã có lúc tưởng phải bỏ đi vì thiếu kinh phí. Số tiền trường cấp cho đề tài là 1,5 triệu đồng, trong khi chỉ tính 6 điện cực nhận sóng não để thực hiện đề tài đã hơn 200 USD (hơn 4 triệu đồng). Nhóm của Kim Tiền phải chạy vạy từ gia đình, bạn bè để tiếp tục theo đuổi ý tưởng của mình. Theo TS Nguyễn Trường Thịnh, Giám đốc Trung tâm Chế tạo thử của trường, với khung kinh phí mà nhà trường cấp duyệt như hiện nay (sinh viên là 1,5 triệu đồng/đề tài, giảng viên là 3 triệu đồng/đề tài) thì chưa đủ để mua các linh kiện máy móc đơn giản hay đóng vài tập báo cáo theo quy định chứ đừng nói là hỗ trợ công sức cho người làm công tác nghiên cứu. Đó cũng là thực trạng chung dễ nhận thấy trong NCKH ở các trường ĐH-CĐ hiện nay.
Thực tế cho thấy, tùy theo mối quan hệ, các trường sẽ có nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, từ sở - ngành các địa phương, trích từ chính học phí thu được hàng năm nhưng nguồn chính vẫn từ Bộ GD-ĐT. Theo đó, mỗi năm, các trường sẽ nhận khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí nhà nước và sẽ cấp duyệt cho các đề tài nghiên cứu. Thoạt nhìn thì có vẻ nhiều nhưng tính trung bình mỗi trường có vài chục đề tài mỗi năm (phân chia đề tài theo từng cấp), số tiền cấp cho mỗi đề tài cấp trường chỉ còn khoảng 1-2 triệu đồng. Trước thực trạng này, TS Nguyễn Tiến Thành, Phó phòng Quản lý NCKH Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: “Nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí nhà nước, số đề tài của trường chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một đề tài trong lĩnh vực công nghệ sinh học cần từ 20-30 triệu đồng để trang bị vật dụng, hóa chất, trong khi với năng lực hiện nay của trường, 10 triệu đồng/đề tài là nhiều nhất”. Với nguồn kinh phí như vậy, số tiền dành cho các đề tài NCKH của Trường ĐH Nông Lâm còn khá hơn so với mặt bằng chung các trường ĐH, CĐ khác.
Phải biết tự thân vận động
Trong quá trình nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp, Phòng thí nghiệm SELAB, Khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM đã tiếp nhận đơn đặt hàng từ Công ty Mitani Sangyo Nhật Bản với đề tài “Xây dựng hệ chức năng mở rộng cho phần mềm nguồn mở”. Khoản kinh phí được cấp bởi công ty này lên đến 6.000 USD. Đây là một trong nhiều đề tài mà Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã tiếp nhận và thực hiện, dù điểm mạnh lâu nay của trường là nghiên cứu khoa học cơ bản.
TS Lâm Quang Vinh, Phó phòng Khoa học công nghệ và quan hệ Quốc tế Trường ĐH Khoa học tự nhiên lý giải: “Các trường lâu nay đã quen với hình thức giảng viên, sinh viên tự đăng ký đề tài, còn nhà trường chỉ làm công tác xét duyệt. Nay trường yêu cầu các giảng viên chủ động hơn trong tìm nguồn đặt hàng từ doanh nghiệp hoặc sở - ngành các địa phương. Hình thức này giúp người làm công tác nghiên cứu tự chủ nguồn kinh phí, các đề tài thực hiện lại sát với yêu cầu của xã hội hơn”. Cũng theo TS Vinh, điểm hay trong hình thức này còn thể hiện ở chỗ sinh viên được giảng viên đặt hàng thực hiện một số phần việc trong đề tài. Khi đó, sinh viên vừa có điều kiện tiếp cận các đề tài lớn, có khả năng áp dụng vào thực tế, vừa có thêm một khoản thu nhập không nhỏ.
Củng cố mối quan hệ với các đơn vị đặt hàng trong những năm qua, đồng thời cử đoàn công tác trực tiếp về địa phương, nắm bắt nhu cầu về máy móc, quy trình kỹ thuật, sẵn sàng nhận đơn đặt hàng nghiên cứu công nghệ… là những đầu việc mà Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đang thực hiện với mục đích nâng cao cả chất và lượng các đề tài nghiên cứu. TS Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh: “Nhà trường chủ động tìm nguồn hỗ trợ thay vì ngồi chờ kinh phí cố định từ nhà nước. Cán bộ quản lý KHCN nhanh chóng thay đổi tư duy và hình thức quản lý. Ngoài ra, nâng cao hơn nữa ý thức NCKH cho giảng viên trẻ và sinh viên… là những yêu cầu phải được thực hiện đồng thời với nhau. Có vậy, mới mong nâng cao tính hiệu quả trong công tác NCKH ở trường ĐH, CĐ hiện nay”.
TƯỜNG HÂN