Tại Hội nghị các bộ trưởng môi trường châu Âu ở Parma (Italia) ngày 14-3, LHQ thông báo bắt đầu tiến hành một nghiên cứu quan trọng tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu và 20 hóa chất công nghiệp nguy hiểm nhất thế giới đối với sức khỏe con người và môi trường.
Nghiên cứu này kéo dài 24 tháng được Ban Thư ký Công ước Stockholm về các chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (POP) thực hiện, để xác định tác động của biến đổi khí hậu đến sự lan tỏa, phân bố môi trường, mức độ độc hại và sự phơi nhiễm của các chất POP như thuốc trừ sâu độc hại, các hóa chất công nghiệp độc có thể gây chết người, phá hoại hệ miễn dịch và hệ thần kinh, gây ung thư và rối loạn sinh sản cũng như phá hoại sự phát triển bình thường của bào thai và trẻ em.
Theo AP, trước đó, LHQ cũng cảnh báo mức độ ô nhiễm các hóa chất POP tăng lên trong không khí và nước do băng và tuyết tan, sự lan tỏa mạnh hơn do biến đổi khí hậu. Nguy cơ này làm tăng nguy cơ con người bị phơi nhiễm POP trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường lương thực, thực phẩm, tác động nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường. Hiện LHQ đã chính thức cấm 20 loại hóa chất độc hại này.
Ch.H.