Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật toàn thân, đồng tử co nhỏ, em Ng. Ph. N. 13 tuổi (nam, ngụ tại quận 8, TPHCM) được các bác sĩ BV Nhi đồng 1 xác định bị ngộ độc cấp. Bệnh sử ghi nhận, em N. uống 8 viên Tataprovon thành phần gồm acetamionophen (paracetamol) 400mg, dextropropoxyphen 65mg. Chẩn đoán ngộ độc thuốc, em N. được thở oxy, rửa dạ dày để loại bỏ độc chất, cho uống than hoạt tính để hấp thu độc chất còn lại trong đường tiêu hóa…
- Ngộ độc hóa chất gia tăng
Sau hơn hai ngày điều trị, tình trạng em N. cải thiện dần, tỉnh táo, thở bình thường. Khi được hỏi vì sao uống thuốc, N. cho biết nghe các bạn nói uống loại thuốc này sẽ có cảm giác “bay bổng” nên em uống thử một vỉ (8 viên). Gần đây, một số đối tượng nghiện ma túy lợi dụng những loại thuốc điều trị có chứa á phiện (dùng để giảm đau, giảm ho, cầm tiêu chảy) nhằm “thỏa mãn” cảm giác nói trên…
Đến ngày 7-3, sau 6 ngày được điều trị tích cực tại BV Đa khoa Long An và BV Chợ Rẫy do ngộ độc thực phẩm, một trường hợp khác là bệnh nhân Võ Thị T. (54 tuổi, ngụ Long An) vẫn chưa qua nguy kịch. Theo bác sĩ Thái Văn Hoàng, đơn vị chống độc Khoa bệnh nhiệt đới - BV Chợ Rẫy, hiện bệnh nhân T. phải thở máy, tiên lượng sức khỏe rất xấu. Trước đó vài ngày, sau bữa cơm chiều với thực đơn chỉ canh mướp, thịt kho, bà T. bị đau bụng dữ dội, sau đó bị tiêu chảy ào ạt với gần 40 lần/ngày, khi được chuyển đến BV Chợ Rẫy thì cơ thể đã bị suy nhược…
Không chỉ BV Chợ Rẫy, các BV Nhi đồng 1, Trưng Vương, Nhân dân 115 cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do nhiều tác nhân như thuốc trừ sâu, thuốc tân dược. Chẳng hạn bệnh nhân Nguyễn Văn L. (16 tuổi, ngụ Ninh Thuận) nhập viện ngày 3-3 trong tình trạng ngộ độc nặng, biến chứng suy hô hấp, phải thở máy, khả năng sống là rất thấp. Trước đó, do buồn chuyện gia đình, L. uống thuốc trừ sâu và hậu quả đã xảy ra.
Tương tự, bệnh nhân Đỗ Hồng Q. (17 tuổi, ngụ Đắc Nông) đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat; bệnh nhân Lưu Đức N. (33 tuổi, ngụ TPHCM) uống thuốc trừ sâu nhóm Carbamate…
Tại hội thảo “Điều trị ngộ độc” do BV Chợ Rẫy vừa tổ chức, BS Phạm Thị Ngọc Thảo, PGĐ BV, nhìn nhận tình trạng ngộ độc tại khu vực phía Nam xảy ra thời gian gần đây đáng lo ngại. Trong năm 2009, bệnh viện đã tiếp nhận 2.449 bệnh nhân ngộ độc, trong đó 1.372 người tự tử, 1.074 tai nạn, còn lại do bị đầu độc. Các tác nhân gây ngộ độc chủ yếu do rắn, côn trùng cắn, ngộ độc thuốc tân dược, thuốc trừ sâu...
Qua phân tích, trung bình mỗi năm có khoảng 2.500 trường hợp ngộ độc nhập viện. Ngộ độc do thuốc tân dược và hóa chất đang có xu hướng tăng nhanh, gây tử vong cao, đặc biệt ngộ độc do các hóa chất công nghiệp (khí CO, chất tẩy rửa, xăng dầu…) và nông nghiệp (Paraquat, 2,4-D…), ngộ độc rượu...
- Ẩn họa từ hóa chất lạ
Theo các chuyên gia y tế, những trường hợp ngộ độc may mắn được chuyển đến BV sớm thì còn khả năng chữa trị. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều vụ ngộ độc do hóa chất lạ mà nền y học trong nước cũng như thế giới bó tay. Đó là ngộ độc hóa chất Nereistoxin, một loại hóa chất mới ăn mòn hệ thần kinh và gây tử vong rất cao (hơn 30%).
Trước đây, ngộ độc hóa chất này chủ yếu xảy ra ở khu vực miền Nam, tuy nhiên nay xuất hiện nhiều ở miền Bắc. Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc quốc gia BV Bạch Mai, một loại hóa chất lạ khác là “thuốc diệt chuột co giật” được du nhập vào các tỉnh phía Bắc, cụ thể là tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ gây tử vong tới 30%-50% các trường hợp ngộ độc. Nguy hiểm hơn, hầu hết các vụ ngộ độc do hóa chất mới xuất hiện chưa có phác đồ điều trị…
Theo PGS-TS Chen-Chang Yang, Trung tâm Chống độc Đài Loan (Trung Quốc), ngộ độc thuốc trừ sâu Phosphor hữu cơ cũng thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Việc điều trị tích cực nhanh chóng, đặc biệt là hỗ trợ hô hấp là quan trọng nhất.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trên thế giới tình hình ngộ độc tăng nhanh do sự phát triển của các ngành công nghiệp, hóa chất ứng dụng. Nhiều nước đã xây dựng các trung tâm kiểm soát ngộ độc và thuốc nhằm giải quyết tình trạng này như nghiên cứu độc chất, xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong khi đó, VN chỉ mới có 1 trung tâm chống độc duy nhất là Trung tâm Chống độc quốc gia BV Bạch Mai, đầu mối phía Bắc.
Tại phía Nam, được xác định là một trung tâm kinh tế lớn với số bệnh nhân ngộ độc ngày càng tăng cao, nhưng cho đến nay chưa có một trung tâm chống độc nào hoạt động. Vì thế hiện nay các khoa cấp cứu và hồi sức tại các BV đã và đang làm nhiệm vụ này
QUỲNH CHI