Ngoài đường kẹt xe, trong chợ vắng hoe

Tại huyện Bình Chánh TPHCM có những ngôi chợ khang trang được đầu tư hàng chục tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” do không thể cạnh tranh với hàng rong dọc lề đường. Không chỉ “bóp chết” chợ, hàng rong còn gây ùn tắc giao thông…
Ngoài đường kẹt xe, trong chợ vắng hoe

Tại huyện Bình Chánh TPHCM có những ngôi chợ khang trang được đầu tư hàng chục tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ “đắp chiếu” do không thể cạnh tranh với hàng rong dọc lề đường. Không chỉ “bóp chết” chợ, hàng rong còn gây ùn tắc giao thông…

Hàng rong bùng phát

Trong khoảng 2 giờ vào mỗi buổi sáng và buổi chiều, các tài xế hay người dân lưu thông qua các tuyến đường khu vực ngã năm Vĩnh Lộc - giao nhau giữa xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM lại kinh hãi với tình trạng ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng. “Thủ phạm” gây nên tình cảnh kẹt xe triền miên tại đây chính là chủ nhân những gánh bán hàng rong bày bán tràn ra cả lòng lề đường Quách Điều, hương lộ 80 với ê hề chủng loại thực phẩm từ rau, củ, quả đến thịt heo, bò, cá tươi sống... Cảnh bát nháo này người dân thành phố quen gọi là chợ tự phát. “Chúng tôi không hiểu sao chính quyền không thể dẹp nổi những hàng rong này để lúc nào nơi đây cũng xảy ra tình trạng kẹt xe. Trong khi đó, cách đây chừng vài trăm mét có cả ngôi chợ xây dựng hoành tráng lại không có người vào mua bán” - bà Nguyễn Thị Nhỏ, một người dân ngụ xã Vĩnh Lộc A, thắc mắc.

Ngoài đường kẹt xe, trong chợ vắng hoe ảnh 1

Mua bán hàng rong gây hỗn loạn trên đường Nữ Dân Công, trước cửa chợ Út Khiêm

Quả vậy, cách ngã năm Vĩnh Lộc và UBND xã Vĩnh Lộc A chừng 400m, chợ Vĩnh Lộc B được xây dựng khá quy mô. Cổng vào chợ nằm ngay mặt tiền hương lộ 80. Theo tìm hiểu, ngôi chợ này do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng với tổng vốn trên 50 tỷ đồng, có hơn 200 sạp. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ số sạp lấp đầy chợ khoảng 50% và chỉ hoạt động trong buổi sáng, còn buổi chiều chỉ lèo tèo vài sạp bán quần áo, mỹ phẩm. Mới 9 giờ sáng nhưng chợ vắng hoe, trong khi tại góc ngã năm Vĩnh Lộc và ngã ba Quách Điều - hương lộ 80, hàng rong lại nườm nượp khách. “Chợ này đến giờ là hết khách rồi. Chúng tôi phải dọn hàng ra ngoài lộ thuê chỗ để bán giờ tới tối. Hàng rong ngoài lề đường bày bán không thiếu thứ gì nên khách hàng họ đâu vào chợ để phải tốn tiền gửi xe” - bà Năm Mẹo vừa nhặt những bó rau bỏ vào xe đẩy vừa giải thích. Đứng kế bên, anh Bùi Văn Hưng, chủ một sạp bán quần áo cho biết, hầu hết các chủ sạp tại chợ không thể cạnh tranh với hàng rong nên đã dần rút hết khỏi chợ. “Riêng tôi, chắc chỉ cầm cự thời gian ngắn nữa, nếu khách không vào chợ như hiện nay cũng phải ra đường mướn mặt bằng kinh doanh. Chứ ở đây sao sống nổi” - anh Hưng rầu rĩ nói.

Khó quản lý vì chợ xây... quá lớn

Cách chợ Vĩnh Lộc B chừng 2km, chợ Út Khiêm nằm trên đường Nữ Dân Công thuộc ấp 4 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cũng do một doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư xây dựng theo chủ trương khuyến khích của địa phương. Ngôi chợ được đầu tư xây dựng với tổng số vốn trên 10 tỷ đồng, trên phần đất gia đình với quy mô 200 sạp. Đây được xem là ngôi chợ chính quy, đạt chuẩn đầu tiên của xã Vĩnh Lộc A. Tuy nhiên đến nay, sau nửa năm đi vào hoạt động, dù các sạp đã được chủ chợ cho thuê lại hết nhưng tiểu thương lại không vào bán mà rủ nhau ra lề đường thuê mặt bằng bán nhằm cạnh tranh với hàng rong. “Hàng rong bán tràn ra lề đường, kéo dài cả cây số với đủ thứ mặt hàng đã giành hết khách nên đâu còn ai vào chợ. Chúng tôi thấy chợ xây khang trang nên đã thống nhất mua sạp để bán, nhưng cạnh tranh không lại hàng rong nên giờ phải ra đây thuê mặt bằng để bán” - bà Trần Thị Thơm, một chủ sạp trong chợ Út Khiêm, giờ phải ra thuê lề đường để bán, phân trần.

Trong khi đó, ông Nguyên Văn Khiêm, chủ chợ Út Khiêm, cho biết, nhận lời vận động của UBND xã, gia đình đã vay mượn thêm ngân hàng để đầu tư xây dựng chợ. Tuy nhiên, từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay do không thể cạnh tranh với hàng rong nên tiểu thương đã kéo nhau ra thuê mặt đường để bán. “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp, dẹp hàng rong. Ngay cả đưa họ vào chợ bán không thu tiền sạp, nhưng chính quyền đã không có động thái gì khiến bây giờ trong chợ thì vắng hoe, còn ngoài đường thường xuyên kẹt xe, đặc biệt vào các giờ cao điểm trong ngày” - ông Khiêm bức xúc.

Sau khi nhận được đơn kêu cứu của ông Khiêm, các phòng, ban huyện Bình Chánh và UBND xã Vĩnh Lộc A đã có buổi làm việc để tìm hướng xử lý. Tại đây, đại diện UBND xã cho rằng không thể xử lý nổi hàng rong để bảo vệ an ninh trật tự địa phương và không thể quản lý được chợ Út Khiêm vì quy mô chợ quá lớn! Cụ thể, trong văn bản làm việc ngày 12-4-2013 do UBND huyện Bình Chánh chủ trì, ông Nguyễn Công Định, đại diện UBND xã Vĩnh Lộc A, đưa ra ý kiến: “Diện tích chợ so với quy mô dự kiến của xã là tương đối lớn, chỉ chủ yếu phục vụ cho bà con ấp 3,4. Trên mặt tiền đường khu vực chợ người dân xây kiốt cho thuê không lấn chiếm mặt đường. Chỉ có những người bán hàng rong, UBND xã đã có hướng xử lý, nhưng do lực lượng mỏng nên gặp nhiều khó khăn...”. Rõ ràng, việc xử lý hàng rong, tạo thông thoáng lòng lề đường, đồng thời lập lại an ninh trật tự, mỹ quan đô thị là trách nhiệm của UBND xã Vĩnh Lộc A. Việc nại ra lý do quy mô chợ quá lớn, lực lượng quản lý mỏng nên không thể dẹp hàng rong và bảo vệ quyền lợi tiểu thương, duy trì được chợ, cho thấy chính quyền xã Vĩnh Lộc A đang tồn tại nhiều bất cập cũng như khả năng hạn chế trong việc quản lý địa bàn.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục