
Theo một khảo sát được xem là gần nhất, vào năm …1998, thị trường sữa TPHCM có 74 mặt hàng sữa bột, 70 loại sữa nước và 20 loại sữa đặc. Còn hiện nay theo điều tra riêng của PV Báo SGGP, chỉ riêng một số doanh nghiệp tại Việt Nam (VN) như Vinamilk, Duch Lady, Đồng Tâm... đã có trên 200 nhãn hiệu sữa các loại.
- Số lượng: trăm “hoa” đua nở

Trong vô vàn loại sữa, biết chọn loại nào?
Thế nhưng, các công ty trên vẫn đang “đối đầu” với những “người khổng lồ” như Nestlé, Abbott, Mead Johnson, France Bebe - các “đại gia” đang nhập vào VN hàng trăm loại sữa bột cao cấp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, sữa bột bây giờ còn bổ sung đủ loại vitamin, khoáng chất, canxi, DHA, AA… rồi nào là hệ dưỡng chất IQ, Tpan, Fos… được quảng bá là chống loãng xương, tăng cường trí thông minh, tăng sức miễn dịch, đề kháng…
Bên cạnh sữa bột, sữa tươi ngoài dạng bao nylon dẻo, còn có vài chục loại khác kèm thêm hương vị trái cây, ca cao, vani… chứa trong hộp giấy, chai thủy tinh, bình nhựa (nhỏ). Dạo một vòng thị trường sữa tươi, chúng tôi không tài nào liệt kê được đầy đủ các nhãn hiệu, trong nước có, nhập khẩu có, thậm chí những cơ sở tư nhân tên tuổi “lạ hoắc” cũng đang chen chân theo kiểu “còn “tung tăng” được ngày nào, “xào” ngày đó”.
Riêng loại sữa đặc có đường, Vinamilk có các nhãn hiệu Ông Thọ trắng, Ông Thọ cam, Ông Thọ đỏ, Ngôi sao phương nam…; Foremost có Cô gái Hà Lan, Kim Cương, Hoàn Hảo và vô số kể các loại sữa lon, sữa vỉ ghi toàn tiếng nước ngoài bày bán đầy chợ Tôn Thất Đạm, Nguyễn Thông, Bình Tây…
Có thể nói, thị trường sữa ở TPHCM hiện đang trong cảnh “trăm hoa đua nở”, từ các loại “sữa cho mẹ”, “sữa cho bé”, “sữa cho người lớn tuổi” đến những sản phẩm sữa tươi, sữa chua uống, yaourt, sữa đặc, sữa bột… Người tiêu dùng đang bị “hoa mắt” trước các loại sữa với giá từ trên 200.000đ/lon (Anfalac A+ loại 900gr) đến những bao nylon sữa giá chỉ vài mươi nghìn đồng và sữa nào cũng… tự cho là tốt nhất!
- Chất lượng: “Hoa” nào “thơm”, “hoa” nào “không thơm”?
Phổ biến nhất hiện nay là chuyện pha bột whey (bột váng sữa, thường chỉ dùng làm bánh kem, giá 11.000đ/kg) vào sữa rồi đóng gói thành… sữa bột. Trong thời gian đi khảo sát, chúng tôi mua được rất nhiều loại “sữa bột” có xuất xứ từ Hà Lan, Úc, Mỹ, New Zealand chỉ với giá chưa đến 40.000đ/kg, trong khi giá thành nhập sữa bột của công ty “đại gia sữa bột” Đ.T.V. đã trên 50.000đ/kg.
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, bột whey được làm từ xác pho-mát, độ béo chỉ có 1,5% nên độ dinh dưỡng không đáng kể gì nhưng vẫn tạo mùi thơm nên người tiêu dùng dễ lầm lẫn và kẻ gian dễ dàng pha trộn, trong khi độ béo của sữa bột nguyên chất phải từ 26%-42%. Kiểm tra 39 mẫu sữa bột mua trôi nổi trên thị trường, Viện Vệ sinh y tế công cộng phát hiện chỉ có 11 mẫu đạt mức chuẩn dinh dưỡng, còn lại 28 mẫu có hàm lượng đạm và béo thấp dưới mức cho phép. Ngoài ra, một chiêu “ăn gian” khác là pha thêm đường để hạ giá thành.
Trong 22 mẫu sữa mà cơ quan trên kiểm nghiệm, có 15 mẫu có tỷ lệ pha đường quá cao (từ 6,2% đến… 67,5%), điều này lý giải vì sao có thể mua được sữa bột giá… thấp hơn giá nhập khẩu. Một điều người tiêu dùng cũng cần lưu ý là dù sữa bột đóng gói tại Việt Nam hay nhập từ nước ngoài thì nguồn gốc nguyên liệu 100% đều là nhập khẩu.
Mới đây, QLTT TPHCM bắt quả tang một vụ vận chuyển sữa bột “ngoại” đã đóng lon, số lượng lên đến 2.086 lon mang các nhãn hiệu Enter milk, Dairy và Gaunt milk không có giấy tờ xuất xứ. Sau đó, QLTT phối hợp công an kiểm tra nơi “đóng hộp” nói trên ở đường Phạm Văn Chí, quận 6 đã thu giữ thêm 263 kg vỏ hộp chuẩn bị đóng gói.
Bên cạnh đó, tình trạng làm sữa giả, sữa nhái cũng bùng phát do quy định hiện hành chỉ bắt buộc nhà sản xuất sữa tự công bố chất lượng chứ không cần phải đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng. Chính vì vậy, việc nhập nguyên liệu sữa kém chất lượng, cận date (hạn sử dụng)… rồi tự công bố chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam (nhưng không thực hiện đúng với chất lượng đã công bố), tăng date… đã làm hỗn loạn thị trường sữa, gây hoang mang cho người tiêu dùng trước vô vàn nhãn hiệu.
Điển hình là vụ làm sữa chua hiệu “YaO” giả một nhãn hiệu nổi tiếng của Vinamilk do bà Hồ Thị Thủy (Xuân Thới Thượng, Hóc Môn) “chủ xị”. Sau khi kiểm nghiệm 30 mẫu “sữa tươi” bán trôi nổi, cơ quan chức năng xác định có đến 25 mẫu có hàm lượng đạm dưới mức chuẩn và 16 mẫu bị nhiễm vi khuẩn, chưa nói đến chất lượng của các mẫu “sữa tươi” nói trên có thể bị pha nước, rút bớt bơ sữa!
- Thị trường sữa: Đang bị thả nổi?
V., nhà sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam, công bố mỗi tháng bán ra 10 triệu lít sữa tươi trong khi đơn vị này thu mua trong nông dân Việt Nam chỉ 200 tấn/tháng. Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, đại diện V. thừa nhận, hiện nay, do thiếu nguồn cung nên hầu hết các doanh nghiệp sữa đều dùng sữa hoàn nguyên thay thế sữa tươi. Sữa hoàn nguyên, theo tiêu chuẩn của ngành y tế, có độ béo không thấp hơn 3,2%, được chế biến bằng cách pha trộn từ nguyên liệu sữa bột, nước và chất béo sữa các loại.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, các nhà sản xuất các loại sữa nước có mặt trên thị trường đều không đủ “can đảm” ghi hai chữ hoàn nguyên trên bao bì, cứ để lập lờ cho người tiêu dùng “tự hiểu sao cũng được” bởi chẳng có cơ quan chức năng nào “bắt bẻ” chuyện này!? Công ty V. cho rằng, có lẽ phải sử dụng cụm từ sữa thanh trùng cho đúng bản chất của sữa hoàn nguyên, cái mà hiện nay đang bị “hiểu nhầm” là “sữa tươi”.

Sữa bột béo được cấp phép đóng gói.
Nói về chuyện thị trường sữa bị thả nổi, bà Trần Thị Bích Dương (Chi cục QLTT TPHCM), cho rằng: “Sở dĩ có chuyện loạn sữa (đối với sữa bột, sữa nước) vì các cơ sở, doanh nghiệp sau khi được cấp phép sản xuất (thực chất là sang sữa nhập khẩu từ bao bì lớn qua bao bì nhỏ để bán lẻ) ít chịu sự kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngành y tế (nơi nhận công bố chất lượng của các cơ sở, doanh nghiệp) cũng không chú trọng kiểm tra xem nhà sản xuất có làm đúng theo yêu cầu chất lượng hay không. Và một điều quan trọng nữa là mức phạt quá thấp (sản xuất sữa giả phạt từ 2-10 triệu đồng; buôn bán phạt từ 1-5 triệu đồng; không công bố chất lượng phạt 2 triệu đồng; chất lượng kém phạt 2-5 triệu đồng và buộc tái chế- Điều 15,12,14 NĐ 57/CP) không đủ răn đe”.
Sau nhiều lần tìm hiểu, chúng tôi chỉ được một chuyên viên thuộc phòng Nghiệp vụ -Sở Y tế TPHCM cho địa chỉ trang web kèm lời chỉ dẫn: “Tự tìm các doanh nghiệp đã công bố chất lượng mà tìm hiểu (!)”. Còn Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM thì cho rằng các vấn đề liên quan đến sữa rất… nhạy cảm, chưa công bố được, phải có ý kiến Sở hay UBND TPHCM!?
Doanh nghiệp T., nơi được phép đóng gói, kinh doanh sữa bột tầm cỡ ở TPHCM than thở rằng, doanh nghiệp của họ không cạnh tranh nổi vì chẳng ai quan tâm kiểm tra, xử phạt các cơ sở làm ăn chụp giật như kiểu vừa nêu trên. Tiếp tục “tham khảo” ngành y, chúng tôi được biết cả Sở Y tế TPHCM chỉ có 1 thanh tra viên, gần đây đang bận với hàng núi công việc khác như vụ nước tương, thức ăn đường phố… Phải chăng, thị trường sữa TPHCM đang ngoài tầm kiểm soát?
DƯƠNG ĐỨC ANH
Bà Trần Thị Bích Dương, Đội Phó Đội Chống hàng giả-hàng lậu, Chi Cục QLTT TPHCM Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi nhận thấy một số vi phạm sau: Sữa giả: Tức giả nguồn gốc xuất xứ. Người sản xuất mua nguyên liệu về vô bao, đóng gói tại TPHCM nhưng trên bao bì lại ghi nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, New Zealand hay sữa Hà Lan vô bao bì lại ghi là sữa Úc, Mỹ. Điều này vi phạm sỡ hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa. Tôi đề nghị khi cấp phép cho cơ sở, công ty nào, nơi cấp phép nên kiểm tra thực tế nơi sản xuất, vô bao, đóng gói của cơ sở, công ty đó xem có đạt các tiêu chuẩn vệ sinh không. Cơ quan cấp công bố chất lượng nên chú trọng nguyên liệu đầu vào và thời hạn sử dụng sữa, buộc nhà sản xuất, đóng gói phải ghi đúng, ghi đủ thời hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ… Q.Đ.
Qua kết quả kiểm tra các loại mẫu sữa có vấn đề bán trên thị trường TPHCM, chúng tôi có một số ý kiến nhận xét sau: -Thành phần dinh dưỡng (đạm, béo, đường) có trong các mẫu sữa bột, sữa tươi, sữa chua có tỷ lệ mẫu chưa đạt được mức chuẩn khá cao. Có một số mẫu pha bột, đường quá nhiều nhưng giá bán chưa phù hợp với tỷ lệ pha. -53,3% số mẫu sữa tươi bị ô nhiễm có chỉ tiêu về tổng số vi khuẩn vượt quá mức cho phép nên không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Khách hàng nên chọn mua các loại sữa đảm bảo chất lượng bằng cách chọn các mặt hàng có bao bì, nhãn hiệu (và được sản xuất theo quy trình chế biến công nghiệp thì càng tốt), có đăng ký chất lượng và được một tổ chức có thẩm quyền kiểm tra chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn VN, tiêu chuẩn quốc tế và có giá bán phù hợp chất lượng sữa. Trên bao bì, phải có nhãn hiệu rõ ràng, có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. N.Q. |