“Liệt sĩ vẫn còn sống” ở trại giam Z30D

Ngọc đỏ dưới chân núi Mây Tào

Ngọc đỏ dưới chân núi Mây Tào

Nguyên nhân anh bị nhiễm HIV? Thượng úy Ánh nhớ lại chuyện hai phạm nhân bị bệnh AIDS: Bùi Văn Phú, tù chung thân, đã “trả thù đời” bằng cách tạt mạnh bô máu có bỏ cục đá sắc cạnh vào người Ánh khi anh đến gần y. Tên Nguyễn Hoàng Vũ, án tù 20 năm, thì tự đập đầu vào góc tường để mong trốn trại, nếu được chuyển viện. Quá đau hắn lại xin cứu giúp rất thảm thương. Chẳng suy tính thiệt hơn, Ánh đã lao vào dùng tay không bịt chặt vết thương đang phun máu kia... Cả hai phạm nhân trên đều đã chết!

Công việc hàng ngày cứ thế. Và việc gì phải đến đã đến với Ánh.

  • Chuyện tình bên chân núi

Thượng úy Nguyễn Quang Ánh “nhập trại” Z30D (Hàm Tân, Bình Thuận), cách nay 11 năm, khi ấy anh là lính nghĩa vụ làm công tác bảo vệ. Hết hạn, Ánh tình nguyện công tác lâu dài tại trại Z30D. Bố Ánh (Hiệu phó Trường Cao đẳng Biên phòng, Bộ TLBP) thông cảm với ý nguyện của cậu con trai áp út, bởi chính ông cũng đang đào tạo những thanh niên chọn nơi gian nan làm điểm đến như Ánh.

Ngọc đỏ dưới chân núi Mây Tào ảnh 1

Thượng úy Nguyễn Quang Ánh (bên trái), người bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ, đang điều trị tại Bệnh viện 30-4 luôn được bạn bè thăm hỏi, động viên. Ảnh: CAO THĂNG

Sau 2 năm học y sĩ, Ánh và 2 y tá khác nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho 100 cán bộ và 1.000 phạm nhân ở K2. Công việc của Ánh bận “tối mắt tối mũi” từ 6 giờ sáng đến tối mịt.

Nhiều đêm Ánh ngủ lại trạm xá để chờ xe chuyển viện hoặc để vuốt mắt cho phạm nhân AIDS sắp chết. Trước khi chết, có người xin anh một điếu thuốc, không hút thuốc nhưng Ánh vẫn chạy đi xin cho họ.

Có người xin Ánh báo giúp cho mẹ họ biết, trước khi chết, họ rất nhớ mẹ. Có người mượn giấy bút để viết vài chữ nhắn nhủ cho cậu con trai vừa 10 tuổi. Có người chỉ xin anh ôm họ chút để họ được ấm hơi người và họ đã rơi nước mắt khi nói lời cuối đời - “cám ơn cán bộ”.

Và, Ánh đã có 70 lần như thế.

Năm 2002, Ánh quen biết với cô giáo Bùi Thị Hậu, dạy văn Trường cấp 2 Hàm Tân. Rồi, họ cưới nhau. Chiều chiều họ sánh đôi bên nhau trên những con đường đầy hoa rừng, cạnh chân núi Mây Tào.Căn hộ nhỏ trong khu nhà tập thể trở thành tổ ấm của họ. Những tháng ngày hạnh phúc ở lại với họ không lâu và bi kịch đời người đã ập đến gia đình nhỏ này.

Năm 2004, vợ Ánh có dấu hiệu sanh khó, chị phải vào BV 30/4 (TPHCM) khám. Khi BS trưởng khoa Sản BV 30/4 gọi Ánh vào thử máu, lý do – Hậu bị viêm gan C, và có thể phải sanh mổ, nên Ánh cần thử máu, phòng khi cần truyền cho vợ. BS lại đề nghị thử máu hai vợ chồng lần nữa vì “kết quả trước có những thông số chưa rõ”.

Gần 10 năm trong ngành y Ánh thấy ngay một sự chẳng lành nào đó trong các lần xét nghiệm này. Và cái ngày định mệnh của gia đình Thượng úy Ánh đã đến khi BV báo tin – vợ chồng Ánh bị nhiễm HIV. Thời gian bị nhiễm vào khoảng 3 năm trước đó. Ánh ngã ngồi trên ghế và nước mắt anh rơi khiến các BS nghẹn ngào khi nói lời an ủi.

Sau một đêm thức trắng, với hiểu biết của một y sĩ, dù còn gần một tháng nữa mới đến ngày sinh, Ánh vẫn xin mổ cho vợ để bắt con, nhằm tránh lây nhiễm HIV cho bé khi vỡ nước ối hoặc nhiễm máu mẹ khi cắt rốn con, nếu sinh thường.

Gia đình hai bên đều biết chuyện kinh hoàng này, ngoài Hậu. Ánh đau khổ biết bao khi chính mình lây sang vợ căn bệnh anh từng chữa trị cho người. Những biểu hiện bất thường ấy khiến Hậu để ý và chị biết chuyện kinh khủng này khi nghe chồng và người chị nói chuyện trong sân sau nhà.

Bàng hoàng đến nỗi Hậu không khóc được. Hậu nhắn chị mang con đến cho mình bế ẵm, hôn hít vài ngày, và Ánh không thể lường – Hậu đã chuẩn bị cho chuyến đi không về của họ. Trong khoảnh khắc tuyệt vọng, 2 vợ chồng đã tìm đến cái chết nhẹ nhàng nhất... Và, khi thấy thân thể Ánh vẫn còn chút hơi ấm, Đại tá Hồ Thanh Đình, Giám thị trại đã “lệnh” trước khi xe chạy như bay về hướng TPHCM. “Bằng mọi giá, phải cứu sống đồng chí Ánh”.

Sau hơn 10 ngày hôn mê, Ánh trở dậy như người mất hồn. Và, Đại tá Đình, Trung tá Phạm Quang Tư, phụ trách K4, cùng gia đình đã giúp anh quyết định mình phải sống khỏe hơn để che chở cho đứa con bé bỏng mới 26 ngày tuổi, vừa mồ côi mẹ, tên Hà An.

  • Chuyện về “liệt sĩ” vẫn còn sống ở Z30D

Con bé Hà An, ốm quặt quẹo vì không hơi mẹ và vì sinh thiếu tháng đã được Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình 2 (Thủ Đức) chăm sóc suốt 18 tháng. Sau đó là những ngày tháng “gà trống nuôi con” với cơn bệnh đã bắt đầu “trở chứng”, đối với Thượng úy Ánh quả là những tháng ngày gian nan và đau khổ nhưng anh đã sống vững vàng với bản lĩnh của một người lính.

Anh biết mình sẽ được phong liệt sĩ, khi chết đi, vì thế Ánh quyết sống thật xứng đáng trong những tháng ngày cuối đời của một người lính. Ánh vẫn đi làm việc trong trạm xá và chiều chiều, nhìn “liệt sĩ” bố chở con gái đi lại những con đường mà bố mẹ chúng từng đi qua, anh em trong trại không khỏi ngậm ngùi cho phần số cay nghiệt của người lính thời bình kia.

Khi tôi đến trại Z30D, Ánh trở bệnh nặng và đã chuyển điều trị ở BV 30/4. Đứng giữa căn phòng còn vương chút hơi ấm hạnh phúc ngắn ngủi của vợ chồng Ánh mà ở góc phòng, chiếc nôi xinh vẫn còn đó với những chú chó bông tròn xoe mắt nhìn mọi người, với những chiếc áo ấm xinh xinh mẹ Hậu tự đan, ngày xưa… Tấm ảnh cưới chưa kịp phai màu và chồng giáo án còn xếp ngay ngắn trên chiếc bàn nhỏ đầu giường, trong gian nhà vắng lặng… Chẳng ai ngăn được nước mắt.

Suốt câu chuyện với tôi trong BV 30/4, Ánh kể nhiều về bé Hà An, với giọng vừa hạnh phúc vừa day dứt: “Dù mới 26 tháng tuổi nhưng bé An đã hát được nhiều bài hát của Xuân Mai và rất thích bài “Cả nhà thương nhau”chị ạ”! Một dự định đường dài của anh là sẽ gửi con về quê nội, dù nhớ thương nhưng như thế tốt cho tâm lý cháu khi bố sẽ đi rất xa… Vẻ chịu đựng của một người lính sẵn sàng đối mặt với cái chết đang đến gần chợt biến mất, khi anh nói với tôi bằng giọng rất vui: “Điều hạnh phúc nhất của tôi bây giờ là bé An không bị nhiễm HIV. Cháu sẽ sống khỏe mạnh”.

Chia tay với Ánh giữa chiều mưa tầm tã của Sài Gòn, tôi cảm thấy mình đang nợ những người đang canh giữ căn bệnh thế kỷ giữa rừng xa để dành sự bình yên cho mọi người…  

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục