Ngôi nhà anh bộ đội Điện Biên

Ngôi nhà anh bộ đội Điện Biên

Vừa bước chân vào cổng, mọi người reo vui cùng nhịp điệu bài ca hùng tráng: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh cha già”. Một biển hiệu đỏ tươi đậm hàng chữ Ngôi nhà anh bộ đội Điện Biên treo trước nhà.Đây là nhà anh Hồ Phúc ở quận Thủ Đức TPHCM, chiến sĩ Trung đoàn chủ lực 148, từng “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, gan không núng, chí không mòn” trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Hình như niềm tự hào, tâm hồn và sức khỏe của anh bộ đội Cụ Hồ, khí thế hùng tráng từ Điện Biên năm xưa, vẫn còn nguyên trong anh đến bây giờ.

Từ trái sang, các cựu chiến sĩ Điện Biên: Đoàn Công Kính, Lê Nguyên, Hồ Phúc, Phùng Chí Tâm.

Từ trái sang, các cựu chiến sĩ Điện Biên: Đoàn Công Kính, Lê Nguyên, Hồ Phúc, Phùng Chí Tâm.

Anh Hồ Phúc có cách đón khách đặc biệt, niềm nở thân thương, tâm đắc tự hào, vào nhà là cùng đứng vỗ tay hòa vang bài ca: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui… Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo…” và cùng ăn một bữa cơm Tây Bắc, với cơm lam, sắn, ngô, khoai luộc.

Còn ngôi nhà nho nhỏ trong vườn như nhà sàn kia trưng bày những kỷ vật, bức ảnh đồng đội ở Điện Biên một thời. Ai trong chúng ta mà không tự hào vì có một Điện Biên, huống chi người từng là chiến sĩ Điện Biên ngày ấy.

Đã là chiến sĩ Điện Biên thì phải ở tuổi ngoài 80 rồi chứ, vậy mà anh vẫn đầy sức trai tráng, Hồ Phúc vừa cùng với vợ làm một chuyến “Qua miền Tây Bắc” bằng honđa. Chuyện lạ có thật, hai anh chị chụp một bức ảnh kỷ niệm trước nhà thờ đá Sa Pa cạnh chiếc honđa “trường chinh” hai bánh.

Năm 2004, các chiến sĩ Điện Biên cùng vị tướng vô cùng kính trọng của các anh đón kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Anh Hồ Phúc vinh dự thay mặt toàn thể chiến sĩ Điện Biên, trao tặng phù điêu 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người bạn tới “Ngôi nhà anh bộ đội Điện Biên” hôm nay là Lê Nguyên, một chiến sĩ Điện Biên được nhắc đến đầu bảng trong cuốn sách: Một trăm nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ.  Lê Nguyên là người phụ trách Báo Anh Dũng, tờ báo duy nhất ngay trên mặt trận Điện Biên Phủ của Sư đoàn 312. Tờ báo in và phát hành ngay trên mặt trận Điện Biên, ngay trong chiến hào “mưa dầm cơn vắt, máu trộn bùn non”.

Lê Nguyên vừa viết bài, vừa phát động chiến sĩ trên trận địa viết tin. Tờ báo mà tất cả các công đoạn viết bài, viết chữ ngược lên tấm đá lytô rồi lăn mực, in lên giấy dó từng tờ… đưa đến tận tay chiến sĩ mỗi ngày trên khắp mặt trận Điện Biên Phủ. Một hiện tượng làm báo đặc biệt chỉ có ở Việt Nam - Điện Biên Phủ ta mới có. Trước khi về hưu, Lê Nguyên là nhà biên kịch điện ảnh. Hai mươi năm nay, anh vừa là nhạc sĩ, vừa là nhà thơ tình với mạch sáng tác dồi dào, trẻ trung và trong sáng như xưa.

Hào khí Điện Biên vẫn còn rạo rực như 58 năm về trước, khí chất anh bộ đội Cụ Hồ Lê Nguyên và Hồ Phúc vẫn hiển hiện trước mặt chúng ta khỏe mạnh nhiệt thành đến bây giờ.

Mã Thiện Đồng

Tin cùng chuyên mục