Với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay, công trình xanh là một trong những loại hình được khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đó là những nhận định, đánh giá của nhiều chuyên gia trong buổi phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu” vừa diễn ra tại TPHCM.
Tác động hai chiều
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, một trong những thủ phạm của BĐKH là các công trình xây dựng. Hiện nay, các công trình này chiếm khoảng 40% năng lượng được tiêu thụ trên toàn cầu. Trong đó, cao ốc văn phòng là những cỗ máy khổng lồ tiêu tốn nhiều năng lượng. Các nhà nghiên cứu môi trường đã chỉ ra, trong vòng 15 năm trở lại đây, các công trình xây dựng góp phần làm tăng 20% hiệu ứng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Chỉ xét riêng trong lĩnh vực xây dựng thì các công trình nhà ở chịu trách nhiệm về khoảng 2/3 khí thải nhà kính được tạo ra. Trong đó, 80% năng lượng tiêu hao đến từ việc sử dụng nước nóng cũng như việc sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà. Việc khai thác, sản xuất và vận chuyển vật liệu xây dựng, sử dụng công trình cũng như phá bỏ chúng đều đi liền với sử dụng đất, vật liệu thô và năng lượng. Tất cả đều có thể tạo ra ô nhiễm môi trường không khí và nước, sản sinh ra nhiều chất thải và tiếng ồn, làm thay đổi mục đích sử dụng đất - một nhân tố quan trọng của quá trình BĐKH, tăng phát thải nhà kính.
Việc cải tạo và xây dựng mới những ngôi nhà, chung cư, khu đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm phát thải nhà kính, thân thiện với môi trường có ý nghĩa thiết thực và lâu dài với chúng ta hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, các công trình kiến trúc xanh vẫn còn là thiểu số. Các nhà đầu tư chưa mặn mà với kiến trúc xanh. Các nhà quản lý xây dựng và chính quyền đô thị chưa khuyến khích và quyết liệt trong việc buộc các chủ đầu tư xây dựng những công trình gọi là “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”... Và hơn hết là tư duy thiết kế bền vững, ứng phó với BĐKH chưa hình thành và phổ biến ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết BĐKH tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực trong đó có kiến trúc và các công trình xây dựng. BĐKH với những tác động nhân tạo đã làm cho tính xu thế của nhiều đặc trưng khí hậu không còn hoàn toàn mang tính tự nhiên như trước.
Trong tương lai, mực nước biển dâng sẽ làm ngập chìm một số vùng đất thấp ở ven biển, trong đó đáng chú ý là đồng bằng sông Cửu Long – nơi có 30% diện tích ở độ cao dưới 2,5m so với mực nước biển. Vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long này nơi tập trung nhiều dân cư, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Vì thế, đẩy mạnh các ý tưởng, sáng tạo những công trình xanh, thân thiện với môi trường phù hợp với hiện tại phải được chú trọng thường xuyên hơn.
Khuyến khích và hỗ trợ
Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) Trần Đình Thái cho biết, ưu tiên thúc đẩy phát triển công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh đang được bộ quan tâm đặc biệt. Trong đó, đáng chú ý là vật liệu xây không nung (VLXKN) bao gồm gạch xi măng cốt liệu; gạch nhẹ; gạch đá ong, vật liệu không nung từ đất đồi và phế thải xây dựng.
Lý giải điều này, ông Thái cho rằng, phần lớn hiện nay chúng ta đang sử dụng các phương pháp sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống, nhất là sản xuất gạch đất nung gây ảnh hưởng lớn tới môi trường. Trong khi đó, ưu điểm của VLXKN là bảo vệ tốt cho công trình, môi trường. Đồng thời, hạn chế các tác động bất lợi như mất đất nông nghiệp, hiệu ứng nhà kính, tiêu dùng nhiều than.
Ông Lê Đức Hành, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường tại TPHCM, cũng cho biết, việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam đang trở nên cấp thiết. Trong thời gian tới, các khu vực đô thị Việt Nam sẽ mở rộng gấp đôi. Sự quá tải của cơ sở hạ tầng và sự cạn kiệt nhiều nguồn tài nguyên, năng lượng đang đặt thêm gánh nặng lên sự phát triển của đất nước. Vì thế rất cần sự truyền thông mạnh mẽ, sự thay đổi về nhận thức của giới kiến trúc sư, những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý trong lĩnh vực xây dựng, để Việt Nam ngày càng có nhiều ngôi nhà, nhiều công trình xanh thân thiện với môi trường.
Theo ông Trần Đình Thái, việc quy hoạch đô thị theo xu hướng xanh cũng rất quan trọng. Ngoài việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, các công trình xanh còn góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.
Tuy nhiên, để làm được điều này, về cơ chế chính sách, cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Cần có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung. Ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN. Hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện Việt Nam. Xây dựng, công bố và ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng VLXKN…
MINH HẢI