
Đó chỉ là một ngôi nhà đơn sơ với vách ván mỏng, nền xi măng, mái lợp tranh. Gió và nắng len lỏi khắp căn nhà. Thế là chúng tôi đã có một mái nhà để che nắng che mưa, chấm dứt hơn ba năm trời phiêu bạt khắp đó đây.

Ảnh: T.L.
Năm 1945, cha tôi làm cách mạng, bị giặc bắn chết. Hai năm sau, mái lá thân yêu cha để lại cũng tiêu tàn sau một đợt lính Tây càn quét. Cha mất lúc tôi lên ba và mẹ tôi còn đương độ xuân thì. Một nách con thơ, mẹ già, em dại, bà nhanh chóng tái giá với dượng tôi để tránh phiền toái. Nhưng vì hoàn cảnh, bà cùng cha dượng tìm kế sinh nhai, riêng tôi cùng bà ngoại và dì Út dắt díu nhau trôi dạt từ chỗ này sang chốn khác, không có nổi một cái chòi làm chỗ cố định.
Hoàn cảnh ăn nhờ ở đậu không ổn định đã khiến ba bà cháu chúng tôi lần lượt dọn đến ba căn phố. Ở đâu cũng làm gia chủ khó chịu, muốn mau tống khứ chúng tôi đi cho rảnh nợ, chỉ ngặt có quan hệ bà con nên phải cố gắng chịu đựng. Thằng bé chín tuổi là tôi lúc đó cũng biết sầu muộn. Đêm đêm, ngửa mặt nhìn ánh sao trời, tôi ngậm ngùi cho hoàn cảnh của mình. Cho đến một ngày...
Một ngày đẹp trời, một người xuất hiện, đó là cậu Tư - cậu ruột tôi. Cậu dong dỏng cao, đôi mắt sáng dưới đôi chân mày rậm. Mới 20 tuổi, cậu cùng một số đồng chí bị lính Tây bắt giam ở Cẩm Giang, Tây Ninh và được thả ra vì không có chứng cứ buộc tội. Gia đình nay có người đàn ông trụ cột, không thể diễn tả nỗi vui mừng của chúng tôi. Nhưng có thêm cậu và mợ, chủ nhà trọ bất mãn ra mặt và yêu cầu chúng tôi phải đi nơi khác.
Mới về nhà trắng tay, ban ngày cậu lang thang tìm kế sinh nhai, đêm lại nằm vắt óc suy nghĩ. Cho đến một đêm mưa vừa tạnh, bất chợt cậu nghe tiếng ếch nhái rộ lên sau dãy phố chúng tôi ở trọ, trong đầu cậu bé lóe lên một ý nghĩ. Sau nhà có một ao tù, quanh năm nước đọng đầy ứ ruồi muỗi, ếch nhái sinh sôi nảy nở. Sáng dậy, cậu tìm ngay người chủ đất, xin ông cho phép lấp ao để xây một căn nhà. Bù lại, hàng tháng cậu sẽ trả tiền thuê đất cho ông. Thuở ấy, Phú Nhuận còn cảnh đất rộng người thưa, đường Nguyễn Trọng Tuyển còn là rẫy cải mênh mông, đường Trần Huy Liệu hiện hữu một sân bóng đá bỏ hoang của đội Ngôi Sao Gia Định, đường Hoàng Văn Thụ khu Chợ Ga ngày ấy cỏ mọc hoang khắp nơi nên xin lấp đất để ở trên một cái ao nước bẩn là điều không khó, cậu được chấp thuận ngay. Thế là những ngày sau đó cậu cùng bạn bè góp tay vào dựng nhà. Người cho cột kèo, người cho ván, kẻ về quê chở lá lên lợp mái che nắng mưa... Một tháng sau, ngôi nhà hoàn thành ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, có hàng rào tạm bao quanh với giàn bông tigôn dì Út gieo bắt đầu ươm nụ, có phòng khách, buồng ngủ, có chái bếp bên nhà với chiếc nồi đồng được chùi sáng bóng. Di ảnh ông ngoại chễm chệ trên chiếc tủ thờ được đặt ở vị trí trang trọng nhất tại phòng khách. Bộ ván gõ cũ hàng năm, sáu chục năm được ráp lại nằm bóng loáng trên nhà trước. Chúng tôi như đang sống trong mơ.
Ngày 29 Tết chúng tôi dọn về nhà mới, bà con lối xóm nghĩa tình kéo đến chúc mừng. Trưa 30 Tết, bà tôi rơi nước mắt hạnh phúc bên chiếc bàn thờ tổ tiên. Trong làn khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang, di ảnh ông ngoại hình như cũng đang nở nụ cười. Cậu mua cho tôi một tràng pháo chuột. Tôi châm ngòi, cả chân tay, con tim và tấm lòng cũng muốn nhảy như tiếng pháo mùa xuân.
Kể từ đó, ngôi nhà của chúng tôi luôn đầy ắp tiếng cười vì cũng là nơi họp mặt các bạn của cậu. Nhờ an cư nên lạc nghiệp, công việc của cậu dần dần khá lên. Bên hông nhà còn khoảng đất trống, ngoại trồng thêm cây mận, cây ổi cùng gốc mai tứ quý. Xuân năm 1956, cậu tôi đột ngột qua đời khi mới 26 tuổi vì một chứng bệnh đơn giản: đau ruột thừa. Thương con chết trẻ, ngoại buồn bán căn nhà dời đi mấy năm sau đó.
…Mấy chục năm đi qua, giờ quay trở lại căn nhà cũ, tôi thấy trên nền đất ấy là một khách sạn cao tầng nhưng kỳ diệu thay, gốc mai tứ quý vẫn còn đó, sum suê cành lá trở thành một cây cổ thụ nhỏ bên những phiến đá làm thành một hòn non bộ sang trọng của khách sạn. Mấy cái bông đỏ của cây mai còn chúm chím sau một mùa xuân khoe sắc vàng. Tôi chợt nhớ đến cảnh nhà cũ, những người xa xưa đến nao lòng…
HỒ ĐÌNH GIANG