Tom Hanks

Ngôi sao 100 triệu USD

Ngôi sao 100 triệu USD

Thật khó có thể quên khuôn mặt ngố và điệu bộ vụng về của nhân vật Viktor Navorski qua thủ diễn Tom Hanks trong The Terminal. Đó là một trong những vai diễn thăng hoa và ấn tượng nhất của Tom Hanks, một ngôi sao thượng đẳng trong thể loại “điện ảnh trí tuệ”.

Ngôi sao 100 triệu USD ảnh 1

Tom Hanks trong Cast Away.

Bộ phim mới nhất mà Tom Hanks tham gia đóng vai chính (Thomas Jeffrey Hanks) – The  Da Vinci Code – đã thu vào 224 triệu USD (tính toàn cầu sau vỏn vẹn 2 ngày công chiếu). Trung tuần tháng 5-2006, ban biên tập Guinness đã đưa Tom Hanks vào đầu bảng danh sách Nam diễn viên có nhiều tác phẩm điện ảnh liên tiếp đạt doanh thu 100 triệu USD nhất, với bảy phim liên tục, bắt đầu từ Saving Private Ryan với 216,5 triệu USD năm 1998 đến Catch Me If You Can với 164,6 triệu USD năm 2002. Sẽ tròn 50 tuổi vào ngày 9-7, Tom Hanks đã xuất hiện trong 16 phim đạt doanh thu 100 triệu USD trở lên tại thị trường Mỹ.

Anh cũng là nam tài tử có cát-sê cao nhất Hollywood (18 triệu USD cộng tỷ lệ doanh thu trong The Da Vinci Code). Năm 2002, Tom Hanks là diễn viên trẻ nhất được vinh danh với giải Thành tựu suốt đời từ Viện Điện ảnh Hoa Kỳ (AFI). Ấy thế, bậc thầy diễn xuất này chưa từng mơ ước trở thành diễn viên chuyên nghiệp và cũng không tin vào năng khiếu thể hiện ngôn ngữ điện ảnh của mình.

Như từng kể với tạp chí Rolling Stone, thời phổ thông, Tom là cậu học trò nhút nhát và dù con đường nghệ thuật thứ bảy không nhiều tính bước ngoặt như trường hợp anh chàng thợ mộc trở thành tài tử lừng danh Harrison Ford nhưng con đường dẫn Tom Hanks bước vào cánh cửa điện ảnh cũng lắm tình tiết “hạnh ngộ” bất ngờ.

Tại Đại học công Sacramento, Tom tham gia một số vở kịch. Đó là lúc anh gặp Vincent Dowling – Giám đốc Nhà hát Great Lakes Theater Festival. Với sự quen biết của Dowling, Tom được nhận vào nhà hát nhưng chỉ làm việc vặt. Trong 3 năm ở Great Lakes Theater Festival, Tom làm đủ thứ việc linh tinh, từ vác đèn đến khuân phông màn. Công việc cực đến mức Tom phải nghỉ đại học. Sau 3 năm “học nghệ” với vài lần được giao vai diễn, Tom quyết định trở thành diễn viên, đặc biệt từ khi giành giải Hiệp hội bình luận Cleveland.

Năm 1978, Tom đến New York, đầu quân cho Nhà hát kịch nghệ Riverside Shakespeare và bắt đầu tham gia điện ảnh trong một phim ngân sách thấp và phim truyền hình trong đó có Bosom Buddies của Đài ABC. Cũng nhờ vai diễn trong Bosom Buddies, Tom được Ron Howard (đạo diễn phim The Da Vinci Code) ghé mắt và sau đó là hợp đồng diễn xuất trong Splash. Thế là từ đó Tom Hanks bước vào làng điện ảnh chuyên nghiệp.

Chỉ đến đầu thập niên 1990, Tom Hanks mới thật sự tỏa sáng. Đầu tiên là trong Sleepless in Seattle (đóng chung Meg Ryan – một trong những diễn viên nữ đóng cặp ăn ý nhất với Tom) rồi chín muồi và thăng hoa đến đỉnh cao trong Philadelphia. Kỹ thuật diễn cảm tài tình của Tom Hanks một lần nữa tỏa sáng trong Forrest Gump. Đúng là Tom chỉ thích hợp với những vai nội tâm nặng nề, như từng thấy với vai độc thoại tuyệt vời trong Cast Away. Năm 1998, với vai đại úy John H. Miller trong Saving Private Ryan, Tom Hanks đã cùng đạo diễn Steven Spielberg tạo ra sức hút mãnh liệt đối với giới phê bình.

Saving Private Ryan đem về giải Oscar đạo diễn lần thứ hai cho Spielberg và đem đến cho Tom Hanks thêm một đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (cũng từ Saving Private Ryan, Tom được trao Giải phục vụ cộng đồng xuất sắc, danh hiệu cao quý nhất mà Hải quân Mỹ dành cho thường dân). Năm 2000, Tom giành Quả cầu vàng và đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong Cast Away của đạo diễn Robert Zemeckis. Từ đó đến nay, gần như phim nào có Tom cũng đạt thành công đúp – cả nghệ thuật lẫn doanh thu, từ Road to Perdition, Catch Me if You Can đến The Terminal.

ĐOAN THƯ

Tin cùng chuyên mục