Toàn bộ tuyến QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ đang trở thành một đại công trường ngổn ngang, nhiều công trình giao thông trọng yếu khác trên toàn quốc cũng đang thi công dang dở trong bối cảnh nguồn vốn không mấy khả quan và công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương đang rất trì trệ. Áp lực phải hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng đang đè nặng lên ngành giao thông.
Nhiều dự án thi công cầm chừng
Thông tin từ Bộ GTVT tính đến thời điểm này, bộ đã khởi công 18/20 dự án vốn trái phiếu Chính phủ. 2 đoạn còn lại là đoạn qua thị trấn Cầu Giát và đoạn Quán Hành - Quán Bánh đang hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện trong tháng 11-2013. Đối với các dự án BOT, hiện cũng đã có 17/18 dự án được khởi công. Đánh giá về tình hình thực hiện các dự án, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Dương Viết Roãn cho biết, công tác giải phóng mặt bằng vẫn luôn là tác nhân chính làm chậm tiến độ các dự án.
Thực tế, đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa lập được phương án chi tiết về đền bù giải phóng mặt bằng nên công tác giải ngân và bàn giao mặt bằng còn chậm, khó có thể hoàn thành trong năm 2013. Tại các dự án BOT, việc phối hợp giữa nhà đầu tư với địa phương trong việc lập phương án giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn chi trả chưa đáp ứng yêu cầu. Về thi công, hầu hết các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều đang thi công cầm chừng, một phần vì thiếu mặt bằng, một phần lại đang là mùa mưa. Đối với các dự án BOT, công tác triển khai ở hiện trường cũng chưa tiến triển đáng kể trừ một số đoạn từ Nam Bến Thủy - TP Hà Tĩnh, Quảng Bình - Tasco…
Tại các dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ nhưng việc lựa chọn nhà thầu tại các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại chưa theo kịp tiến độ. Trong khi đó, các chủ dự án BOT lại gặp khó ở khâu hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án trọng điểm khác như: đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường hành lang ven biển phía Nam, Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đường sắt nội đô tuyến Hà Nội - Hà Đông… cũng đang hết sức nỗ lực đáp ứng yêu cầu tiến độ, bởi ở hầu hết các dự án này đều ít nhiều vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vốn và gặp vấn đề về năng lực nhà thầu.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, dự án mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) là các dự án đặc biệt, cần cơ chế đặc biệt. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà đầu tư báo cáo bằng văn bản về các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đề xuất các giải pháp thực hiện mang tính khả thi nhất trong điều kiện khó khăn chung hiện nay.
Trên đại công trường cũng đã xuất hiện một số “điểm sáng” vượt tiến độ. Đơn cử, dự án mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - TP Hà Tĩnh, dự án mở màn cho các công trình BOT mở rộng QL1. Được khởi công từ tháng 9-2012, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 9-2014, tuy nhiên nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho biết công trình đang có tiến độ rất tốt, dự kiến thông xe vào cuối năm 2013, vượt tiến độ 9 tháng.
Tương tự, tại Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, các nhà thầu tận dụng những ngày thời tiết tốt tăng cường làm 3 ca, 4 kíp liên tục để đạt mục tiêu thông xe vào cuối năm 2013. Tại Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cũng vừa phát động thi đua 100 ngày đêm nước rút trên công trường để hoàn thành dứt điểm gói thầu A5, một trong những gói thầu bị chậm tiến độ nghiêm trọng nhất của dự án. Bộ GTVT đã chỉ định Cienco 1 hỗ trợ nhà thầu chính để đẩy nhanh tiến độ và thông xe vào cuối năm 2013…
Một thông tin cũng rất khả quan, trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông hạn chế, ngành GTVT đã có những bước đi mang tính đột phá, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực ngoài xã hội. Chỉ trong 3 năm, đã có 90.000 tỷ đồng ngoài ngân sách được rót vào các dự án giao thông. Trong đó, các dự án BOT mở rộng QL1 đạt 43.720 tỷ đồng, các dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) gần 6.000 tỷ đồng và các dự án khác khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một hướng đi tốt, bảo đảm ngành giao thông có thể chủ động trong thực hiện đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông.
MINH DUY