Ngổn ngang một đề án

Sáng 5-5, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Đề án Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020.
Ngổn ngang một đề án

Sáng 5-5, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo Đề án Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020.

Ngổn ngang một đề án ảnh 1

Một tiết học đàn tranh tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5, TPHCM)

Như vậy, sau lần đầu tiên lắng nghe ý kiến đóng góp của các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TP vào cuối tháng 3-2016, lần này Sở GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhạc sĩ, giám đốc các trung tâm về quản lý, tổ chức văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, qua hai lần tổ chức lấy ý kiến, dự thảo vẫn khiến nhiều người trong cuộc cảm thấy bất an về tính khả thi cũng như lộ trình thực hiện.

Theo ông Bùi Anh Tôn, chuyên viên Âm nhạc - mỹ thuật, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), hiện nay âm nhạc mới đưa vào giảng dạy ở hai bậc tiểu học và THCS với thời lượng 1 tiết/tuần, 35 tiết/năm đối với tiểu học và 37 tiết/năm đối với THCS. Tuy nhiên, nếu ở tiểu học, chỉ có 435/514 trường học triển khai môn âm nhạc (chiếm tỷ lệ 84,6%) với 557 giáo viên giảng dạy, bình quân 1,07 giáo viên/trường thì ở THCS, con số này là 454 giáo viên trên tổng số 259 trường, chiếm tỷ lệ 1,75 giáo viên/trường. “Nhưng nếu xét về yêu cầu hiểu biết và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, toàn TP chỉ có 96 giáo viên tiểu học và 16 giáo viên THCS đáp ứng, trong đó chỉ có 6 giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc dân tộc, một người vừa về hưu nên chỉ còn lại 5 người”, ông Bùi Anh Tôn cho biết.

Trước thực tế đó, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liên, Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, dẫn chứng thêm một thực tế đáng suy nghĩ là trong khi giáo viên dạy nhạc ở trường phổ thông của chúng ta đang thiếu thì cách đây vài năm, có tình trạng nước bạn qua Việt Nam tuyển chọn những sinh viên nhạc viện ưu tú, cấp học bổng qua nước ngoài du học, sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm giáo viên dạy nhạc tại các trường phổ thông bên đó. PGS-TS Mỹ Liên bày tỏ: “Chúng ta mất từ 9 - 11 năm đào tạo trung cấp về âm nhạc, khi các em có nền tảng vững lại trở thành nhân công ở nước ngoài vì miếng bánh học bổng du học. Do đó, nếu không kịp thời đầu tư ngay từ bây giờ, đặc biệt ở bậc phổ thông, Việt Nam sẽ dần trắng tay trong lĩnh vực này”. Ngoài ra, theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT, nếu xét theo tiêu chí giáo viên phải tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc dân tộc thì chỉ tính riêng bậc tiểu học, hiện nay đã thiếu hàng trăm người. Nếu không kịp thời bổ sung đào tạo mà chỉ trông cậy vào đội ngũ giáo viên đang dạy kiêm nhiệm hiện nay (giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành khác nhưng có hiểu biết về âm nhạc dân tộc) thì hiệu quả vẫn không cải thiện. Trong khi đó, các chính sách về đào tạo giáo viên chưa được quan tâm đúng mức, hoặc dù muốn cũng không thể khắc phục trong một sớm một chiều.  
  
Theo lộ trình thực hiện, sau hai lần tổ chức lấy ý kiến đóng góp, đề án sẽ được chỉnh sửa và trình UBND TP phê duyệt để kịp ban hành vào cuối năm 2016. Song từ đây đến đó, làm thế nào để giải quyết quá nhiều bài toán còn ngổn ngang, trong đó có vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực giáo viên? Câu trả lời xin nhường lại cho cơ quan quản lý và các đơn vị phối hợp đào tạo…

THANH THU

Tin cùng chuyên mục