Ngột ngạt khí thải ô tô, xe máy

Tình trạng người dân tập trung về các thành phố lớn để làm việc ngày càng đông đã kéo theo nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông tại những nơi này cũng ngày càng nhiều. Tình trạng này đã và đang gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề, nhất là ô nhiễm khí thải độc hại phát sinh từ các phương tiện xe cơ giới.
Ngột ngạt khí thải ô tô, xe máy

Tình trạng người dân tập trung về các thành phố lớn để làm việc ngày càng đông đã kéo theo nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông tại những nơi này cũng ngày càng nhiều. Tình trạng này đã và đang gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường nặng nề, nhất là ô nhiễm khí thải độc hại phát sinh từ các phương tiện xe cơ giới.

Nhiều loại khí thải độc trong môi trường

Ghi nhận thực tế cho thấy, mỗi khi dừng đèn đỏ hay bị kẹt xe, người đi đường lại cảm thấy ngột ngạt khi phải hứng chịu ô nhiễm từ việc xả khí thải của ô tô và xe máy trên đường. Theo số liệu thống kê gần đây của Bộ Giao thông Vận tải, trung bình mỗi quý có gần 30.000 ô tô, 700.000 xe máy đăng ký mới. Ước tính, cho đến nay trên cả nước có hơn 2 triệu ô tô và gần 40 triệu xe máy. TPHCM là địa phương có mật độ phương tiện giao thông đông nhất cả nước với gần 600.000 ô tô và gần 6 triệu xe máy. Đó là chưa kể khoảng một triệu xe máy từ các tỉnh do người dân mang vào thành phố để đi làm.

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường TPHCM, với mật độ giao thông dày đặc, lưu thông chậm trong khi phần lớn phương tiện lưu thông lại là xe phân khối lớn nên lượng nhiên liệu đưa vào buồng đốt không được xử lý hết, thải bỏ ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Việt Nam thống kê Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2, 61.000 tấn NO2, 12.000 tấn SO2 và 22.000 tấn bụi than và bồ hóng.

Xe gắn máy khi hoạt động động cơ thải bỏ ra môi trường một lượng lớn khí thải độc hại. Ảnh: CAO THĂNG

Nghiên cứu về tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng gần đây do Sở Y tế TPHCM thực hiện đã khẳng định, trong 10 năm trở lại đây, số lượng người dân bị mắc các bệnh liên quan đến hô hấp tăng cao. Số bệnh nhân mắc bệnh này thường là trẻ em sơ sinh đến khoảng 14 tuổi. Cụ thể, nếu năm 1996, số lượng trẻ em mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp khoảng 2.800 trẻ/năm. Đó là chưa kể số lượng bệnh nhân mắc các chứng bệnh tắt nghẽn phổi mãn tính ở người lớn cũng tăng nhanh đáng kể mà nguyên nhân là do ô nhiễm khí thải gây ra.

Bất cập do chồng chéo quản lý

Phân tích những tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho biết thêm, các khói thải từ động cơ xe cơ giới thải ra có chứa các loại khí độc đối với sức khỏe con người. Cụ thể như khí CO. Khi CO sẽ kết hợp với Hemoglobin trong máu ở phổi, tạo liên kết Cacbonxy - Hemoglobin. Liên kết này làm mất khả năng hấp thụ oxy của hồng cầu làm máu không còn khả năng trở thành máu tươi. Các tế bào máu này sẽ bị vô hiệu hóa, kết đọng ngay tại các mạch máu trong phổi gây hiện tượng ngạt thở. Hơi xăng dầu không hết hoặc không kịp cháy tạo ra bụi than, bồ hóng và khi đi vào cơ thể thông qua quá trình hô hấp có khả năng gây ung thư nội tạng. Riêng lượng khí SO2, SO3 là các khí gây tổn hại đường hô hấp và tất cả khả năng sinh lý của nam giới. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của ô nhiễm không khí là người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người thường làm việc ngoài trời.

Trong khi ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng thì việc quản lý chất lượng không khí vẫn đang là việc “cha chung không ai khóc”. Về việc kiểm soát ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thế nhưng, chức năng hiện hữu của bộ lại chỉ dừng ở việc kiểm soát nguồn khí thải từ hoạt động sản xuất. Còn nguồn khí thải từ hoạt động giao thông do Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát. Không chỉ rối rắm trong công tác quản lý mà cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động kiểm soát thực trạng ô nhiễm không khí tại các tỉnh thành vừa yếu vừa thiếu. PGS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, đơn cử tại TPHCM, toàn bộ hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí giao thông đã “bất động” từ năm 2003 và cho đến nay vẫn chưa được cải tạo, thay mới. Điều này khiến cho chất lượng kiểm soát mức độ ô nhiễm môi trường tại thành phố đang bị thả nổi. Việc quan trắc chất lượng không khí bằng hình thức bán tự động đang thực hiện như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, không thể cập nhật kịp thời và đầy đủ số liệu về chất lượng không khí.

Hạn chế ô nhiễm khí thải trong môi trường sống của cộng đồng, nhất là tại các tỉnh, thành lớn, có mật độ lưu thông phương tiện vận tải dày đặc là rất cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này trước hết cần phải chú trọng đến quy hoạch đô thị tổng thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến bố trí hợp lý, hài hòa hệ thống giao thông với các khu dân cư và công viên cây xanh. Giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông và đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng. Quan trọng hơn, phải xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như là trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông tại các đô thị. Bên cạnh đó, cũng phải đẩy mạnh giải pháp kiểm tra, bảo dưỡng bảo trì đối với các loại xe cơ giới ô tô, xe máy. Đồng thời khuyến khích các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, cồn nhiên liệu, bio diesel và điện.

MINH XUÂN - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục