Với ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào, thế nhưng ngư dân miền Trung bao đời nay vẫn chưa thể làm giàu từ biển. Nguyên nhân chính do công nghệ đánh bắt, bảo quản lạc hậu khiến chất lượng hải sản giảm sút, cũng như vấn nạn bị “đầu nậu” ép giá thu mua...
Phụ thuộc thương lái
Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) được xem là cảng cá lớn nhất miền Trung hiện nay, nơi hàng ngày tiếp nhận hàng trăm lượt tàu cá của ngư dân miền Trung vào bán hải sản sau chuyến đánh bắt dài ngày. Nhìn những con tàu cập bến đầy ắp cá, tôm, chúng tôi thật sự vui thay cho những ngư dân sau những ngày dài vất vả trên biển. Thế nhưng, khi hỏi chuyện thì nhiều ngư dân không giấu được nỗi buồn.
Anh Đào Ngọc Minh Tâm (chủ tàu cá ĐNa 90369, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết: “Mùa này đánh bắt trúng lắm. Tàu nào ra khơi khoảng 10 ngày trở về cũng đầy khoang. Thế nhưng, tính ra chẳng lời bao nhiêu, thậm chí hòa vốn hoặc lỗ”. Theo anh Tâm, sở dĩ các ngư dân như anh vẫn chỉ biết “lấy công làm lời” và chưa thật sự giàu lên nhờ nguồn lợi hải sản là do lâu nay bị tư thương ép giá. Để chuẩn bị cho chuyến ra khơi, mỗi tàu cần chi phí từ 50 đến hơn 200 triệu đồng, tùy vào công suất của tàu. Trong khi thực tế rất hiếm chủ tàu đủ vốn để mua sắm lương thực, thực phẩm, xăng dầu… trước chuyến đi, phần lớn phải vay mượn tư thương hoặc phải mua nợ vật tư, lương thực từ các “đầu nậu”. Và một khi đã vay tiền hoặc mua chịu vật tư thì sẽ bị nhiều ràng buộc nghiêm ngặt. Sau khi đánh bắt vào bờ, ngư dân buộc phải bán cá cho tư thương với giá do họ quy định, thường thấp hơn so với giá thị trường.
Sau chuyến đi biển kéo dài hơn 10 ngày, anh Trần Văn Giảng (chủ một tàu cá ở Quảng Ngãi) cùng 10 thuyền viên đưa tàu vào cảng cá Thọ Quang để bán nhưng gương mặt buồn xo, anh Giảng nói: “Chuyến đi biển này tàu của tôi phải chi phí gần 150 triệu đồng, mang về khoảng 10 tấn cá ngừ sọc dưa. Với giá bán cho thương lái từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trả công cho các lao động thì… hòa vốn. Biết bị ép giá nhưng đành chịu vì trước khi ra khơi, tôi phải mua thiếu xăng dầu, đá cây, thực phẩm của họ nên buộc phải bán cho họ”. Cũng theo anh Giảng, trước đây nhiều ngư dân Quảng Ngãi thấy giá thu mua hải sản ở Đà Nẵng quá rẻ nên tìm cách chở về quê bán, một số chuyến trót lọt, nhưng khi “đầu nậu” phát hiện ra thì họ không mua nữa, tàu nằm chờ cả tuần nên cá ươn hết. Ngư dân phải năn nỉ và cam kết không tái phạm thì những chuyến biển sau họ mới thu mua.
Theo các chủ tàu, chỉ riêng tại khu vực cảng cá Thọ Quang hiện có đến vài chục “đầu nậu” hoạt động, mỗi “đầu nậu” thường “bao” từ 5 - 7 tàu, có người thâu tóm cả chục chiếc và sẵn sàng cùng lúc cho mỗi tàu vay hoặc mua chịu vật tư, xăng dầu lên đến cả trăm triệu đồng.
Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng, cho rằng, mối liên kết giữa các “đầu nậu” và ngư dân hình thành lâu nay là do nhiều yếu tố. Trong đó, nhu cầu vốn để ra khơi của ngư dân là điều kiện tiên quyết. Ngoài ra, vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân của các nhà máy chế biến hiện nay còn nhiều hạn chế nên “đầu nậu” mới có đất sống. Theo ông Lĩnh, sau khi ngư dân đánh bắt trở về, nếu bán sản phẩm cho các nhà máy thì phải mất 7-10 ngày mới nhận được tiền, còn bán cho tư thương được trả “tiền tươi”.
Một “đầu nậu” tên Minh cho rằng: “Ngư dân bán cá giá thấp hơn cho tụi tui cũng đúng, vì nếu tính lãi suất họ vay ngoài thị trường thấp nhất cũng 4% - 5%/tháng rồi. Còn khi nào cần tiền, ngư dân lại đến mượn là tui đưa ngay mà không cần giấy tờ thủ tục gì. Lỡ họ rủi ro gặp nạn trên biển thì tụi tui cùng chịu chung, chia sẻ với họ và tiếp tục cho họ vay để đi chuyến mới”.
Đầu nậu thu mua cá của ngư dân tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Hùng
Cần giải pháp đồng bộ
Cùng với tình trạng bị ép giá, ngư dân miền Trung còn đang hứng chịu hậu quả của công nghệ đánh bắt, bảo quản lạc hậu, khiến giá trị hải sản giảm sút. Hiện trên tàu, hầu hết các hầm bảo quản cá chỉ là những lớp xốp đã ố vàng theo thời gian, thấm nước và nhiều mùi hôi. Chính vì vậy, mỗi khi cập bờ, cá bốc lên đã giập, ươn mặc dù chuyến đi biển chỉ 10 ngày.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho rằng: Thực tế ngư dân miền Trung sử dụng hầm bảo quản truyền thống nên hiệu suất sử dụng nước đá chỉ đạt 50% - 60%, vì thế chất lượng sản phẩm có thể giảm 30% - 40%, tùy thuộc số ngày đi biển. Chất lượng kém khiến mỗi tấn cá, ngư dân bị mất khoảng 10 triệu đồng. Nếu cộng lại cả năm, mỗi tàu có thể mất vài trăm triệu đồng. Và nếu tính số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ hiện nay ở các tỉnh miền Trung, khoảng trên dưới 10.000 chiếc, số tiền thất thoát do khâu bảo quản rất lớn. Trong khi đó, hầu hết ngư dân không có kinh phí để chủ động ra khơi chứ chưa nói đến khoản đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc đồng bộ giữa các ngành thủy sản, khoa học công nghệ và chính ngư dân.
Ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa ra giải pháp: Nhà nước cần có các chủ trương thích hợp trong việc hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp để họ đầu tư về hạ tầng, hình thành nên các cơ sở thu mua, chế biến ngay tại các cảng cá. Ngược lại, phải có quy chế ràng buộc những doanh nghiệp này thu mua hải sản của ngư dân đúng với giá thị trường. Từ đó hình thành mối liên hệ trực tiếp giữa ngư dân và doanh nghiệp để loại bỏ khâu trung gian.
“Nếu để ngư dân tự bơi, họ không thể bơi xa. Việc hỗ trợ ngư dân không chỉ cho vay vốn ưu đãi để đóng tàu mà còn phải được cung ứng các dịch vụ hậu cần, bao tiêu sản phẩm một cách bài bản. Đặc biệt họ phải được trang bị những kỹ thuật, các mô hình khai thác hiệu quả, như vậy mới có thể bám biển, sống được với nghề. Chúng ta cứ nói mỗi ngư dân là “cột mốc chủ quyền trên biển” thì phải làm cho cột mốc ấy vững chắc hơn bằng việc giúp họ giàu lên từ biển”, ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ.
NGUYỄN HÙNG