Điều 4 - Nghị định 67 quy định, chủ tàu đóng mới tàu cá vỏ thép có thể vay vốn tối đa lên đến 95% tổng giá trị đầu tư. Hay cách khác, để đóng một con tàu vỏ thép chủ tàu chỉ cần nộp đối ứng 5% tổng giá trị đầu tư, số tiền còn lại ngân hàng thương mại sẽ giải ngân cho vay, nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo từng năm.
Tuy nhiên, với Nghị định 17, chủ tàu phải bỏ ra 100% kinh phí đóng mới tàu cá, sau đó nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ 1 lần với định mức hỗ trợ tối đa không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Cụ thể, tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu; tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Ngoài ra, cũng theo Nghị định 17 dù việc hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên tàu xa bờ vẫn mức 100%, tuy nhiên mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu được giảm xuống còn 50%... Không phủ nhận, chính sách hỗ trợ 1 lần sau đầu tư được quy định trong Nghị định 17 đã mang đến nhiều thuận lợi, giúp giảm thủ tục rất nhiều so với chính sách hỗ trợ tín dụng trước đây. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế vấn đề không hề đơn giản. Điểm nghẽn chính là ngư dân phải tự tìm nguồn để đầu tư, sau khi hoàn thành con tàu mới được hỗ trợ.
Ông Diệp Đình Dũng, ngư dân ở thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình cho rằng, quy định ngư dân phải tự ứng vốn ra đóng tàu và nhận hỗ trợ một lần sau đầu tư theo nghị định 17 là rất khó. Bởi, ngoài số ít hộ có tiền tích lũy, còn lại chủ yêu trông cậy vào việc vay ngân hàng thương mại (có thế chấp) khiến việc vay vốn không hề đơn giản.
Chưa kể, một cái khó trong hỗ trợ chính là việc chỉ áp dụng cho đóng mới tàu cá bằng vỏ thép và vỏ composite, nghĩa là tàu vỏ gỗ không được hỗ trợ, trong khi đại đa số ngư dân vẫn muốn đóng tàu bằng vỏ gỗ nên thực tế từ đầu năm đến nay, rất ít hộ đăng ký đóng tàu theo Nghị đinh 17. “Với những quy định mới này chúng tôi không dễ huy động nguồn vốn hay xoay sở đủ tiền để đóng tàu”, ông Dũng bộc bạch.
Thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, hiện toàn tỉnh có 21 chỉ tiêu đăng ký đóng tàu theo Nghị định 17 gồm Núi Thành (10 trường hợp), Thăng Bình (4 trường hợp), Duy Xuyên (4 trường hợp), Tam Kỳ (2 trường hợp và Hội An (1 trường hợp).
Tuy vậy, tại một số địa phương con số đăng ký trên chưa phải là chính xác cuối cùng. Thậm chí, đây chỉ là đăng ký “xí phần” của chính quyền địa phương, không phải ngư dân đăng ký.
Một số ý kiến ngư dân cho rằng, rất muốn sở hữu tàu vỏ thép, vỏ composite hiện đại, vững chãi để sản xuất thuận lợi hơn nhưng họ không dám đăng ký triển khai vì lo ngại giá trị kinh tế thu được sẽ không cao sau khi con tàu hoàn thành đi vào hoạt động, nhất là trước thực tế không ít tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả thời gian qua.
Mục tiêu của Nghị định 67 và nay là Nghị định 17 sửa đổi bổ sung là cả nước sẽ có thêm hơn 2000 tàu cá công suất lớn, vươn khơi xa, nhất là mang đến những thụ hưởng cho ngư dân cũng như góp phần bảo vệ biển đảo. Tính đến cuối năm 2017 cả nước đã đóng mới hơn 1000 tàu.
Như vậy, còn gần 1000 tàu nữa sẽ triển khai theo Nghị định 17, tuy nhiên với những quy định như hiện tại chắc chắn việc triển khai Nghị định 17 vào thực tế sẽ khó khăn, bởi rất ít ngư dân đủ tiềm lực đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu sau đó mới lấy chính sách hỗ trợ.
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, trong số 92 chỉ tiêu được Trung ương phân bổ hiện mới đóng được 63 tàu (theo Nghị Đinh 67), 29 chỉ tiêu đóng tàu công suất lớn còn lại sẽ khó thành hiện thực.
“Sở sẽ tạo điều kiện tối đa cho ngư dân để đóng tàu công suất lớn. Thời gian qua ngành đã vận động ngư dân phối hợp chặt chẽ với nhau, thành lập tổ hợp tác nghề cá, qua đó góp vốn đóng tàu rồi được nhận hỗ trợ 35% giá trị con tàu được đóng mới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn các mẫu đơn, phụ lục, ngư dân nào có nguyện vọng chỉ cần ghi chú đầy đủ vào đó, mang đến UBND xã, phường xác nhận, gửi đến UBND huyện, thị xã, thành phố thẩm định rồi gửi đến Sở NN&PTNT tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, chủ tàu thực hiện đóng mới, hoàn chỉnh công tác đăng kiểm, được cấp giấy phép khai thác hải sản sẽ được nhận hỗ trợ theo Nghị định 17”, ông Ngô Tấn nói
Thực tế là từ năm 2012, Quảng Nam đã triển khai cơ chế hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, hoạt động trên các vùng biển xa theo Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Dù vậy, cũng chỉ có một số ít ngư dân tiếp cận được cơ chế hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay sau khi tự huy động vốn để đóng mới hoặc cải hoán tàu cá công suất lớn.
Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Hội An khẳng định, ngư dân rất muốn tham gia đóng tàu theo Nghị định 17 nhưng do không đủ khả năng về vốn nên dẫn đến chỉ tiêu đăng ký thấp.
“Ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp phải đảm bảo tối thiểu 30% tổng số vay. Nếu đóng chiếc tàu 10 tỷ thì tài sản thế chấp phải 3 tỷ, với mức quy định này đâu phải ngư dân nào cũng có. Hiện Hội An mới chỉ đăng ký 1 chỉ tiêu nhưng cũng đang gặp rắc rối về thủ tục vay vốn và đang tìm cách tháo gỡ”, bà Vân dẫn giải.
Theo ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để triển khai Nghị định 17 được thông suốt, nhất thiết công tác tuyên truyền phải được thực hiện hiệu quả.
Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố phải thành lập ban chỉ đạo rồi tập hợp ngư dân, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Nghị định 17. Nếu ai có nhu cầu thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để được phê duyệt, triển khai đóng mới cũng như tiếp cận các cơ chế khác.
“Các ngân hàng thương mại nên tích cực triển khai, giúp ngư dân sản xuất thuận lợi, kể cả có chính sách về vốn phù hợp, đây cũng là cách tự giúp mình thu hồi vốn vay đúng hạn”, ông Trần Đình Tùng nói.