Người âm thầm nối nhịp bờ vui

Người âm thầm nối nhịp bờ vui

Trong một dịp về thăm miền Tây, vùng quê hương sông nước, sư cô Thích Nữ Huệ Dâng - trụ trì chùa Long Phước (phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM) chạnh lòng khi chứng kiến cảnh đi học của các cháu học sinh nơi đây, sao mà vất vả, nhọc nhằn vì đò giang cách trở. Những chiếc cầu khỉ chông chênh, lắt lẻo bắc qua những con kênh nước chảy xiết, chẳng khác nào là cái bẫy tử thần thách thức người dân quê.

Biết bao hiểm nguy chực chờ, nếu chẳng may có cháu nào sẩy chân té xuống sông, còn các cụ già lưng còng chân yếu phải lụm cụm từng bước run rẩy đi trên những chiếc cầu đong đưa. Hình ảnh đó cứ se sắt mãi trong lòng từ bi của sư cô.

Sư cô Thích Nữ Huệ Dâng trong buổi lễ khánh thành cầu giao thông nông thôn tại xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre. Ảnh: C. LONG PHƯỚC

Sư cô Thích Nữ Huệ Dâng trong buổi lễ khánh thành cầu giao thông nông thôn tại xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre. Ảnh: C. LONG PHƯỚC

Sư cô tâm sự: “Nếu có duyên lành thì hãy cùng chung vai góp sức với thiện nam tín nữ, làm nên những chiếc cầu nối nhịp bờ vui cho tốt đạo đẹp đời. Dẫu rằng, từ lâu lắm rồi tôi vẫn luôn làm việc thiện, nào là tặng quà cho người nghèo mỗi khi Tết về, tặng học bổng, tập vở cho học sinh nghèo hiếu học, xây nhà tình thương cho những gia đình khốn khổ, giúp đỡ những bệnh nhân hiểm nghèo mà không tiền điều trị…

Nhưng có đáng là bao khi nhân gian còn nhiều hoàn cảnh cần giúp đỡ. Làm sao thay đổi những chiếc cầu lắt lẻo để bà con nông dân, những người nhọc nhằn làm nên những hạt gạo cho đời, có được những chiếc cầu vững chắc, thênh thang hàng ngày yên tâm qua lại”. Vậy là sư cô phát tâm xây dựng chương trình “Nối nhịp bờ vui” đi vận động những mạnh thường quân, những người giàu lòng nhân nghĩa, tùy lòng hảo tâm mà đóng góp, cùng chung sức làm nên những chiếc cầu nông thôn, góp phần nhỏ nhoi trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, tại quê hương Bình Đại (Bến Tre) và xã Mông Thọ (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), chương trình “Nối nhịp bờ vui” đã khánh thành 2 chiếc cầu. Nhìn những nụ cười hớn hở của bà con nông dân, những bàn chân bé nhỏ của các cháu học sinh tung tăng bước qua chiếc cầu mới vừa xây xong còn phảng phất mùi xi măng, mùi sơn sư cô Thích Nữ Huệ Dâng vui đến độ trào nước mắt. Niềm vui đó không chỉ có ngần ấy, mà đang được nhân rộng thêm tại Cần Giờ TPHCM với một chiếc cầu đang xây dựng; và cũng tại Bình Đại (Bến Tre), 3 chiếc cầu đang hối hả thi công để bà con có được niềm vui nhân đôi, vui đón Tết Nguyên đán bằng chiếc cầu “nối nhịp bờ vui”.

Sắp tới, sư cô Thích Nữ Huệ Dâng mong mỏi được các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, đặc biệt là Báo Sài Gòn Giải Phóng - đơn vị có nhiều công trình từ thiện thiết thực trên cả nước, sẽ phối hợp cùng xây dựng ít nhất là 10 cây cầu nông thôn. Bên cạnh đó, điều mà sư cô Huệ Dâng cũng hết sức quan tâm và phải thực hiện cho bằng được là sự học của các cháu nhà nghèo. Có cầu tốt đẹp rồi, nhưng các cháu không đến trường thì sư cô chưa yên tâm. Sư cô quyết tâm tạo điều kiện cho các có hoàn cảnh gia đình khó khăn cháu đến trường bằng cách tặng học bổng, tập vở, quần áo. Để có nguồn học bổng lâu dài, sư cô đã thành lập quỹ khuyến học. Mấy năm qua, năm nào sư cô cũng trao hơn trăm triệu đồng học bổng cho các cháu học sinh nghèo.

Đêm đêm bên tiếng mõ, tiếng chuông chùa sâu lắng, cũng là lúc sư cô Huệ Dâng lại nghĩ về bà con nghèo. Sư cô nghĩ, còn quá nhiều chiếc cầu khỉ lắt lẻo khiến bà con khổ ải với những bước chân gập ghềnh; còn nhiều các cháu học sinh thiếu thốn trăm bề, ngăn lối bước chân đến trường. Sư cô mong sao mình có cơ duyên để cùng với các nhà hảo tâm xóa được những điều ưu tư ray rứt đó.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục