- Xin mời vào.
Trước mặt tôi là một cô gái chừng 20 tuổi, dáng cao, tóc ngắn, khuôn mặt trái xoan với đôi mắt sáng:
- Thưa thầy. Em là Tiên. Nguyễn Thủy Tiên, lớp trưởng lớp Báo chí 3. Em xin thầy ít phút để báo cáo...
Tôi chỉ chiếc ghế đối diện:
- Em ngồi xuống đi. Nào, có chuyện gì?
Nghe giọng của em, tôi đoán cô sinh viên này là người miền Tây Nam bộ.
- Thưa thầy, lớp em có bạn Quang. Gia đình bạn ấy gặp rất nhiều khó khăn. Ba bạn ấy ung thư gan giai đoạn cuối. Mẹ bị tai nạn giao thông. Cả ba mẹ bạn ấy phải nằm bệnh viện. Bạn ấy phải nghỉ một số buổi học. Ngay hôm thi hết môn, bạn ấy cũng không thi được. Tuy vậy, bạn ấy là người có ý thức kỷ luật. Nghỉ học có xin phép và tự học đầy đủ. Thầy có thể xem xét cho bạn ấy tiếp tục học môn của thầy?
Thủy Tiên nói một mạch. Nghe cách trình bày, tôi có cảm giác em rất xúc động và dường như phải cố gắng lắm mới nói ra được điều này.
- Thôi được, để thầy trao đổi với Ban Đào tạo, sẽ trả lời em sau nhé?
Thủy Tiên “dạ, con cám ơn thầy” rồi xin phép rời khỏi phòng.
Tôi đứng dậy mở cửa tiễn cô sinh viên, trong lòng nhen niềm vui nho nhỏ.
2. Ngày nào cũng thế, khi tôi đi tập thể dục về, lúc đồng hồ trên tường gõ 6 tiếng thì người bán bánh mì tới. Đó là một phụ nữ chừng trên 50 tuổi, dáng vóc thon thả, đôi mắt sáng toát lên vẻ tự tin và nụ cười thật tươi, không ai nghĩ chị là người “bỏ” bánh mì dạo cho cả khu phố.
Cách đây vài tháng, đi tập thể dục buổi sáng về, ông Năm nhà liền kề giới thiệu: Bánh mì của bà ấy vừa nóng, vừa thơm, vừa giòn. Bà ấy lại đưa bánh đến đúng giờ, bất kể mọi thời tiết, cho cả khu phố mình đấy.
Tôi bắt gặp ánh mắt đầy biểu cảm của người đàn bà bán bánh mì. Chị không tự nhiên, suồng sã như bất cứ người bán bánh mì “dạo” nào mà tôi đã gặp. Nhìn nét mặt có vẻ cam chịu của chị, tôi nghĩ có điều gì bí ẩn lắm. Tôi không tiện hỏi. Mỗi lần gặp chị nhận bánh mì và trao tiền xong, tôi thường nói: “Tạm biệt nhé, sớm mai gặp lại”.
Mỗi lần như thế, người đàn bà bán bánh mì chỉ khẽ “dạ” thật ngọt ngào và trao cho tôi ánh nhìn vừa xa lạ, vừa gần gũi.
Tôi đỡ chiếc xe chở giỏ bánh mì giúp chị vào nhà. Phòng khách nhà tôi sát cửa.
- Mời chị ngồi nghỉ hết mưa lại đi bán tiếp.
- Thôi, anh cho phép em đứng ngoài này. Bánh mì không ướt là tốt lắm rồi.
Tôi vào tủ lạnh rót ly nước lọc:
- Chị cứ ngồi tự nhiên. Mời uống nước.
Nể lắm người đàn bà bán bánh mì mới gỡ nón, ngồi xuống ghế. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ chị. Dù vất vả với kế sinh nhai, nhưng từ chị toát lên vẻ thanh tú một thời. Đôi mắt đen dài, cặp môi đầy đặn và đặc biệt khuôn ngực tràn dâng sức sống. Khi người đàn bà bán bánh mì cầm ly nước trên tay cũng là lúc mưa xối xả, gió giật từng cơn. Mưa hắt cả vào nhà. Tôi vội ra đóng cửa và bật đèn. Trong ánh điện màu vàng ấm áp càng thấy khuôn mặt chị phúc hậu, gần gũi.
Thực ra, người đàn bà bán bánh mì không có ý kể về đời tư của mình. Nhưng, như các bạn biết, mọi thứ đều có nguyên do của nó. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió giật từng cơn. Tôi ngồi đối diện và câu chuyện giữa chúng tôi vào mạch một cách tự nhiên như không thể nào khác được:
- Em có 3 đứa con gái đang học ở thành phố này. Hai đứa lớn học Đại học Khoa học tự nhiên, còn đứa nhỏ học ở trường báo chí. Mấy năm trước, em ở dưới quê, buôn bán lặt vặt kiếm tiền nuôi các con ăn học. Gần đây sắp nhỏ năn nỉ mẹ lên thành phố. Bốn mẹ con thuê căn phòng nhỏ ở Gò Vấp. Sáng sớm em bỏ bánh mì rồi...
Chị dừng lại nở nụ cười kín đáo:
- Nói anh đừng cười, em đi bán vé số để kiếm thêm tiền nuôi mấy đứa đi học. Em không cho chúng biết là mình đi bán vé số. Chỉ nói là bán bánh mì thôi...
Nghe người đàn bà kể, tôi mới để ý đến bàn tay của chị. Bàn tay cháy nắng, nhưng những ngón tay búp măng, còn lưu giữ dáng vẻ một thời xuân sắc.
- Vậy ba các cháu đâu?
Nét mặt người đàn bà bỗng chùn hẳn:
- Ba mấy cháu mất lâu rồi anh ạ. Do tai nạn giao thông. Trước đó, ảnh đi bộ đội. Giải ngũ về được mấy năm thì mất.
Tôi lặng người đi khi nghe câu chuyện của chị. Mỗi người một hoàn cảnh, duyên phận. Người phụ nữ này thật vất vả. Chồng mất sớm, để lại cho chị 3 đứa con gái. Thế mà cả 3 cháu đều được ăn học tử tế. Chắc chắn nghị lực của người đàn bà này lớn lắm. Nghe câu chuyện của chị, tôi không giấu được sự xúc động. Tự nhiên tôi thấy người đàn bà bán bánh mì thật gần gũi. Linh tính báo cho tôi điều gì đó trùng hợp, ly kỳ.
- Con gái nhỏ của chị học báo chí ở đâu?
- Cháu học ở Trường Đại học Văn nghệ quân đội, cơ sở 2 trên đường Dân Chủ.
Tôi bỗng giật mình. Có điều gì ngờ ngợ...
- Cháu học năm thứ mấy, tên gì?
Người đàn bà không trả lời thẳng, hỏi ngược lại:
- Ủa anh biết trường đó sao?
Tôi nói tránh đi:
- Không. Tôi chỉ hỏi vậy thôi.
- Cháu tên là Thủy Tiên. Út ét nhưng giỏi lắm.
Vậy đúng là mẹ Thủy Tiên rồi. Sáng hôm sau, tôi có giờ dạy đầu tiên với lớp Báo chí 3. Gặp Thủy Tiên, tôi nhận ra em có nhiều nét giống mẹ. Tôi không muốn để lộ câu chuyện, tôi đã gặp mẹ em. Cả buổi lên lớp ấy, cứ nhìn Thủy Tiên là tôi đã liên tưởng tới ánh mắt và giọng nói của người đàn bà bán bánh mì. Trên đời này, mỗi người có một hoàn cảnh. Và hình như, hoàn cảnh càng éo le, như ngọn đèn càng soi rọi phẩm chất của mỗi người. Mẹ của Thủy Tiên là một người như thế. Phẩm chất mẹ của chị bình dị mà lấp lánh. Suốt kỳ dạy ấy, cuối buổi học nào lớp trưởng cũng ngồi lại với tôi. Em báo cáo tình hình lớp và xin tôi ký vào sổ theo dõi. Dần dần, tôi thấy Thủy Tiên thật gần gũi, thân quen như là tôi đã gặp em từ lâu lắm rồi.
3.Một sáng nọ, cuối buổi học, tôi vẫn chưa thấy lớp trưởng đến. Cậu sinh viên lớp phó báo cho tôi biết, mẹ Thủy Tiên bị tai nạn giao thông và em phải nghỉ học chăm sóc mẹ. Tim tôi giật thót. Không biết mẹ của Thủy Tiên, người đàn bà bán bánh mì ấy, có sao không?
Tôi gọi điện ngay cho Thủy Tiên. Giọng cô gái nghẹn ngào: “Thưa thầy, mẹ em đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện X75”.
Rời lớp học, tôi vội vã đi thẳng vào bệnh viện. Tôi có quen một số bác sĩ ở bệnh viện quân đội này. Có thể giúp em được gì chăng?
Thủy Tiên như đã đợi tôi từ lâu ở cửa phòng cấp cứu. Em xin phép bác sĩ dẫn tôi vào thăm mẹ. Trong phòng hồi sức số 8, mẹ Thủy Tiên nằm bất động trên chiếc giường trải drap trắng toát với dây nhợ chằng chịt. Tiếng máy đo nhịp tim kêu tít tít.
Thủy Tiên ghé sát tai mẹ, giọng khẽ khàng: “Mẹ ơi, thầy giáo của con vào thăm mẹ nè. Mẹ tỉnh lại đi”. Một lúc sau, mắt người đàn bà khẽ mở. Đôi môi khô nứt. Hình như chị nhận ra tôi. Miệng mấp máy mà không cất nổi thành lời. Mắt Thủy Tiên sáng bừng: “Mẹ con tỉnh rồi thầy ạ. Mấy ngày nay mẹ con không biết gì hết...”.
Chúng tôi rời phòng cấp cứu. Thủy Tiên kể cho tôi nghe mẹ em bị tai nạn như thế nào. Một chiếc xe ba gác chở đầy hàng chạy ngược tông vào mẹ. Xe đạp và giỏ bánh mì bẹp rúm. Vết thương sọ não làm mẹ bất tỉnh. Người đi đường vội đưa bà vào cấp cứu ở bệnh viện này.
Suốt mấy ngày sau đó, cô lớp trưởng xin phép nghỉ học chăm mẹ. Thủy Tiên không đến lớp, tôi thấy trống vắng quá. Tôi nhớ đến tiếng gõ cửa nhè nhẹ, hai nhịp một của em khi lần đầu đến gặp tôi. Hôm ấy, em đứng ra bảo lãnh cho người bạn học cùng lớp do hoàn cảnh gia đình. Còn bây giờ đến lượt em...
Mắt tôi nhòe đi như có sương giăng. Gương mặt phúc hậu của người đàn bà bán bánh mì và gương mặt tỏa sáng của cô bé lớp trưởng cứ chập chờn ẩn hiện.