Người bán báo dạo bên đường

1.
Người bán báo dạo bên đường

1. Buổi sáng nọ đi làm, khi qua cầu Bông đến đường Trần Quang Khải, tôi chợt gặp một ông già tuổi khoảng bảy mươi, dáng người óm nhom, da đen sậm, gương mặt khắc khổ, đứng bán báo dạo bên lề đường. Hôm ấy trời mưa lất phất, mà ông không mặc áo mưa, vì tấm vải ni lông làm áo mưa, ông dành gói sấp báo cho khỏi ướt. Ông chỉ đội một cái nón tai bèo cũ kỹ, chiếc áo kaki sờn vai và đứng bất động như pho tượng. Một tay ôm sấp báo ép vào ngực, một tay cầm tờ báo mời khách mua. Nói là mời khách mua cũng không đúng, vì ông đứng lặng thinh, không mời chào, không mỉm cười thân thiện, ánh mắt chừng như mất hồn, chẳng buồn nhìn đến ai. Xe chạy thoáng qua, tôi chưa kịp nhìn ông tường tận thì đã khuất rồi. Nhưng trên đường đến cơ quan, tôi bỗng dưng thấy có cái gì đó xót xa trong lòng. Hình tượng một ông già đứng bên lề đường bán báo trong mưa lất phất, khiến tôi chạnh lòng làm sao. Ông đã bán giùm tôi những mớ chữ tôi đã vắt tim óc trong những đêm trăn trở. Ông là người bán báo, còn tôi người bán chữ nghĩa. Tôi với ông đều là người đi bán. Nhưng nếu như tôi không có ông đứng giữa trời nắng hay mưa bán từng tờ báo, thì làm sao tôi có điều kiện tiếp tục nhả tơ cho đời.

2. Sáng hôm sau, tôi vẫn đi làm như mọi ngày. Nhưng hôm nay, tôi thấy có điều khác lạ là khi qua cầu Bông, tôi chạy xe chầm chậm để ý tìm ông già bán báo dạo bên lề đường. Ông vẫn như hôm qua, vẫn đứng im như người lính gác, một tay cầm tờ báo đưa trước ngực mời ai mua báo. Bỗng dưng tôi thấy cái dáng đứng của ông sao quá đỗi thân thương. Cái dáng của một người đang chịu đựng sự cam phận của nỗi đau nào đó trong cuộc đời. Ông bán báo dạo mà không hề cất tiếng rao, cũng không hề mời mọc, chỉ có một cử chỉ nâng niu tờ báo như là một vật quý. Thà mình chịu ướt áo, không để tờ báo thấm nước mưa. Một người khách qua đường dừng xe lại mua giúp ông tờ báo. Chắc là người khách mua quen hàng ngày. Hôm qua tôi cũng gặp người khách đi chiếc xe Wave màu xanh biển này dừng lại mua báo. Ông chỉ gật đầu cám ơn với gương mặt lạnh lùng chẳng nở nụ cười, người khách cũng vội vàng ra đi không tiếng chào. Dòng xe nhiều quá, lần này tôi cũng không có dịp dừng lại làm quen với ông. Đúng hơn là tôi có lời cảm ơn ông đã giúp tôi công đoạn cuối cùng của người đầu bếp. Ông đã dọn lên bàn cho mọi người món ăn tinh thần cao quý.

Lần này tôi quyết định dừng xe lại để tỏ lòng tri ân người đã bán giùm tôi những điều tôi gởi gắm. Tôi thật hết sức bất ngờ, vì mỗi tờ báo được ông xếp rất cẩn thận và bỏ vào một bịch ni lông lịch sự và đẹp đẽ. Lần đầu tiên tôi mới gặp một người bán báo và trân trọng từng tờ báo như ông. Tôi xúc động tặng cho ông một ít tiền. Vẫn nét mặt lạnh lùng, ông lắc đầu cương quyết từ chối, rồi gật đầu cảm ơn. Ôi cao quý làm sao, nhân cách của một người bán báo. Tôi là người làm báo cần học tập ông biết nhường nào.

3. Mấy ngày sau, tôi đi làm ngang qua cầu Bông, dòng người vẫn đông đảo ngược xuôi, vẫn ồn ào náo nhiệt như mọi hôm. Nhưng riêng ông già bán báo bên lề đường sao vắng bóng. Cái dáng lặng thinh cô đơn như tượng đá, chắc có lẽ không ai quan tâm, nhưng với tôi lại quá đỗi thân thương, vắng cái dáng liêu xiêu gầy gò đó, tôi thấy cầu Bông cũng vắng lặng lạ lùng. Tôi đứng thẫn thờ bên lề đường, lòng thấy buồn buồn, không biết tìm ông nơi đâu. Tôi đang đứng lặng thinh tựa như cái dáng của người bán báo dạo bên lề đường, chợt nhận ra người khách quen mua báo của ông hằng ngày đi chiếc xe Wave màu xanh biển. Anh đang chạy chầm chậm như sắp dừng lại mua báo. Như một cơ duyên như đã định, tôi vẫy tay anh dừng xe lại hỏi chuyện về ông già bán báo. Anh bùi ngùi cho biết ông vừa mới qua đời. Nhà của ông ở trong một con hẻm nhỏ cách nhà anh mấy căn nhà. Biết hoàn cảnh của ông, anh mua báo ủng hộ. Chiếc nón tai bèo đó là của cô con gái độc nhất của ông. Cô tình nguyện đăng ký vào lực lượng Thanh niên xung phong và đã hy sinh trong một cánh rừng ở Lộc Ninh do bọn Pôn Pốt tập kích. Thương con không tròn nguyện ước, là sau khi hết hạn phục vụ trong lực lượng Thanh niên xung phong, khi trở về cô sẽ theo học ngành báo chí. Hàng ngày ông đi bán báo làm kế sinh nhai, cũng là cách để nhớ về đứa con gái yêu thương đã hy sinh.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục