Người bệnh tiểu đường: Nên ghi “Nhật ký ăn uống”

Người bệnh tiểu đường: Nên ghi “Nhật ký ăn uống”

Thông qua nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây, phần lớn thầy thuốc đã phải thay đổi quan điểm định kiến không chỉ về chế độ dinh dưỡng mà ngay cả trong tiến trình điều trị căn bệnh này. Điều đáng tiếc là không phải tất cả thầy thuốc đều cập nhật được kiến thức về bệnh tiểu đường. Do đó, không phải người bệnh nào cũng được cung cấp đúng và đầy đủ thông tin về nếp sinh hoạt khi mắc bệnh.

Người bệnh tiểu đường: Nên ghi “Nhật ký ăn uống” ảnh 1

Người bệnh tiểu đường cũng cần thận trọng khi lựa chọn trái cây (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: V.D

Trước hết, nhiều người bệnh tiểu đường phần vì không được hướng dẫn cặn kẽ, phần vì quá sợ bệnh nên kiêng cữ đủ điều. Nói đúng hơn, kiêng cữ lung tung, thậm chí kể cả nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng lại quên kiêng các món ăn làm tăng đường huyết. Thí dụ, rất nhiều người bệnh tiểu đường kiêng hết thịt, cá vì không hề biết cơ thể rất cần chất đạm nhưng lại mạnh miệng với trái cây vì quan niệm trong trái cây không có đường (!), dù đó là sầu riêng dày cơm hột lép, mít tố nữ, xoài cát, hay lồng mứt...

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, người bệnh tiểu đường vẫn có thể yên tâm thưởng thức chút chè, chút bánh ngọt nếu đường huyết ổn định, nghĩa là nếu liệu pháp hiệu quả, và hay hơn nữa, nếu người bệnh biết cách kết hợp vận động sau bữa ăn nhằm đốt cho hết lượng đường tích lũy.

Nếu có máy đo đường huyết cá nhân thì việc xác định lượng đường trong máu tất nhiên dễ dàng nhưng ngay cả trong trường hợp không có phương tiện kỹ thuật trong tay, đa số người bệnh tiểu đường, nếu chịu khó tập ghi nhận cảm giác, vẫn thừa sức biết lúc nào đường huyết tụt thấp để nhân cơ hội đó thưởng thức chút món ngọt đã thèm bấy lâu.

Không ít người bệnh tiểu đường nhờ có đủ tài chính nên áp dụng các loại thực phẩm kiêng khem dành cho bệnh tiểu đường nhưng đó chưa phải là điều kiện quyết định để ổn định lượng đường trong máu. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rõ ràng là chế độ dinh dưỡng với thực phẩm kiêng khem làm sẵn không giúp ích bao nhiêu, nếu không nói là phí tiền vô ích, nếu thầy thuốc không kiểm soát được đường huyết bằng liệu pháp đặc hiệu. Đó là chưa kể đến khẩu vị vì nhiều loại thực phẩm kiêng khem quả thật khó có thể định nghĩa như món ăn mà là hình phạt đối với người bệnh.

Không cần phải đợi đến kết quả nghiên cứu, ai đã mắc bệnh tiểu đường lâu ngày đều rõ là có một số món ăn nào đó, thậm chí ngọt nhưng trên thực tế lại không làm tăng đường huyết. Nói cụ thể hơn, ông A. có thể ăn món X nhưng không tăng đường huyết trong khi bà B., cũng bị bệnh tiểu đường như ông A., chỉ cần nếm chút món X thì xây xẩm mày mặt vì đường huyết tăng vọt. Nhiều chuyên gia về dinh dưỡng đã dựa vào đó để khuyến khích người bệnh nên thực hiện một loại “nhật ký ăn uống”, để từ đó mỗi người bệnh tiểu đường có thể thiết kế thực đơn an toàn cho chính mình, cũng như danh sách các món “đại kỵ”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu về bệnh tiểu đường, chính cảm giác ngon miệng trong bữa ăn là yếu tố giúp ổn định đường huyết thông qua phản xạ theo trục thần kinh-nội tiết. Qua đó cho thấy, yếu tố tâm lý của người bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến liệu pháp điều trị.

Ngày nay, với tri thức khoa học, người bệnh tiểu đường vẫn có thể ung dung vui hưởng cuộc sống vì điều phải kiêng hàng đầu không phải là món ăn nào đó mà là định kiến với căn bệnh này.
-----------
Kỳ sau: Vai trò của chất xơ trong khẩu phần của người bệnh tiểu đường

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Phòng Tư vấn và Điều trị nội khoa
(Trung tâm Oxy cao áp TPHCM)

Tin cùng chuyên mục