
Tiếp xúc với ông, có thể cảm nhận rất rõ trong từng câu nói, suy nghĩ của ông đều thể hiện cái tâm, cái tầm của một người cộng sản chân chính. Ông chính là nhà cách mạnh lão thành Phạm Văn Xô (tên thật Trần Văn Đạt), người duy nhất tham dự Đại hội Đảng lần thứ nhất còn sống, người đầu tiên ở TPHCM vừa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng. Trước đó, ông đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Đã 94 tuổi đời, 74 tuổi Đảng nhưng ông vẫn còn khá nhanh nhẹn và rất minh mẫn. Câu chuyện của chúng tôi với ông bị hút ngay vào chính chủ đề ông đặt ra: Hiện nay, không ít “quan làng, quan huyện, quan tỉnh” đua nhau… “phát tài” không minh bạch! Đó là một sự thách thức rất lớn, đòi hỏi cần quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Không thể chấp nhận những “công bộc, đầy tớ” của dân cứ giàu lên còn cuộc sống của nhiều người dân vẫn còn bao gian khó… Cán bộ cách mạng phải “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) thì mới được dân tin…

Đồng chí Phạm Văn Xô (phải) tại chiến trường miền Nam năm 1954. Ảnh: Tr.T.
Ông không nói suông, chính ông đã từ chối hóa giá ngôi nhà cùng mấy ngàn mét vuông đất ở Thanh Đa, để trả cho nhà nước. Lý do, theo ông hết sức đơn giản: nhiều người đang rất cần một chỗ ở, trong khi nhà mình quá rộng, đất cũng rộng.
Ánh mắt ông chợt sáng lên khi nhắc tới những sự kiện lịch sử của dân tộc: Một trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, một đại thắng mùa xuân năm 1975 … “Nếu lòng dân không thuận, dân không tin, không có sức dân, chỉ có cán bộ cách mạng, thì làm sao chúng ta làm được điều đó”- ông trầm ngâm.
Người cán bộ cách mạng trung kiên không cho phép mình được ngơi nghỉ, nên dù tuổi đã rất cao, ông vẫn tiếp tục cống hiến. Chỉ tay vào tập bản thảo “Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam 1954 – 1975” dày hàng ngàn trang, ông cho biết hàng ngày ông vẫn dành thời gian để góp ý cho Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về đề tài này. Ông đưa chúng tôi xem những dòng chữ cẩn thận góp ý về quá trình hình thành và hoạt động của bộ máy tổ chức Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam…
Nhớ lại những ngày đầu tham gia cách mạng, ông kể: Khi mới 13 tuổi, ông rời quê - một vùng đồng chiêm ở thôn Cốc (Vụ Bản, Nam Định) đi tìm gặp người anh làm công nhân Nhà máy dệt Nam Định với ước mong “có đủ cơm để không bị đói đến run người”. Thế nhưng, ngay ngày đầu tiên, câu nói của người anh về tình cảnh “Bé đi câu, lớn đi hầu, già đi nằm nợ” đã khiến ông suốt đêm trằn trọc không sao ngủ được.

Và trong ông lóe lên ý nghĩ: “Chỉ có con đường đi theo cách mạng mới thay đổi được cuộc đời khổ nhục của dân mình”. Trên con đường cách mạng, ông đã đi khắp các mặt trận, trải qua nhiều chức vụ: Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Thường vụ: Trung ương Cục miền Nam, UVBCH TƯ Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra TƯ Cục miền Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kiểm tra TƯ Đảng… Ở cương vị nào ông cũng luôn thể hiện đức tính giản dị và liêm khiết.
Ông nhắc đi nhắc lại: “Viên đạn bọc đường rất nguy hiểm. Giữ tiền là một công việc khó khăn, làm mất tiền do dân đóng góp là có tội với dân”.
Đến bây giờ, trừ những lúc phải đi nằm viện hoặc cảm thấy sức khỏe không cho phép, ông vẫn có mặt ở những buổi họp, hội thảo quan trọng như họp đóng góp cho cuốn sách về đồng chí Phan Văn Đáng, hội thảo về chiến thắng Xuân Lộc, góp ý để làm phim về cuộc đời hoạt động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...
TRẦN TOÀN-LÊ ĐỖ