Vì nền hòa bình của thế giới
Từ tháng 2-2025, khoảng 20 lớp huấn luyện của Bệnh viện dã chiến (BVDC) 2.7 bắt đầu diễn ra trong bối cảnh cả nước hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến, BVDC 2.7 lên đường thực hiện nhiệm vụ vào cuối tháng 9-2025 tại Nam Sudan. Nhận trọng trách Giám đốc BVDC 2.7, Thiếu tá Trần Đức Tài chia sẻ, sự thành công của các thế hệ đi trước vừa là áp lực, vừa là động lực để anh và đồng đội hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Trong đội hình lần này, BVDC 2.7 có nhiều quân nhân trẻ, năng động, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết cống hiến và có những quân nhân kinh nghiệm từng tham gia các BVDC trước đó. Tất cả đồng lòng sẽ thực hiện nhiệm vụ với 3 chữ “quyết”: quyết giữ kỷ luật, quyết tâm và quyết bảo toàn lực lượng. Đặc biệt, BVDC 2.7 sẽ tập trung thực hiện tốt công tác dân vận, chăm lo sức khỏe, giáo dục cho thế hệ tương lai của khu vực.
Chia sẻ với chúng tôi trước giờ tập luyện, Thiếu tá Trần Đức Tài cho biết, anh nhận nhiệm vụ Giám đốc BVDC 2.7 khi các con còn rất nhỏ (một bé 4 tuổi và một bé 6 tháng tuổi), nên không tránh được áy náy khi nhìn vợ một tay lo toan gia đình. Thấu hiểu sự băn khoăn ấy, vợ Thiếu tá Trần Đức Tài động viên anh yên tâm tiếp nhận nhiệm vụ cao cả mà cấp trên đã giao phó. “Dù biết có nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, nhưng những khó khăn gian khổ ấy sẽ tôi luyện thêm bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, chung tay giữ màu xanh hòa bình cùng bạn bè thế giới”, Thiếu tá Trần Đức Tài chia sẻ.
Hành trang của anh và đồng đội mang theo bên mình là cuốn hồi ký Hành trình vì hòa bình của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Bởi, mỗi câu chuyện trong hồi ký giúp thế hệ sau hiểu về sự hy sinh thầm lặng và tinh thần đoàn kết không biên giới của những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam. Trong đó, có sự đóng không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Quân y 175 trong tổ chức huấn luyện và đưa các BVDC 2.1, 2.3 và 2.5 lên đường thực hiện nhiệm vụ. Quyển sách này cũng là tài liệu học tập, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng tham gia lực lượng GGHB.
Sẵn sàng trở lại
Vừa hoàn thành nhiệm vụ cùng BVDC 2.5 trở về từ Nam Sudan hồi tháng 9-2024, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Trung Kiên lại lăn xả tham gia lớp huấn luyện của BVDC 2.7 trong niềm háo hức, tự hào. Hành trình đứng vào hàng ngũ lính mũ nồi xanh với Đại úy Trung Kiên thực sự gian nan. Năm 2014, anh làm đơn xung phong tham gia BVDC cấp 2 nhưng không trúng tuyển. Khát vọng thôi thúc anh tiếp tục đăng ký vào BVDC 2.3 vào năm 2018.
Trải qua thời gian tập huấn kéo dài, anh không khỏi nghẹn ngào vì rơi vào danh sách dự bị. Phải đến lần thứ 3, khi nhận quyết định điều động vào BVDC 2.5 và lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan (từ tháng 6-2023 đến tháng 11-2-2024), anh mới tin rằng, ước mơ thành sự thật. “Được tham gia hàng ngũ thực hiện nhiệm vụ GGHB là điều vô cùng thiêng liêng, cao quý. Chúng tôi là những người trẻ, càng tha thiết được cống hiến, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình với Tổ quốc và quốc tế”, Đại úy Lê Trung Kiên bộc bạch.
Việt Nam tham gia lực lượng GGHB là câu chuyện đáng kinh ngạc, khi họ có thể bước ra khỏi cuộc chiến để nỗ lực vì hòa bình thế giới, góp phần chữa lành vết thương chiến tranh ở một nơi xa xôi như Nam Sudan. Tôi từng chứng kiến sự chuẩn bị của các bạn. Các bạn huấn luyện thực sự nghiêm túc, mọi sự chuẩn bị cũng rất chu đáo. Và chúng tôi tự hào khi có thể giúp đỡ các bạn
Cựu Đại sứ Mỹ TED OSIUS
(trích hồi ký Hành trình vì Hòa bình của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh)
Đến giờ, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trương Mai Hoa còn vẹn nguyên cảm xúc với những ngày tháng thực hiện nhiệm vụ tại BVDC cấp 1 của Đội Công binh số 1 tại Phái bộ UNISFA khu vực Abyei (từ tháng 6-2022 đến tháng 8-2023). Lên đường với tinh thần quyết tâm rất cao, nhưng khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất thiếu thốn và những sự cố bất khả kháng trên hành trình, khiến nữ quân nhân muốn trào nước mắt khi gặp đồng đội đón chờ ở vùng đất xa lạ. Chị bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ bằng sức trẻ và nỗ lực vượt khó.
Ở Abyei, ban ngày trời cực kỳ nóng, đêm lại quá lạnh. Mùa nắng, cỏ cây xơ xác, mù mịt bụi nhưng chỉ sau một cơn mưa, đường đất biến thành những “hố bom” sình lầy. Ở miền đất này, chỉ có 3 tháng mưa, còn lại là mùa khô khắc nghiệt, khiến tình trạng khan hiếm nước thêm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhịp sống của mọi người. Nhiều thời điểm không có nước uống và sinh hoạt, mọi người phải chờ hỗ trợ từ phái bộ. Điều đáng sợ nhất là bệnh tật luôn rình rập. Tại Abyei, có những khu vực cực kỳ hẻo lánh, ruồi muỗi bu kín lán trại. Vì thế, trong hơn 1 năm, gần 30 người ở Đội Công binh số 1 bị sốt rét, nhiều trường hợp chuyển thành sốt rét ác tính, khi thuốc men có hạn.
Khó khăn vất vả là vậy, nhưng ở Abyei còn tràn ngập những ký ức tự hào của người lính Việt Nam và nghĩa tình của người dân địa phương. Mỗi cuối tuần, Đội Công binh số 1 thường tổ chức nhiều hoạt động dân vận, giúp đỡ bà con, dạy học cho trẻ em. Một nữ sĩ quan trong đội thường cần mẫn nhặt nhạnh những vật liệu dư thừa, chế tạo thành dụng cụ giảng dạy cho học sinh vào cuối tuần. Chị nhận ra, học sinh ở khu vực này chỉ biết đến máy tính, internet thông qua những hình vẽ đơn sơ trên bảng. Xót xa trước những thiệt thòi của thế hệ tương lai ở Abyei, trong một đợt nghỉ phép về Việt Nam, Đội trưởng Đội Công binh số 1 đã xin và mang sang 5 laptop cũ cho lớp học. “Đó là lần đầu tiên các em thấy một chiếc máy tính thực sự như thế nào”, Đại úy Trương Mai Hoa nhớ lại.
Ký ức của chị cũng in đậm khoảnh khắc thiêng liêng, lần đầu tiên đón lễ Quốc khánh ở một vùng đất xa lạ. Ngày 2-9-2022, khi quốc kỳ Việt Nam được 2 chiếc cần cẩu (phương tiện quen thuộc của Đội Công binh) kéo lên, tung bay trong tiếng Quốc ca trầm hùng, những người lính mũ nồi xanh rưng rưng niềm tự hào và trào lên nỗi nhớ quê hương, gia đình. Những kỷ niệm đẹp ấy đã thôi thúc chị xung phong tham gia BVDC 2.7 trong năm 2025.
“Khi tham gia BVDC số 1, tôi đã giấu cha mẹ hơn nửa năm, đến sát thời gian lên đường mới dám thổ lộ. Sau giây phút lặng đi, cha tôi vỗ vai động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đất nước giao phó. Quãng thời gian đó đã tôi luyện con gái nhỏ của cha mẹ trưởng thành, vững vàng và kiên định hơn bao giờ hết! Lần này, tôi tiếp tục xung phong tham gia BVDC 2.7, viết tiếp truyền thống gia đình. Cha mẹ và anh trai tôi đều phục vụ trong quân đội, đó là điều tự hào và động lực để tôi luôn phấn đấu!”, Đại úy Trương Mai Hoa chia sẻ.
Nâng tầm vị thế Việt Nam
Trung tá Nguyễn Ngọc Hải là sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào làm việc tại Phòng Cảnh sát (thuộc Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc, trụ sở tại New York, Mỹ) với vai trò là chuyên gia Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Để được chọn, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe, vượt qua gần 200 ứng viên đến từ nhiều quốc gia.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải đã có 2 chuyến công tác ở Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan và Phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung Phi. Những năm qua, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam rất tích cực trong hoạt động GGHB. Họ dành từ “mới nổi” khi đánh giá đóng góp của Cảnh sát Việt Nam trong công tác GGHB. Từ “mới nổi” cho thấy Việt Nam tuy mới cử lực lượng cảnh sát tham gia GGHB, nhưng đóng góp nhiều, nhanh và nổi bật.