Người dân gặp khó khăn khi sử dụng VNeID

Sáng 11-8, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TPHCM liên hệ với PV Báo SGGP để ghi nhận các thông tin báo phản ánh về những bất cập khi dùng Ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Các bất cập xuất hiện khi người dân nộp thuế, làm thủ tục tại sân bay, làm thủ tục khám chữa bệnh…; và bất ngờ hơn, trong ứng dụng xuất hiện “người lạ” là con, cháu, chủ hộ.
Người dân vẫn gặp khó khăn khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến
Người dân vẫn gặp khó khăn khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến

Bất ngờ có “người lạ” trong VNeID

Ông H.H. (ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM) phản ánh, khi mua ĐTDĐ mới, ông cài đặt ứng dụng VNeID nhưng không sử dụng được. Khi ông mở ứng dụng VNeID trên ĐTDĐ cũ thì thấy bên trong chỉ có ông và cha mình, trong khi gia đình ông có hơn 10 nhân khẩu. Sau đó, ông mở ứng dụng VNeID trên ĐTDĐ của mẹ mình thì phát hiện có thêm 4 “người lạ” trong nhân khẩu. Trong đó, một “người lạ” tên Nguyễn Thị Mạnh là “chủ hộ” trong gia đình ông!

Tương tự, nhiều người dân khi xem VNeID của gia đình thì phát hiện có thêm người “lạ” với các vai như: con, chủ hộ… Một số trường hợp sai sót dữ liệu trên VNeID về thông tin cư trú, hay hệ thống VNeID không thể tích hợp giấy phép lái xe ô tô, xe máy.

Ông Q.H. (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, cuối tháng 7-2023, ông đi máy bay từ TPHCM đến TP Hà Nội. Khi ông dùng VNeID (đã đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2) để làm thủ tục tại sân bay thì nhân viên sân bay yêu cầu ông xuất trình CCCD.

“Tưởng chừng sau khi cài VNeID ở mức 2 là có thể đưa cho nhân viên an ninh sân bay đối chứng kiểm tra với vé máy bay, thế nhưng tôi vẫn phải xuất trình thêm CCCD thì mới lên được máy bay”, ông Q.H. lắc đầu than.

Trong khi đó, bà A. (ngụ quận 10, TPHCM) cũng phải đưa thêm sổ bảo hiểm sau khi đã đưa CCCD gắn chip để làm thủ tục khám bệnh ở Bệnh viện Quận 10. “Nghĩ rằng khi có CCCD cài mức định danh 2 thì sẽ thuận lợi khi đi khám bệnh, thế nhưng việc khám bệnh vẫn dùng song song CCCD và sổ khám bệnh. Những bất tiện như thế này, cơ quan chức năng cần sớm xử lý”, bà A. nêu ý kiến.

Nỗ lực điều chỉnh thông tin sai lệch

Sau khi Báo SGGP đăng tải thông tin, sáng 11-8, lãnh đạo Phòng PC06, Công an TPHCM liên hệ với PV để ghi nhận các thông tin báo phản ánh. Lãnh đạo Phòng PC06 cũng chỉ đạo công an địa phương kiểm tra, điều chỉnh thông tin sai lệch cho người dân. Trường hợp của ông H.H. đã được Công an quận 1 liên hệ chỉnh sửa thông tin sai lệch về “người lạ” trong VNeID.

Phòng PC06 cho biết thêm, thời gian qua, Công an TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp rà soát, đối sánh dữ liệu công dân và kịp thời cập nhật, điều chỉnh thông tin người dân trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) đối với trường hợp có sai lệch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều trường hợp dữ liệu có sai lệch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vì thế, Công an TPHCM thiết lập đường dây nóng số 0693.187.111 (từ tháng 4-2023) để kịp thời tiếp nhận, hướng dẫn xử lý phản ánh của người dân liên quan việc điều chỉnh, cập nhật thông tin công dân trong CSDLQGVDC, công tác đăng ký quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD. Người dân khi phát hiện thông tin sai lệch so với CSDLQGVDC, cần liên hệ công an địa phương để xử lý. Nếu quá thời hạn mà chưa được giải quyết hoặc có khó khăn nhưng chưa được tháo gỡ thì người dân phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng trên.

Liên quan đến thông tin người dân gặp khó việc tích hợp giấy phép lái xe (GPLX) vào VNeID, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TPHCM, giải thích, việc chưa tích hợp được là do việc đối sánh dữ liệu dân cư (của Bộ Công an) và dữ liệu cấp GPLX (của Bộ GTVT) không trùng khớp.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, người dân vẫn đăng ký, kích hoạt thành công tài khoản định danh mức độ 2 khi chưa tích hợp GPLX. Tuy nhiên, nếu không tích hợp GPLX vào VNeID thì sẽ làm thiếu đi tính tiện ích đầy đủ của tài khoản định danh ở mức độ 2. Do đó, người dân có GPLX là mẫu giấy nên cấp đổi lại để cập nhật, điều chỉnh thông tin bị sai lệch, để có thể cập nhật đầy đủ thông tin vào hệ thống CSDL về GPLX của Bộ GTVT. Đây sẽ là cơ sở để được xác thực và cập nhật vào tài khoản định danh mức độ 2 VNeID.

Ý kiến bạn đọc

Bạn đọc Đỗ Thanh Tuấn: “VNeID của tôi có một người không quen biết nên báo cảnh sát khu vực. Thế nhưng 3 tháng rồi vẫn không giải quyết được. Không biết đến khi nào thì thành viên không mong muốn đó được rút khỏi tài khoản của gia đình tôi!”

Bạn đọc Nguyễn Cang: “VNeID của tôi thông tin cũng loạn cả lên, như: chủ hộ đã mất vẫn để thông tin; tên cha của tôi bị trùng 2 cái (cùng năm sinh, khác ngày tháng); quan hệ với chủ hộ vừa là con ruột vừa là con rể; cháu ngoại có đứa thành cháu nội, có đứa thành con ruột. Tôi đã đến công an để đăng ký định danh điện tử mức 2 hơn 8 tháng, nhưng GPLX vẫn chưa được tích hợp, BHYT lại được tích hợp cái cũ đã hết hạn từ nhiều năm trước; BHXH cũng không được tích hợp”.

Bạn đọc Phạm Văn Thanh: “Không phủ nhận những thuận tiện mà VNeID đem lại, nhưng vẫn cần cải thiện một số lỗi như: không thể tích hợp GPLX, đăng ký xe, dù ở phần thông tin cá nhân có số CMND cũ mà lại không thể đồng bộ các loại giấy tờ trên. Khi muốn cập nhật thì lại yêu cầu người dân phải đi đổi mới hoặc chỉnh sửa những giấy tờ đó là không hợp lý và gây ra phiền hà, mất thời gian cho người dân. Các cơ quan nên phát triển ứng dụng cho hoàn thiện hơn rồi mới áp dụng đại trà”.

Tin cùng chuyên mục