Người Đức thất nghiệp

Người Đức thất nghiệp

Nếu nói rằng họ thất nghiệp tức là không có việc gì để làm thì không phải. Câu chuyện của những người Đức thất nghiệp xem ra khá đặc biệt.

  • Thất nghiệp nhưng phải lao động
Người Đức thất nghiệp ảnh 1

H. Dunsky đang làm việc với mức lương 1 euro/giờ.

Năm ngoái, Benjamin Dath bắt đầu tìm việc làm tại văn phòng dành cho những người thất nghiệp tại Minden. Tháng 1 năm nay, sau 8 tháng, B. Dath đã trở lại chính nơi đó để nhận việc quét sơn trường học với mức lương là 1,5 euro/một giờ lao động. B. Dath, năm nay 23 tuổi, bỏ học từ năm 16 tuổi và đã làm việc ở nhiều nơi để kiếm sống.

Minden, cách thành phố Hannover khoảng 36 dặm về phía Tây, là thị trấn nhỏ với dân số khoảng 83.000 người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp là 9,5%. Cũng giống như nhiều nơi khác trên nước Đức, có khá nhiều công việc dành cho những người thất nghiệp như B. Dath xuất phát từ một chương trình hành động mới của chính phủ mà theo đó những người được hưởng trợ cấp thất nghiệp như B. Dath sẽ được tạo điều kiện lao động với những công việc nhẹ nhàng như sơn trường học, làm bánh sandwich, trông coi cổng trường khi tan học hoặc bảo vệ các công viên.

Mục đích của chương trình là giúp những người thất nghiệp vẫn có thể lao động để hiểu hơn giá trị đồng tiền trợ cấp họ được hưởng đồng thời cũng góp phần để họ cải thiện đời sống. Tuy nhiên, có một điều đang gây tranh cãi trong xã hội là tiền công cho những công việc nói trên quá thấp so với mặt bằng xã hội. Hiện nay, nước Đức có hơn 106.000 người dân đang làm những công việc với tiền công dao dộng từ 1 tới 2,50 euro/một giờ.

Cần nhớ rằng, đất nước phát triển bậc nhất châu Âu này có hơn 4,9 triệu người đang thất nghiệp, chiếm 11,7% dân số. “So với thế giới, chính sách phúc lợi của đất nước chúng tôi vẫn rất hào phóng” – Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Lao động Đức, Wolfgang Clement, tự hào nói trong một cuộc phỏng vấn. “Sự thay đổi ở đây là chính phủ muốn người dân đáp lại sự hào phóng đó theo một số cách, không quá to lớn nhưng mang ý nghĩa!”. Chương trình này của chính phủ buộc những người thất nghiệp hiện đang hưởng trợ cấp phải lao động với đồng lương thỏa thuận (thường là rất thấp), nếu không, tiền trợ cấp của họ sẽ bị cắt bớt.

Thông qua một số công việc đơn giản nói trên, những người thất nghiệp sẽ dần dần thích nghi được với công việc và ngài bộ trưởng cũng bày tỏ hy vọng là tới cuối năm nay, khoảng 1/2 những người thất nghiệp đang làm công việc có thu nhập thấp sẽ ký được hợp đồng 6 tháng – mức thời gian tối thiểu để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp. Rõ ràng, chương trình này của Chính phủ Đức là nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp của đất nước.

20 giờ lao động mỗi tuần đã mang lại cho B. Dath khoảng 126 euro một tháng. Nếu cộng thêm với số tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của chính phủ là 320 euro và tiền thuê nhà (cũng được chính phủ hỗ trợ) là 300 euro thì mỗi tháng B. Dath thu nhập tất cả là 940 USD (sau thuế), một con số cũng không đến nỗi nào!

  • Mặt trái của vấn đề

Có thể con số 1,5 euro/giờ là không cao nhưng B. Dath còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Hermann Dunsky, năm nay 58 tuổi, trước đây từng là kỹ sư lành nghề tại Schwerin, thành phố cách Hamburg 60 dặm về phía Đông nhưng khi công ty nơi H. Dunsky làm việc bị phá sản vào năm 2002 thì ông gia nhập “đội quân” thất nghiệp, chiếm 20% dân số thành phố Schwerin. Tuy đã gửi đơn xin việc tới nhiều nơi (ở Đức và cả Hà Lan) nhưng đều bị từ chối bởi tuổi cao.

Trước đây, với 660 euro tiền trợ cấp, H. Dunsky phải khá vất vả để trang trải cuộc sống. Theo chương trình mới của chính phủ, H. Dunsky cũng được tạo điều kiện để lao động. Công việc của ông là trông coi một nhóm thất nghiệp khác làm công tác giáo dục trẻ em về luật giao thông trên đường phố. Công việc đòi hỏi H. Dunsky phải làm việc 6 tiếng một ngày với tiền công rẻ mạt, 1 euro/giờ.

Tỏ ra khá chán nản, H. Dunsky nói: “Tôi muốn làm việc nhưng không phải là công việc có đồng lương thấp như vậy. Dù sao tôi cũng là một kỹ sư giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi không có sự lựa chọn nào khác bởi nếu tôi không làm việc, tiền trợ cấp của tôi sẽ bị cắt bớt 30%”. Dễ dàng có thể nhận thấy, những người tỏ ra hài lòng với kế hoạch của chính phủ đều có tuổi đời còn khá trẻ trong khi những người lớn tuổi lại cảm thấy rất thất vọng.

Nhìn ở một khía cạnh nào đó, chương trình này của chính phủ đã thành công, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và giúp những người thất nghiệp kiếm thêm thu nhập nhưng theo các nhà phân tích sẽ khó có thể cải thiện tỷ lệ thất nghiệp ở Đức. Có lẽ không gì thích hợp hơn cho lời kết bằng nhận định của Jorg Kramer, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HypoVereinsbank tại Munich: “Những người thất nghiệp không phải họ không muốn lao động mà đơn giản là họ không tìm được việc. Có một cách duy nhất để cải thiện tình hình, đó là tạo ra nhiều việc làm mới!”. Lúc nào cũng vậy, dù ở bất kỳ quốc gia nào thì vấn đề thất nghiệp luôn làm đau đầu các nhà quản lý!


NGUYỄN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục