Tôi đi dọc Trường Sơn và tìm Phạm Tiến Duật
Trạm giao liên nào cũng bảo Duật vừa đi qua
Gặp cánh lái xe giữa lửa khói mịt mù đường tuyến
Họ cũng bảo:
“nhanh nhanh lên chút thôi là gặp Duật ngay mà”
Tôi là gì mà tìm Duật nhiều đến vậy
Không, tôi có là gì đâu, chỉ là lính thôi.
Tôi phải băng qua Trường Sơn
mới vào được mặt trận Nam bộ
Mà thơ Duật về Trường Sơn tôi đã thuộc nhiều rồi.
Ấy vậy mà mãi đến tháng năm,
một nghìn chín trăm bảy lăm vào tận Sài Gòn
Tôi mới được đọc cho anh nghe thơ anh,
rồi lặng nhìn anh nói trong nước mắt:
“Duật cũng có nhớ thơ Hồ,
nhưng ít hơn rất nhiều là Hồ nhớ thơ Duật...”
Điều ấy với tôi quá hiển nhiên sao khiến Duật
nghẹn ngào?
“Không phải chuyện văn chương đâu,
mà bao nhiêu gian lao
Chúng mình đã đi tận cùng Đất nước
Nhưng dẫu thế, chúng mình vẫn chỉ là
giao liên thôi;
Hồ ơi, đâu đã là lính trận
Xương máu quá nhiều rồi. Ta biết được bao nhiêu?”
“chúng mình là giao liên thôi!”. Ừ, Duật đã
nói đúng
Chúng mình đã đón đưa bao nhiêu đồng đội
và giờ bao nhiêu?
Còn vô tận. Duật mãi là vô tận
Người - giao - liên - vĩnh - hằng
vô tận của thương yêu?
11-2007
Trần Ninh Hồ
(Những ngày cuối cùng bên Phạm Tiến Duật)
- Chiếc cầu treo
Cầu treo lơ lửng ngọn cây,
Dây mây bện chặt chỗ dày chỗ thưa
Quanh năm dãi nắng dầm mưa
Sáng chiều vắt võng đón đưa ta về.
Cầu treo giữa chốn sơn khê,
Hiu hiu gió núi thổi về đung đưa.
Chạnh lòng ai, nhớ ngày xưa
Võng dừa mẹ hát ru trưa em mình.
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi”.
Nay đánh giặc, thật diệu kỳ,
Cầu treo nâng bước ta đi vững vàng.
Dẫu cho bom đạn, mưa ngàn
Cầu treo sừng sững hiên ngang giữa trời
Dậy hồn thơ hát mấy lời,
Cầu treo còn đó một thời chiến chinh.
Thương ai chẳng quản sức mình,
Sớm hôm nối nhịp nặng tình quê hương!
Tuyết Sương
- Người bộ hành lặng lẽ
Người lặng lẽ đi trên hè phố trong chiều Hà Nội
Cây sấu già buông trái còn nghe
Những ngõ phố một thời là chiến lũy
Dẫu đã quen nhưng chẳng cũ bao giờ.
Nói rất khẽ dù những điều to lớn
Mắt luôn cười.
Người bộ hành ấy ra đi, để lại câu thơ
Bốc lửa kinh thành
Anh vệ quốc quân
Áo rách vai
dầm chân trong bùn chờ giặc tới
Đầu súng treo một vầng trăng.
Ngọn đèn chong mắt
trên đường ra trận.
Người chưng cất ngôn từ
cắm cột mốc cho thơ.
TPHCM 29-11-2007
Nguyễn Quốc Trung
Viếng nhà thơ Chính Hữu