“Hôm nay tôi đã hẹn ở phường để lên làm giấy khai sinh cho mấy cháu rồi cô ơi, chiều mai đi mua bảo hiểm y tế cho các cháu, thôi tranh thủ sáng mai gặp cũng được, cô nhé…”. Đó là những công việc bận rộn thường ngày của bà Mười, nên sau vài ba lần hẹn, tôi mới gặp được bà. Không phải là giáo viên nhưng bà lại là người đầu tiên mang con chữ cho những đứa trẻ “ba không” trên dòng kênh Tẻ.
Lớp học của những đứa trẻ “ba không”
Ngồi tiếp tôi trong căn nhà nhỏ tại cư xá Ngân hàng, phường Tân Thuận Tây, quận 7, bà Mười (tên thật là Lữ Thị Huyền Nương) vừa nói chuyện vừa liên tục trả lời điện thoại. “Bà Mười đây… chờ bà ra nhé”. Nghe xong, bà quay qua tôi nói: “Tui phải ra ngoài lớp học chút cô ơi, thầy giáo tình nguyện mới gọi vào cho biết có mấy đứa nhỏ lạ đến dụ mấy em trong lớp học tình thương đi chơi, giờ tụi nó đang nhốn nháo cả lên, tui ra xem sao”.
Chưa kịp bước vào phòng thay đồ, điện thoại nhà bà lại tiếp tục đổ chuông, lần này là một cậu học trò cũ tên Nguyễn Thành Đạt, gọi tới nhờ bà kiếm giúp chỗ ở. Đạt quê ở Bình Phước, năm lên 13 tuổi vẫn chưa biết chữ, lên TP cùng mẹ kiếm sống. 2 mẹ con hàng ngày phải lang thang khắp các bãi rác để lượm bọc ni lông. Bà Mười đã vận động Đạt đi học lớp 1 ở lớp học tình thương, bà còn cho sách vở, giúp Đạt có điều kiện đến lớp. Bây giờ Đạt đã học đến lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 7.
Đạt là một trong số hơn 300 trẻ được bà Mười dạy dỗ, cưu mang. Hơn 10 năm qua, bà Mười một mình cần mẫn đi gom mấy đứa trẻ bụi đời, lang thang ở các vỉa hè, góc phố, trên những chiếc ghe mục nát ở kênh Tẻ để đem về nuôi dạy. Những đứa trẻ này đều không có nhà, không có giấy khai sinh, không hộ khẩu, nhiều người rất e ngại khi tiếp xúc với chúng…
Năm 1999, bà Mười lúc đó đã ở tuổi 60, trong lần tình cờ đi qua một vỉa hè nhỏ gần nhà, bà bắt gặp một nhóm sinh viên tình nguyện đang ngồi dạy học cho mấy đứa nhỏ trong cảnh ồn ào, bụi bặm. Xót cho mấy đứa nhỏ, bà Mười chạy vội về nhà kể cho gia đình nghe tình cảnh của các em. Gia đình ai cũng ủng hộ ý tưởng đưa mấy đứa nhỏ về nhà để dạy của bà. Từ đó, căn nhà nhỏ, đơn sơ của gia đình bà trở thành lớp học đầu tiên của những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Khi lớp học đông thêm, bà gác lại việc mở rộng tiệm bán gạo ở nhà mà dành chỗ cho các em học. Không kể nắng mưa, cứ khi nào thấy tàu ghe cập bến, bà lại một mình lặn lội ra các bến tàu vận động các cháu đến lớp. Từ chỗ chỉ có khoảng chục em, mấy tháng sau đã có đến 50 em, căn nhà nhỏ không còn đủ chỗ, bà Mười mượn phòng tiếp dân của khu phố, rồi đến các nhà kho bỏ hoang để tổ chức thêm lớp học cho các em. Mới đây, trung tâm học tập của phường Tân Thuận Tây được thành lập cũng đã dành cho bà Mười 2 phòng để tổ chức lớp học tình thương.
Thổi bùng niềm tin yêu cuộc sống
Những đứa trẻ trong lớp học của bà, đứa nào tóc cũng vàng hoe, khét nắng. Bà Mười nhớ từng đứa một: “Đây là bé Tươi ngày nào cũng đến học rất siêng năng, bé làm toán rất nhanh. Ba cháu mất sớm, mẹ sống trên ghe, ở với ông ngoại nhưng ông hay bắt Tươi phải đi ăn xin mỗi đêm. Còn đây là em Tốt, 16 tuổi nhưng chỉ mới vào học lớp 1…”.
Cô Nguyễn Ngọc Nga, giáo viên tình nguyện, 10 năm bám trụ với lớp học tình thương xúc động nói: “Mỗi em có hoàn cảnh riêng và không phải em nào cũng dễ dạy dỗ nhưng bằng tình thương yêu của bà Mười và thầy cô, dần dần các em ngoan ngoãn, thậm chí rất thích được đến lớp. Những hôm lớp vắng, tôi lại gọi điện báo tin cho bà. Những lúc đó, chính bà lại là người đạp xe đến từng góc phố, xó chợ, gầm cầu để đưa các em ra lớp…”.
Hình ảnh một bà cụ 70 tuổi hàng ngày vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ để ra thăm lớp học tình thương hay đi vận động trẻ đến trường đã trở nên thân quen gần gũi với người dân khu vực cầu Tân Thuận. 10 năm qua, bà Mười đã dành hết thời gian, công sức để duy trì lớp học, đến nỗi gia sản của bà cũng teo tóp dần. Từ một cửa hàng gạo lớn, giờ đây chỉ còn vài thúng gạo bán lẻ. Bà vận động các giáo viên tâm huyết giúp đỡ dạy dỗ các em. Thầy cô đến với lớp học tình thương đều hoàn toàn tự nguyện nhưng hoàn cảnh của các thầy cô cũng còn quá đỗi khó khăn nên bà hỗ trợ mỗi người 600.000 đồng/tháng.
Bà tuổi đã cao, dù không xuất thân từ nghề giáo, nhưng mười mấy năm qua đã lặng lẽ gieo từng con chữ đến những đứa trẻ bất hạnh. Hơn 300 em đã được bà Mười dạy dỗ nên người. Một số em đang học ở các trường THCS, THPT ở quận 7, nhiều em đã vào đời có việc làm ổn định. Giờ bà Mười có thể mỉm cười trước những thành quả của đám học trò, của bao tâm huyết mà bà đổ ra từ hơn 10 năm qua nhưng nỗi trăn trở và tiếng thở dài của bà vẫn văng vẳng: “Còn sống ngày nào tôi cũng sẽ dành thời gian chăm lo cho các cháu nhưng một ngày nào đó tôi không còn đủ sức để làm điều này, không biết ai sẽ chăm lo cho các cháu đây?”.
Chính tấm lòng yêu trẻ và trái tim nhân hậu của bà Mười đã làm bừng sáng những tâm hồn trẻ thơ bất hạnh tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt một niềm tin yêu vào cuộc sống.
* Lớp học hiện quá thiếu thốn, các em phải học chung bộ sách giáo khoa cũ nát với những chiếc bút chì, cục gôm quá mòn. Ra phố, chúng ta bắt gặp biết bao băng rôn, khẩu hiệu huy động toàn dân đưa trẻ đến trường nhưng đó đây vẫn còn biết bao những đứa trẻ bất hạnh không có điều kiện được đến lớp, dù khát vọng học chữ luôn đong đầy trong các em. |
Lê Linh