Ông Tám Hưng năm nay tám mươi tám tuổi, một đại tá quân đội nghỉ hưu đã nhiều năm, qua đời sau thời gian bệnh. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng ông không qua khỏi; âu cũng là lẽ thường của kiếp người, sinh lão, bệnh tử. Khi phát tang chia khăn cho con cháu và bà con dòng họ thì bà Mai, người giúp việc cho gia đình ông Tám Hưng đến khoanh tay trước linh cữu người quá cố khấn rì rầm không ai nghe rõ rồi quay sang bà Ân, vợ ông Tám Hưng nói nhỏ trong hai hàng nước mắt:
- Thưa chị Ân và các cháu, anh Tám đi rồi nhưng tình sâu, nghĩa nặng giữa tôi và anh trong những năm kháng chiến khó nói thành lời. Xin phép chị và gia quyến hãy cho phép tôi được để tang anh như một thành viên trong gia đình…
Đang trong nỗi đau chồng ra đi, bà Ân run bắn cả người chưa kịp nói thì các con của bà xô đến quát, người thì nói, bà là cái gì với cha tôi, người thì gắt, bà chỉ là “con ở, kẻ giúp việc, là Ô sin” bà hiểu không! Bà Mai đứng chết lặng như phỗng. Sau mấy phút choáng váng, bà Ân bỗng bình tĩnh lạ thường. Bà nói với bà Mai:
- Tôi biết trước đây tôi có lỗi với chồng vì giấy báo tử nhầm là ông đã hy sinh ở chiến trường. Sau chiến tranh ông còn sống trở về, ông đã tha thứ cho tôi và coi con Lan con riêng của tôi như con chung. Với chị, từ ngày chị đến giúp việc cho gia đình tôi, bằng linh cảm của người vợ, tôi biết tình nghĩa của chị với ông ấy đằm thắm, mặn mà, chị chăm sóc thương yêu ông ấy hơn cả tôi…
Bà Mai mở túi áo lấy ra tờ giấy xé ra từ cuốn sách học trò. Đó là thư của ông Tám Hưng gửi lại cho vợ và các con trước lúc ông nhắm mắt xuôi tay. Anh Hùng con trai cả của ông Hưng giật vội lá thư trên tay bà Mai thì chị Lan, con gái ông Hưng cũng xô đến giằng tờ giấy. Con dâu, con rể của ông Tám cũng chen tới, họ giằng nhau tờ giấy, ai cũng đòi xem cha họ viết những gì trong đó. Tờ giấy do mấy người giằng nhau nên bị xé ra tan nát. Tờ giấy không còn nguyên mà nát thành nhiều mảnh, người thì xé vụn một góc lá thư không thèm coi, người thì chỉ có vài chữ, người giằng được khúc giữa đọc cũng không hiểu gì, vò nhàu, xé nát… Mấy đứa con cả dâu lẫn rể bảo là lúc ông già bệnh lẩm cẩm rồi bị con mẹ này dụ khị bảo ông viết để lại tài sản. Vợ chồng ông Tám Hưng có hai căn nhà, một cho thuê một để ở, có cửa hàng mỹ phẩm cho con gái quản lý thuê người đứng bán. Nghĩ vậy nên cả Hùng và Lan đều thốt lên: “Đừng hòng”.
Các con của ông phản đối không phát khăn tang cho bà Mai, song trong những ngày tang lễ của ông Hưng, bà dọn dẹp, cơm nước là nghĩa vụ của người giúp việc, xong bà cứ quẩn quanh linh cữu của người quá cố. Suốt hai ngày, bao nhiêu bà con họ hàng, công ty của con trai, con gái đến phúng viếng ông Hưng. Sau mấy ngày người nhà lo tang lễ cho ông Hưng, ai cũng mệt mỏi nên đến khuya đi nghỉ thì bà Mai đứng lặng bên linh cữu của ông Hưng rì rầm khấn. Gần sáng bà Mai moi trong túi đựng quần áo một bao thư lặng lẽ để giữa quan tài của người quá cố rồi âm thầm ra đi…
Sáng sớm hôm sau, bà Ân vào căn buồng sau bếp nơi bà Mai vẫn ngủ gọi dậy nấu nước nhưng không thấy, bà gọi to làm mấy người con của bà thức dậy. Anh Hùng, con trai cả người quá cố đến bên quan tài. Anh mở bức thư ra chưa kịp đọc thì bà Ân, chị Lan chạy tới. Chị Lan giật lá thư trên tay anh Hùng và đọc: “Thưa chị Ân và các cháu, lúc phát tang ông Tám Hưng, tôi đưa lá thư của ông nhưng là bản sao, còn bản chính tôi giữ làm kỷ niệm, bây giờ thấy không cần nữa xin gửi lại cho chị Ân và các cháu. Chào mọi người”. Trên tờ giấy khổ A4 là những dòng chữ của ông Tám Hưng: “Mấy lời gửi lại cho vợ và các con. Mọi điều cha nói hết trong di chúc với mẹ các con rồi. Bà Mai là y tá của đơn vị đã yêu thương cha trong những năm kháng chiến và đã sống tình nghĩa sâu nặng như vợ chồng.
Hồi ấy ở quê, bà Ân nghe tin chồng hy sinh và khi nhận giấy báo tử thì đã có con với ông T. phó chủ nhiệm hợp tác xã mua bán. Biết tin Ân có con qua một chiến sĩ cùng quê vừa vào chiến trường, cha đau buồn ngã bệnh, Mai chăm sóc thương yêu cha. Cha kể nỗi đau của mình về chuyện vợ ở quê có con riêng, Mai đã yêu thương cha và hai người lén lút những giây phút như vợ chồng. Thế rồi cha sốt rét, Mai vào rừng kiếm rau cho cha bị bắt, tra tấn nhưng Mai không một lời khai. Ai cũng tưởng Mai đã hy sinh nhưng thực ra Mai bị đưa ra đảo Phú Quốc giam cầm. Sau hòa bình, Mai được trả tự do. Cha và Mai mất tin nhau cho đến khi Hùng đăng báo tìm người giúp việc thì bà Mai theo địa chỉ “nhà ông Tám Hưng” tìm đến.
Trong mấy năm cha bị bệnh, bà Mai người tận tình chăm sóc cho cha không nề hà bất kỳ việc gì. Với bà Mai, gia đình ở Cai Lậy, Tiền Giang bị địch giết hết, đơn côi một mình sau chiến tranh. Bà tìm được cha, biết cha sau hòa bình còn sống trở về đã tha thứ cho mẹ, gia đình sum họp, bà Mai rất vui. Nhiều lúc cha muốn nói việc quan hệ giữa cha và Mai công khai với vợ con nhưng bà khuyên can e sợ mẹ các con buồn. Bà Mai không xin gì mà chỉ mong khi cha không còn ở trên cõi đời này nữa được ở lại làm người giúp việc cho gia đình để hương khói gần gũi linh hồn của cha. Những lời gửi lại cho vợ, con mong vợ và các con hãy thực hiện”.
Lúc này mọi người nhìn nhau, người này trách người kia, hỏi xem tìm bà Mai ở đâu nhưng không ai biết. Lo xong đám tang cha, xây phần mộ khang trang xong, Hùng theo địa chỉ đi tìm bà Mai nhưng ở quê, chính quyền địa phương nói bà Mai bỏ quê đi mấy năm nay không ai biết tung tích…
Một trăm ngày mất của ông Tám Hưng, vợ con ông ra phần mộ thì mọi người giật mình. Bên ngôi mộ xây ốp đá lộng lẫy có người đàn bà nằm gối đầu lên giỏ quần áo. Bà đã tắt thở, người gầy đét. Bà Ân òa khóc kêu: “Trời ơi! chị Mai, chị tha tội cho tôi”. Các con của ông Tám Hưng òa khóc.
Người quản trang kể rằng đã hơn ba tháng nay cứ đêm khuya ông ta thấy một người phụ nữ mặc bộ đồ đen lặng lẽ vào bên ngôi mộ mới xây thắp nhang rồi ngồi đó đến sáng thì bỏ đi. Nhưng mấy hôm nay trời đổ mưa, ông ngủ sớm, không ngờ…
Gia đình bà Ân làm đám tang cho bà Mai trân trọng như đám tang của ông Tám Hưng và để bà nằm cạnh ông Tám.
NGUYỄN NGỌC MỘC