Là công chức nhà nước từ năm 1955, đến năm 1971, bố tôi - họa sĩ Nguyễn Quảng - đột ngột xin nghỉ việc không lương, không một chế độ gì, sau một lần mâu thuẫn với hiệu trưởng nhà trường nơi nhiều năm bố tôi giảng dạy. Có tranh tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc từ năm 1958, từng bán cả nhà, mua nhà nhỏ hơn lấy tiền để mua tranh của thầy của bạn và để cặm cụi làm đến cả một xe bò tranh, nhưng rồi ông xếp tranh lại, gạt hết những mối quan hệ đã có, bỏ đi các tỉnh xa thâm nhập thực tế sáng tác tự do.
Ông vẽ tranh vui, tranh minh họa cho các báo, vẽ truyện tranh cho các nhà xuất bản và… vẽ truyền thần để nuôi gia đình và nuôi nghệ thuật! Có lần, sau vài tuần ở Đồng Mỏ về, ông hớn hở khoe đã kết nghĩa anh em với một ông người dân tộc Tày và đem cất trang trọng một bọc to lên xà nhà - sau này chúng tôi mới biết đó là sợi thuốc lá, thuốc lào được biếu, được trả công vẽ chân dung cho các cụ trong bản, chúng đã mốc xanh tự bao giờ! Không chỉ một lần ông được trả công vẽ chân dung bằng hiện vật như thế…
Năm 1990, ở tuổi 70, bố tôi vào TPHCM, với hơn 200 bức tranh chọn lọc từ hàng ngàn bức tranh của cả một đời cầm cọ, với hy vọng sẽ tổ chức được một triển lãm tranh cá nhân đầu tiên. Thật may mắn, ông làm quen với giám đốc Nhà hát Hòa Bình - chị Hoàng Thị Thương. Là một giám đốc kinh doanh năng động và cũng là người am hiểu nghệ thuật, chị Thương sau khi được xem tranh của ông đã ủng hộ ý định ấp ủ cả đời của ông. Chị đã thu xếp, cải tạo hành lang nhà hát thành một hành lang tranh nghệ thuật, đồng thời thu xếp cho ông họa sĩ già một phòng nhỏ ở nhà hát để tiện sinh hoạt. Chị còn giúp đỡ ông một phần kinh phí để đóng khung tranh, làm áp-phích, in tờ rơi, làm băng-rôn… Việc mở phòng tranh này cũng được chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố lúc đó là họa sĩ Ca Lê Thắng ủng hộ nhiệt tình… Hôm khai mạc Hành lang tranh nghệ thuật, có đại diện nhiều cơ quan ban ngành, cơ sở kinh doanh, phóng viên báo chí, truyền hình thành phố… Và, có cả Chủ tịch UBND thành phố hồi ấy là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp cũng đến dự. Khó mà miêu tả được tâm trạng của bố tôi trong buổi hôm ấy… Ông vui vẻ giải thích cho bất kỳ ai về lai lịch, ý đồ từng bức tranh và ông đã rút mù-xoa chấm nước mắt vì cảm động. Biết tính ông hay ngại ngùng trước quan chức - dù là quan chức chính quyền hay quan chức trong ngành nên tôi cũng hơi lạ lùng khi thấy ông cặp kè thân mật bên ông Chủ tịch UBND thành phố, tận tình nói về từng bức tranh máu thịt của mình…
Điều thắc mắc nho nhỏ ấy của tôi chợt sáng rõ, khi sau đó vài tháng, tình cờ tôi được đọc một bản thảo viết dở của ông, có tiêu đề: Vị quan chức thương dân nghèo và ông họa sĩ già. Trong đó ông kể lại, khi việc xin giấy phép gặp trục trặc bởi sự quan liêu hành chính, ông đã chủ động tìm đến ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, sau khi đã được nghe người dân nghèo bán hàng rong, kéo xích lô tay kể về ông chủ tịch này như một huyền thoại về lòng thương dân, về sự liêm chính, công bằng… Tôi chợt hiểu, trong những giọt nước mắt hiếm hoi của ông họa sĩ già được ống kính máy quay, máy ảnh chộp được ở buổi khai mạc triển lãm tranh chắc hẳn phải có cả lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp tinh thần cao quý ở một người đang “cầm cân nảy mực” xã hội - điều mà ông, một người lao động nghệ thuật đang khao khát, giống như biết bao người lao động ở cái thành phố bề bộn kia…
17 năm qua, cả gia đình chúng tôi, kể từ khi bố tôi còn sống hay đã mất vẫn thỉnh thoảng nhắc đến ông - người từng được bố tôi và cả nhà coi là một ân nhân, là “chú Sáu” - như nhiều người đã gọi một cách trìu mến, dù chỉ là một thứ tình cảm “kính nhi viễn chi”. Hồi đó, bố tôi sau khi viết xong bài báo đã không gửi đi đâu cả, với mặc cảm sợ người ta cho là “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Mặc cảm đó lây sang cả tôi! Và tôi chợt nghĩ: dù ông rất phong phú và uyển chuyển trong ngôn ngữ nói - viết, nhưng có lẽ, chỉ ở trong tranh, ông mới bộc bạch được hết những cảm nghĩ sâu xa nhất của mình. Cũng chính vì vậy mà tôi đã cất giữ những trang viết của ông về “chú Sáu” - cùng nhiều di cảo khác của ông, như một thứ “bảo vật” của gia đình tôi.
Lần triển lãm tranh ở Nhà hát Hòa Bình thành công ngoài sự mong đợi. Dĩ nhiên là bố tôi có bán được tranh để trang trải nợ nần. Nhưng điều lớn nhất mà ông thu hoạch được chính là sự cảm nhận sâu sắc, sự ngợi ca đầy nồng hậu của nhiều tầng lớp người thành phố đối với lao động nghệ thuật của ông. Sổ ghi cảm tưởng với những lời trân trọng, yêu mến, kính phục đã khiến ông như được hồi sinh, giúp ông có thêm bao nghị lực mới mẻ để tiếp tục vẽ như không hề có tuổi già và bệnh tật giày vò… Nhiều tờ báo của thành phố đã đánh giá cao công sức lao động cần cù bền bỉ của ông, và đặc biệt là đều đã nhìn thấy trong tranh ông một tâm hồn tươi trẻ, một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng được thể hiện qua những nét vẽ - mảng màu bay bổng, phóng khoáng, hồn nhiên…
Hai năm sau, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Saigontourist, bố tôi lại mở được một phòng triển lãm cá nhân nữa, với những bức tranh bổ sung vẽ trong thành phố, về đề tài Nam bộ… Rồi ông quay ra Hà Nội, tiếp tục miệt mài vẽ tranh với khát vọng xây dựng những tác phẩm lớn cuối đời. Và kể cho các con, các cháu nghe những câu chuyện trong sách vở, trong những chuyến phiêu bạt của ông suốt từ Bắc vào Nam - đặc biệt là về những ngày tháng ông lang thang trên đất Sài Gòn, trên đất Long An… Thú vị nhất là câu chuyện ông đã sống nhiều tháng ra sao trong căn buồng nhỏ ngay sát phòng nhốt một con hổ xiếc của Nhà hát Hòa Bình…
Đạo diễn, nhà văn
NGUYỄN ANH TUẤN