Bruce Willis

Người hùng hành động cuối cùng

“Die Hard” 4 nói gì?
Người hùng hành động cuối cùng

Sau khi đã để cho các fans ở khắp thế giới hồi hộp chờ đợi trong suốt 12 năm, vào ngày 27-6 tới đây, Bruce Willis mới tái xuất hiện trong vai sĩ quan cảnh sát John McClane ở New York trong phần 4 của loạt phim ăn khách “Die hard” (Gã lì lợm).

Người hùng cuối cùng

Người hùng hành động cuối cùng ảnh 1

Nói Bruce Willis là người hùng cuối cùng vì tài tử cơ bắp người Áo nhập tịch Mỹ Arnold Schwarzenegger đã không còn đóng phim nữa, ông bận rộn chu toàn vai trò thống đốc tiểu bang California ở nhiệm kỳ 2. Còn Sylvester Stallone đã cố trở lại với vai võ sĩ quyền Anh Rocky trong Rocky Balboa nhưng không mấy thành công, thậm chí mới đây còn bị luật pháp Úc truy tố vì tội mang vào “Thiên đàng hạ giới” những loại thuốc cấm. Một tài tử khác rất nổi tiếng của thể loại phim hình sự hành động trong những năm 80 và 90 là Mel Gibson thì nay thích làm đạo diễn hơn là đóng phim (sau Braveheart đã là The passion of the Christ và mới hồi cuối năm 2006 là phim Apocalypto nói về đế chế Maya đã mất).

Có nghĩa là chỉ có Bruce Willis là còn bám trụ với thể loại hành động, dù cho thời gian gần đây, các phim loại này có ông đóng vai chính không còn là sản phẩm hốt bạc, từ Tears of the sun (Nước mắt mặt trời, năm 2003) qua Hostage (Con tin, năm 2005) đến 16 blocks (Tháp tùng nhân chứng, năm 2006). Mới đầu năm nay, diễn cạnh người đẹp Mỹ da đen Halle Berry trong phim trinh thám Perfect strangers (Hoàn toàn xa lạ), ông cũng đã không thuyết phục được người xem.

Tuy nhiên Live free or die hard, hoặc Die hard phần 4, chắc chắn sẽ giúp đánh bóng lại uy danh của Bruce Willis như phim Die hard đầu tiên đã từng giúp ông trở thành một người hùng hành động trên màn ảnh lớn kể từ năm 1988.
 
“Tôi đã 52 tuổi, không còn trẻ khỏe sung mãn như khi mới vào vai John McClane cách nay gần 20 năm,” Bruce thổ lộ, “Vậy mà trong phần 4, đối thủ chính của tôi lại là một cô gái (vai trùm khủng bố Mỹ gốc Hoa tên là Mai, do Lý Mỹ Kỳ đóng), cô ta đánh tôi nhừ tử và trong khi thu hình tôi đã suýt trở thành gã đàn ông độc nhãn”. Diễn cảnh bị Mai đánh tơi bời (do một cascadeur nữ thể hiện), ông đã nhận một cú đá mạnh vào đầu, gót giày của cô ta đã chém rất gần mắt của ông.

Già nhưng vẫn nổ mạnh

“John McClane nay đã già nên tôi phải diễn theo kiểu một cảnh sát hình sự ở tuổi 52 và để xem một cảnh sát như thế thì còn làm được gì. Tôi không rõ khi Die hard trình chiếu cách nay 20 năm internet đã có chưa, nhưng những chiếc điện thoại di động hồi ấy thì to như những chiếc giày. Bây giờ mọi chuyện đã khác và chính John McClane cũng đã khác”.

Trong Die hard 4, John McClane là một cảnh sát viên đã hoàn toàn thất vọng với cuộc sống gia đình. Vợ đã ly dị, con gái lớn  (do Mary Elizabeth Winstead đóng), rất bất mãn và giận bố nhưng cô vô tình trở thành một nhân vật trong âm mưu đánh phá nước Mỹ của bọn khủng bố thời bùng nổ internet. Cô bị bọn khủng bố bắt cóc, gây thêm căng thẳng và gánh nặng trách nhiệm cho bố.

Bruce kể rằng mình rất bằng lòng với cách làm việc của các diễn viên trẻ và đặc biệt thích thú việc đạo diễn Len Wiseman quyết định không sử dụng nhiều công nghệ digital tạo hình ảnh hấp dẫn cho Die hard 4.

Bruce Willis khoe rằng không như phần lớn các phim trình chiếu trong mùa hè 2007, có đến 90% các cảnh hấp dẫn trong Die hard 4 là cảnh quay thật với diễn viên thật, trong đó có cả ông, Justin Long (vai một hacker trẻ bất đắc dĩ trở thành chuyên gia phụ giúp McClane chống lại nhóm khủng bố thời digital muốn đánh sụp các mạng quản lý của chính quyền liên bang Mỹ) và Lý Mỹ Kỳ.

“Cảnh chiếc xe cảnh sát biến thành vũ khí hạ trực thăng đang bay trên đường phố New York đã được thực hiện với xe thật và trực thăng thật. Nói tóm lại tôi thấy mãn nguyện với phim này nhiều hơn so với Die hard 2 (năm 1990) và Die hard 3 (năm 1995) vì nó hấp dẫn như Die hard đầu tiên vậy”.

Bruce Willis nói rằng, ông bằng lòng với những gì đã làm được trong sự nghiệp diễn viên, phim thành công thì vui, phim thất bại thì là bài học để biết chọn vai hợp lý hơn trong các dự án kế tiếp. “Nhưng với Die hard mới này tôi còn cảm thấy mình được trẻ lại vì các bạn diễn và đạo diễn đều thua tôi một thế hệ nên họ mang sức sống trẻ đến cho tôi” - ông nói. Còn danh thơm, uy tín và kinh nghiệm của ông là những yếu tố quan trọng góp cho sự thăng hoa của các tài năng trẻ ấy, trong đó có cả Timothy Olyphant trong vai một tên khủng bố rất giỏi thao tác máy tính.

Và nếu Die hard 4 thành công mỹ mãn thì có thêm lý do chính đáng để sĩ quan cảnh sát John McClane tái xuất giang hồ lần nữa trong Die hard 5. “Thành thật mà nói, tôi sẵn sàng đóng thêm Die Hard 5 ngay bây giờ, ở bất cứ nơi nào và với bất cứ tài năng trẻ nào” Bruce Willis nói với phóng viên của MTV hôm 21-6 vừa qua, “Từ lâu rồi, tôi đã nghĩ đến việc làm một phim nói về buổi ban đầu của viên sĩ quan cảnh sát nổi tiếng lì lợm này”.

Ng.Vân Anh

“Die Hard” 4 nói gì?

Hãng Fox đánh giá rằng phần mới của “Die Hard” là một quyết định liều lĩnh của họ trong thời buổi khán giả chỉ mê phim viễn tưởng, kỹ xảo và dựa trên các truyện tranh nổi tiếng. Để mở rộng thị trường khán giả, hãng Fox quyết định giảm bớt các pha bạo lực để “Die Hard” 4 nhận được đánh giá kiểm duyệt PG-13 (hạn chế khán giả dưới 13 tuổi) thay vì R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) như ba tập phim trước.

Lứa khán giả ra rạp xem phim này đa phần không hề biết đến ba tập trước của bộ phim này, phần nhiều trong số đó còn chưa ra đời khi phần 1 và 2 công chiếu (1988, 1990). Chính vì thế, nội dung của phần 4 “cập nhật thời sự” khi cho John McClane hợp tác với một anh chàng “thần đồng máy tính” trẻ tuổi (do Justin Long thủ vai) để chống lại bọn khủng bố thời hiện đại – các hacker trên Internet.

Trong tập này, FBI phát hiện ra hệ thống máy vi tính của họ đã bị truy cập trái phép, McClane được cử đi để gông cổ anh chàng Matt Farrell (Long), kẻ tình nghi số một. Cùng lúc đó, Matt cũng bị các tổ chứng tội phạm quốc tế truy đuổi để lôi kéo cậu vào tổ chức của họ. Khi John McClane tiếp cận với Matt, anh phải cố đảm bảo an toàn mạng sống cho chàng thanh niên trẻ tuổi này khỏi sự săn lùng của bọn khủng bố. Cùng lúc, con gái của McClane cũng bị bắt cóc khiến anh phải biến cuộc chiến này trở thành cuộc chiến riêng tư – như mọi tập phim trước đây.

Điều bất ngờ, theo khảo sát của Nielsen BuzzMetrics, lượng blog quan tâm đến bộ phim này từ tháng 1 đến tháng 4 nhiều gấp đôi phim Người nhện 3. Khi bộ phim này tung đoạn phim quảng cáo lên mạng hồi tháng 4.2007, ngay tức thì sức hút của bộ phim tăng nhiệt đáng kể. Hãng Fox khá hào hứng tin tưởng bộ phim sẽ thành công. “Khán giả đang đói phim hành động không kỹ xảo” - Pam Levine, đồng giám đốc phụ trách tiếp thị phát hành nội địa của hãng Fox nói – “Dù John McClane không biết gì về kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhưng anh ta cũng chẳng cần biết đến máy tính để có thể chiến đấu ra trò”.

PHAN DIÊN ANH
(Tổng hợp từ nhiều nguồn) 

Tin cùng chuyên mục