
Không tốt nghiệp trường lớp báo chí nào nhưng Edward R. Murrow đã khai sinh nền tảng cho “báo nghe” – thể loại tường thuật thời sự qua sóng phát thanh (radio journalism). Trên tờ American History số tháng 6-2005, tác giả Mark Bernstein cho biết Edward R. Murrow đã đặt những viên gạch đầu tiên cho báo nghe như thế nào…
- Đến với nghiệp báo

Edward R. Murrow
Năm 1937, Edward R. Murrow cùng vợ đến Luân Đôn đảm nhiệm vị trí chánh thông tín viên của Đài phát thanh CBS. Thời điểm đó, Murrow chưa từng viết bài báo nào trong đời cũng như chưa bao giờ phụ trách một chương trình phát thanh lên lịch. Lúc đó, Murrow mới 29 tuổi. Ba năm sau, Murrow đã cho ra đời thể loại tường thuật thời sự nước ngoài qua sóng radio và trở thành một trong những giọng phát thanh quen thuộc nhất nước Mỹ.
Sinh ngày 24-4-1908 tại Polecat Creek (bang North Carolina) với tên thật Egbert Roscoe Murrow, Edward R. Murrow là mẫu người tạo dựng sự nghiệp từ tay trắng. Thời trung học, Murrow kiếm thêm bằng nghề mộc và để dành tiền cho việc học đại học sau này. Khi Murrow bước chân vào Đại học Washington, nghề thông tín viên phát thanh chưa tồn tại. Với năng khiếu nói chuyện có duyên và hấp dẫn đặc biệt, Murrow trở thành chủ tịch Liên đoàn Sinh viên quốc gia không lâu trước khi rời trường. Tốt nghiệp đại học, Murrow làm cho một tổ chức nhỏ có nhiệm vụ đưa các nhà khoa học Đức sang Mỹ.
Giữa thập niên 1930, Murrow làm cho CBS và được cử sang Luân Đôn. Lúc đó, tường thuật radio chủ yếu là đọc vài dòng tiêu đề chính, thế nhưng, Edward R. Murrow đã nhìn thấy triển vọng của báo chí phát thanh và cùng phóng viên William L. Shirer thiết lập nền tảng đầu tiên cho thể loại báo nghe. Thế chiến thứ hai trở thành một trong những động lực đưa báo nghe lên chặng đầu tiên của sự bùng nổ và phát triển. Ngày 12-3-1938, William L. Shirer đến Vienna, cùng ngày Đức quốc xã tiến vào thành phố này. Shirer đã không bỏ lỡ cơ hội nhưng lính Đức cấm tường thuật và thậm chí tống Shirer ra khỏi đài phát thanh. Theo đề nghị của Murrow, Shirer đến Luân Đôn.
Tại New York, giám đốc chương trình thời sự CBS Paul White yêu cầu liên lạc tất cả thông tín viên Mỹ tại Luân Đôn, Vienna, Berlin và Rome. Bay sang Vienna, Murrow cùng Shirer tổ chức được mạng lưới cung cấp tin tại các điểm nóng nhất châu Âu. Vậy là bước tiên phong của lịch sử báo nghe đã định hình, dù cách thức làm việc còn đơn giản: thông tín viên viết tin, đến một cơ sở phát thanh địa phương rồi truyền sóng trực tiếp về trụ sở CBS-New York. Cụ thể, vào giờ ấn định sẵn, phát thanh viên CBS Robert Trout tại New York (sẽ) nói: “Kính thưa quý khán giả, bây giờ chúng tôi sẽ nối sóng cho các bạn với William Shirer tại Berlin”. Ở Berlin, nơi không bắt được sóng CBS, William Shirer không nghe tiếng của Trout nhưng vẫn cầm micro và tường thuật tin theo đúng lịch ấn định.
- Tường thuật từ Luân Đôn khói lửa
Cuối thập niên 1930, Chính phủ Washington vẫn bình chân như vại trước diễn biến nóng hổi ở châu Âu. Cuối năm 1939, hơn 95% người Mỹ được thăm dò cho biết họ không muốn dính vào cuộc chiến của Đức. Ba Lan bắt đầu thất thủ. Tháng 4-1940, Đan Mạch, rồi Na Uy rơi vào tay Hitler. Tháng 5, xe tăng Đức ầm ầm kéo vào Hà Lan, Bỉ rồi Pháp. Ngày 22-6, Pháp đầu hàng. Lúc này, châu Âu gần như chỉ còn duy nhất Anh, nơi trở thành điểm nóng thời sự đặc biệt. Tại Berlin, hai sĩ quan Đức quốc xã cho Shirer biết rằng: trận oanh tạc đầu tiên nện quảng trường Trafalgar tại Luân Đôn sẽ bắt đầu vào ngày 15-8-1940 và chiến dịch thứ hai được thực hiện ngày 7-9. Dọc bờ biển Pháp và Bỉ, quân đội Đức tập trung khoảng 1.700 máy bay và sẽ đổ bộ vào Anh với 90.000 lính cùng 650 xe tăng.
Ngày 2-9-1940, Shirer nhận thấy các sĩ quan thông tin Đức bắt đầu tháo bỏ bản đồ nước Pháp khổng lồ dùng giúp phóng viên theo dõi cập nhật diễn biến dàn quân và thay bằng bản đồ Anh. Ở Luân Đôn, Murrow chỉ định phóng viên Larry LeSueur phối hợp Shirer để tường thuật trận chiến đầu tiên được nghe trên sóng phát thanh. Hitler muốn chiến dịch đổ bộ hoàn thành vào tháng 9-1940, trước khi sương mù gây cản trở. Do đó, Đức quốc xã quyết định dội bom Luân Đôn để làm nhụt chí Winston Churchill. Ngày 7-9-1940, hết đợt này đến đợt khác, máy bay Đức oanh tạc Luân Đôn trong liên tiếp 12 giờ. Đang ở Đông Nam Luân Đôn, Murrow tranh thủ phỏng vấn thường dân Anh cũng như phi công lực lượng Không quân Hoàng gia.
Hôm sau, nước Mỹ đã nghe nhiều chi tiết tường tận về Luân Đôn sau ngày đầu tiên bị Đức tấn công. Không ít người Mỹ đã bật khóc khi nghe tiếng Murrow trên radio: “Luân Đôn đang cháy, Luân Đôn đang cháy… Quanh tôi giờ đây tất cả trông như bình địa…”. Sự chống chọi anh dũng của Luân Đôn đã đưa thành phố này trở thành điểm tập trung thời sự quốc tế trên toàn thế giới. Sau đó, 120 phóng viên – không ít ở thời điểm đó – đã đến Luân Đôn. Tuy nhiên, không ai có thể sánh ngang với Murrow, đặc biệt ở ngôn ngữ diễn đạt bậc thầy của ông. Một số giáo sư báo chí thậm chí nói rằng Murrow là “nghệ sĩ văn chương vĩ đại đầu tiên của dạng thức báo chí mới (tường thuật thời sự radio)”.
Ngày 24-8-1940, Murrow thực hiện buổi tường thuật ban đêm khi đứng trước một hầm trú bom tại quảng trường Trafalgar. Dựng trực tiếp, không kịch bản, Edward R. Murrow đã vẽ lại cảnh quan Luân Đôn lúc đó và còn đưa micro vào hầm để khán giả có thể nghe tiếng trao đổi của cư dân. Bản tin khiến một số viên chức Anh không hài lòng, bởi những gì Murrow tường thuật có thể trở thành thông tin mà Đức quốc xã muốn nắm biết. Murrow xoay sở bằng đề nghị chuyển sóng qua trung gian Đài BBC, nơi Chính phủ Anh có thể kiểm duyệt.
Quan trọng hơn, Murrow được chính Thủ tướng Churchill ủng hộ. 40 năm trước, Churchill từng là thông tín viên trong cuộc chiến Boer nên tin rằng sự miêu tả diễn biến Luân Đôn là cần thiết cho chiến dịch ngoại giao vận động hậu thuẫn từ Washington. Giữa tháng 9, Murrow được cho phép tường thuật thời sự trực tiếp. Để thực hiện các bản tin này, Murrow phải leo lên mái nhà. Khán giả Mỹ có thể nghe rõ tiếng máy bay Đức gầm rú, tiếng bom đạn kinh hoàng và thậm chí tiếng khóc của các phụ nữ Luân Đôn từ chiếc micro của Murrow.
- Thời Internet, nhìn lại di sản Edward R. Murrow

Luân Đôn những ngày kinh hoàng 1940.
Các bản tin phát thanh của Murrow phần nào đã đưa làng truyền thông Mỹ lên tầm chú ý thế giới. Cuộc thăm dò năm 1940 cho biết, 65% khán giả phát thanh nói rằng chương trình thời sự radio CBS là nguồn tin đáng tin cậy nhất. Lượng khán giả “riêng” của Murrow tăng lên 22 triệu, trong đó có Tổng thống Franklin Roosevelt và hầu hết thành viên nội các Mỹ. Sự đồng cảm của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng dành cho Anh cũng tăng nhanh, một phần nhờ các bài tường thuật của Edward R. Murrow.
Trong tháng 9-1940, tháng đầu tiên của chiến dịch dội bom bởi Đức quốc xã, thăm dò của Viện Gallup cho thấy sự cảm thông công chúng Mỹ dành cho Anh tăng từ 16% lên 52%. Cũng trong tháng này, Tổng thống Roosevelt đã thuyết phục Quốc hội hủy Đạo luật Trung lập (với nội dung không ủng hộ quân sự cho Anh). Hitler đã không bẻ gãy được ý chí người Anh. Từ một cửa hầm trú bom, Murrow tường thuật: “Tôi thấy các cô gái vận quần áo may bằng vải rẻ tiền đi trên đường. Không ai làm ra vẻ can trường sau khi thoát chết từ loạt bom của Đức quốc xã. Chỉ có một sự im lặng chấp nhận tình huống mà họ đối mặt.
Với tôi, những người này thật sự can đảm và bình tĩnh đến mức khó tin”. Bản thân Edward R. Murrow cũng là người “can đảm và bình tĩnh đến mức khó tin”. Từ chối chui vào hầm trú ẩn, Murrow cùng LeSueur và phóng viên trẻ James Reston (New York Times) thường xuyên chơi golf tại Hampstead Heath (Luân Đôn), dù cái chết lúc nào cũng rình rập. Văn phòng CBS tại Luân Đôn từng bị trúng bom nhiều lần. Một lần, Murrow cùng vợ (Janet) đến Devonshire Arms – quán bar quen thuộc của cánh báo chí nước ngoài. Tuy nhiên, Janet kêu mệt và đòi về. 10 phút sau, Devonshire Arms bị trúng bom!
Cuối năm 1941, Edward R. Murrow trở về New York và được đón chào như một nhân vật huyền thoại báo chí. Một ngàn người đã tập trung tại buổi tiệc mừng Murrow tổ chức tại khách sạn Waldorf Astoria (New York), nơi thi hào-giám đốc Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ Archibald MacLeish làm những vần thơ ca ngợi Murrow. Vào đêm tiệc mừng Murrow – 2-12-1941 – vai trò của Mỹ trong Thế chiến thứ hai vẫn chưa thể hiện dứt khoát. Năm ngày sau, Trân Châu Cảng bị tấn công. Nước Mỹ vào cuộc, kéo theo bộ máy truyền thông của mình. CBS bổ sung nhân sự tại châu Âu và tất nhiên Murrow là người dẫn đầu.
Sau Thế chiến thứ hai, Murrow thực hiện loạt phóng sự truyền hình về những thủ đoạn bí mật giai đoạn Chiến tranh lạnh, tạo ra làn sóng kiểm duyệt gay gắt do thượng nghị sĩ (siêu chống cộng) Joseph McCarthy khởi xướng. Năm 1961, sau nhiều mâu thuẫn với ban giám đốc điều hành, Murrow rời CBS và nhận vị trí giám đốc Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ do Tổng thống John F. Kennedy bổ nhiệm. Ngày 27-4-1965, Edward R. Murrow từ trần, để lại một di sản vật chất không chỉ cho báo nghe (ở thời mà phương tiện truyền hình chưa phổ biến) mà còn những nền tảng cho kỹ năng cũng như lòng nhiệt huyết bất chấp nguy hiểm đe dọa mạng sống của nghề phóng viên chiến trường.
LÊ THẢO CHI