Nhiều năm liền, ngoài công việc hàng ngày của một kỹ sư ngành nhựa, thời gian còn lại anh Võ Văn Hoàng Minh, Trưởng ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TPHCM, dành hết tâm huyết cho công tác từ thiện xã hội.
- Chia sẻ với bệnh nhân nghèo
Mọi người hay gọi anh là “ông Minh nhựa”. Đây là tên gọi thân mật và trìu mến mà bạn bè, các nhà hảo tâm gắn bó với anh trong suốt hơn 10 năm hành thiện đặt cho. Chúng tôi biết anh Minh từ năm 2004, khi đoàn công tác xã hội Báo SGGP cùng Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa TPHCM và các mạnh thường quân khác tham dự lễ khánh thành bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, địa phương thứ ba thành lập bếp ăn từ thiện sau TPHCM và Long An (thời điểm đó, anh đã trực tiếp vạch đề án và vận động thực hiện với số tiền hơn 100 triệu đồng).
Bẵng một thời gian dài, vào tháng 7-2011, nhân dịp đi thăm và trao tặng nhà tình thương cho đồng bào nghèo tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, được tiếp xúc thực tế và nghe các cán bộ lãnh đạo ngành y tế địa phương trình bày những khó khăn cũng như hoàn cảnh xót xa của bệnh nhân cơ nhỡ, đồng thời tỏ ý mong muốn Báo SGGP tìm hướng hỗ trợ, lúc này chúng tôi lại chợt nhớ đến đề án xây dựng bếp ăn từ thiện tại bệnh viện trước đây của kỹ sư Minh.
Trở về thành phố, qua cuộc trao đổi vắn tắt với chúng tôi, anh đã sốt sắng nhận lời hợp tác với báo giúp Bệnh viện Gò Quao “nổi lửa” bếp ăn nhân đạo. Nói đi đôi với làm, cuối tháng 8 vừa qua, các thành viên Ban Chương trình xã hội Báo SGGP đã thật sự xúc động khi nhận từ chính tay anh Minh số tiền 60 triệu đồng do các mạnh thường quân mà anh vận động đóng góp cho việc làm mang ý nghĩa cao cả này.
- Lấy minh bạch tạo sức hút vận động
Nhiều lần đến tận nơi, tận mắt chứng kiến, tìm hiểu hoạt động nấu và phát cơm tại một số cơ sở từ thiện, nhưng anh không bắt chước theo cách làm giản đơn ấy mà tự vạch ra mô hình tổ chức, hoạt động điều hành một bếp ăn từ thiện sao cho vừa hiệu quả mà phải duy trì lâu dài. Và không bõ công sức bao ngày “nghiên cứu”, “soạn thảo”, đầu năm 2000, công trình đầu tay “đề án thành lập bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo” với kết cấu chặt chẽ từ nguyên tắc hoạt động, cơ chế điều hành, quy mô triển khai… trong đó nội dung được anh tập trung sâu nhất là “nguồn tài chính ban đầu và nguồn quỹ hoạt động lâu dài” đã được ban giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chấp thuận triển khai trong niềm vui khôn tả của tác giả.
Thành công của bếp ăn từ thiện này đã nhanh chóng lan tỏa và được các nhà hảo tâm cũng như giới chuyên môn ngành y tế đánh giá cao. Vài tháng sau, đoàn cán bộ Bệnh viện Đa khoa Cần Giuộc (Long An) đã đến tham quan tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và liên hệ với “Minh nhựa” để cùng phối hợp lập bếp ăn cho bệnh nhân nghèo. Và cứ thế, đều đặn từ năm 2001 trở đi, đề án nhân đạo ấy lại theo chân anh đi khắp các bệnh viện vùng sâu, vùng xa từ Cà Mau ra tận miền Trung xa xôi như Quảng Trị, Thừa Thiên thậm chí đến cả vùng Tây Nguyên nắng gió như Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, nơi mà điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo còn gặp muôn vàn khó khăn.
Nếu tính cả bếp ăn từ thiện mà anh Minh và các nhà hảo tâm cùng Báo SGGP phối hợp thành lập tại Bệnh viện huyện Gò Quao (Kiên Giang) vào thời điểm cuối năm 2011 tới đây thì tổng cộng anh đã “thổi lửa” cho 19 bếp ăn từ thiện với số tiền hàng tỷ đồng. Hỏi về bí quyết làm thế nào để tổ chức thành công và duy trì hoạt động lâu dài, hiệu quả của các bếp ăn, anh Minh nhún vai nói: “Có gì là bí quyết đâu, chỉ cần mình có tâm trong sáng, biết kết nối những tấm lòng nhân ái lại với nhau để tạo nên nguồn lực tổng hợp là làm được. Đối với tôi, bất kỳ ai, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, hễ có tấm lòng là mình đều trân trọng”.
Nhấp ngụm cà phê, anh diễn giải, cụ thể như đối với một chị tiểu thương buôn bán rau cải thì vận động mỗi ngày đóng góp một hai bó rau, vài củ quả; bà hàng chạp phô thì huy động một hai ký đường, chai nước tương, ít gói mì tôm; các anh xe ôm trước cổng bệnh viện có lòng muốn làm từ thiện thì chỉ cần phụ giúp vận chuyển cơm miễn phí cho bệnh nhân, giới thiệu, “mách bảo” những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh éo le cần giúp đỡ mà mình biết…
Ngay tại địa điểm tiếp nhận ủng hộ nấu cơm cho bệnh nhân nghèo thường có một tấm bảng ghi công khai tên tuổi, hiện vật, tiền bạc mà các mạnh thường quân đóng góp, bất kể ít nhiều ai ai cũng có thể thấy và biết được phần công quả mà mình bỏ ra.
Chính cách làm này của anh Minh đã tạo niềm tin tuyệt đối ở mọi người, từ người dân lao động bình thường đến các đơn vị, doanh nghiệp có tên tuổi như Công ty cổ phần Hoa Sen, Công ty Nhựa Đạt Hòa, Công ty Nhựa Bảo Vân, Công ty Gỗ Đức Thành… “Chuyện làm từ thiện thì dài lắm, làm cả đời, nói sao cho hết, mỗi người ai cũng có cách làm từ thiện riêng của mình, còn bản thân mình, mình xem việc xây dựng bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân cơ nhỡ là niềm vui riêng”, Minh “nhựa” vui vẻ khép lại câu chuyện.
MAI NGUYỄN – TƯỜNG LỘC