Nhiều người làm việc có thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng vẫn than không đủ trang trải cuộc sống. Có người cầm số vốn tiền tỷ trong tay để kinh doanh vẫn cho rằng không đủ để xoay xở. Nhưng với nhiều người, chỉ cần có 2 hoặc 3 triệu đồng vay từ Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP), họ đã có thể khởi nghiệp thành công…
2 triệu đồng và gánh bánh tráng trộn
Đón khách bằng nụ cười niềm nở, chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (ấp 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM) chia sẻ: “Giờ có căn nhà tươm tất, con cái được ăn học tới nơi tới chốn, thật sự tôi không còn mơ ước gì hơn”. Khi còn ở trong căn chòi dột nát thì căn nhà nhỏ nhưng khang trang này là mơ ước của cả gia đình chị Mỹ Châu. Nhớ lại thời điểm cả nhà phải đối mặt với cảnh thường xuyên thiếu hụt tiền bạc, nhiều lúc con bệnh mà không có tiền mua thuốc, đến hạn đóng học phí cho con mà chị không biết xoay xở ở đâu, chị Mỹ Châu càng thêm quý cái tình của Quỹ CEP. 8 năm trước, khi phong trào ăn bánh tráng trộn nổi lên, chị có ý định bán món ăn vặt này. Nghĩ vậy, nhưng với thu nhập bấp bênh từ việc làm phụ hồ của chồng, có đồng nào phải đổ vào mua gạo, muối, tập sách cho con hết đồng ấy, chị không có tiền để làm vốn. “May mắn là khi ấy mấy anh chị trong Quỹ CEP tìm đến nhà, hỏi thăm tình hình và biết tôi có ý định buôn bán nên hỗ trợ cho vay. Gia đình tôi thoát nghèo là nhờ số tiền vay 2 triệu đồng từ Quỹ CEP”, chị Mỹ Châu chia sẻ.
Nhờ lấy công làm lời, gia đình cô Bùi Thị Sáu giờ đây đã có cơ sở làm ăn khấm khá, xây được ngôi nhà mới
Cầm số tiền 2 triệu đồng, chị Mỹ Châu tính toán kỹ lưỡng rồi mua nguyên liệu về để bắt đầu hành trình buôn bán nhỏ. Trong thâm tâm, người phụ nữ ít chữ ấy nghĩ đây là cơ hội để mình thoát nghèo, phải làm sao cho đồng vốn này sinh ra đồng lời chứ không được ăn thâm hụt vốn. Vậy là chị dành hết tâm huyết vào công việc. Đầu tiên, chị đi mua bánh tráng trộn của những người bán khác về ăn thử rồi tập làm và rút kinh nghiệm để lần làm sau phải ngon hơn lần trước. Đến nay, dù được đánh giá là người bán ngon nhất khu vực, với lượng khách khá đông nhưng chị vẫn giữ thói quen mua ăn thử của những người bán khác. Chị Mỹ Châu nghĩ đó là cách để chị tiếp thu thêm cái mới và rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân để làm cho món ăn của mình phong phú, đa dạng và vừa miệng khách hàng hơn. Từ những đồng lời kiếm được, chị tiết kiệm để con cái đi học và dành dụm xây nhà. Giờ chị Mỹ Châu có thể tự tin nói rằng mình đã thoát nghèo nhờ gánh bánh tráng trộn nhỏ nhoi ngày nào.
Tích tiểu thành đại
Chia sẻ hành trình vượt qua cảnh chạy vạy mua từng ký gạo về ăn, vợ chồng cô Bùi Thị Sáu (khu phố 2, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) bảo: “Mình nghèo, không có vốn nhiều thì phải chịu khó làm lụng, lấy công làm lời, rồi chắt mót, tích cóp dần vậy”. Chính suy nghĩ ấy mà hơn 20 năm qua, vợ chồng cô Sáu không thuê người làm, vợ chồng, con cái xúm vào cùng nhau làm việc từ sáng đến nửa đêm để đủ hàng (bơ thực vật) bán cho khách. Hồi đầu, không có vốn làm ăn, cô Sáu bấm bụng đi vay nóng bên ngoài. Thế nhưng, vì tiền lãi cao nên số nợ cứ tăng dần. Vợ chồng cô làm được bao nhiêu thì phải lo trả nợ vay. Đến khi được Quỹ CEP hỗ trợ vay 3 triệu đồng, cô Sáu mang trả nợ vay tín dụng đen, rồi sau đó số tiền vay từ Quỹ CEP được tăng lên, vợ chồng cô Sáu dần dần mở rộng cơ sở làm ăn và ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Giám đốc Quỹ CEP, nêu thực tế: “Người nghèo rất khó tiếp cận các khoản vay của ngân hàng, do họ không có tài sản thế chấp. Tìm vay nóng tại các tín dụng đen thì lãi mẹ đẻ lãi con khiến nhiều lao động nghèo lâm vào cảnh túng quẫn. Đó cũng là thực tế khiến nhiều người nghèo muốn làm ăn, kinh doanh để thoát nghèo nhưng đành bất lực”. Để giúp người nghèo khởi nghiệp, cán bộ tín dụng của Quỹ CEP đã đến từng hộ gia đình tìm hiểu để hỗ trợ cho vay. “Chỉ cần là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vốn, có mục đích sử dụng vốn, chí thú làm ăn đều được CEP hỗ trợ vay vốn để bắt đầu khởi nghiệp”, ông Đạt cho biết. Ngoài ra, với chương trình tạo việc làm, phát triển sinh kế, Quỹ CEP còn kết nối người nghèo với các thành viên có mô hình làm ăn hay, hiệu quả để học tập kinh nghiệm.
Cũng chính nhờ sự hỗ trợ này, rất nhiều lao động nghèo đã thoát được cái nghèo đeo đẳng nhiều năm. Như trường hợp của thành viên Lê Thị Hoa (nhà tại khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), lần vay đầu của chị là 3 triệu đồng, chị mua một chiếc máy may rồi nhận hàng về may gia công. Sau 2 năm tích cóp cộng với tiền vay thêm từ Quỹ CEP, chị mua thêm 4 máy may rồi rủ chị em ở xóm đến may cùng. Cứ dành dụm từng chút một rồi chị Hoa mua sắm dần mà đến nay cơ sở chị đã có 13 máy may, vừa giúp chị em trong xóm ổn định thu nhập lại vừa có thời gian lo cho gia đình.
Từ nguồn vốn vay rất nhỏ, chỉ từ 2 hoặc 3 triệu đồng của Quỹ CEP, có người phát triển trồng trọt hoặc chăn nuôi từ vài con heo, con gà, người mở ra buôn bán nhỏ, người phát triển nghề thủ công…, rồi họ thoát nghèo, giúp đỡ lại người khác để cùng hết cảnh khổ. Với họ, chỉ cần một sự trợ giúp nguồn vốn vào thời điểm thích hợp cùng với những cố gắng vươn lên, họ sẽ thành công.
| |
THÁI PHƯƠNG