
Đã 16 năm kể từ ngày nữ họa sĩ người Thụy Sĩ Aline Rebeud du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên. Vào một đêm lang thang dạo chơi thành phố Huế, Aline Rebeud hết sức ngạc nhiên mà cũng vô cùng xót xa khi gặp các em nhỏ nằm co ro ngủ dưới gầm cầu Trường Tiền, gió lồng lộng từ sông Hương thổi về buốt giá.
Cô lân la hỏi chuyện làm quen, mới biết đây là các em mồ côi, không nơi nương tựa. Mơ ước của các em là có được một mái nhà, ngày ngày cắp sách đến trường như mọi đứa trẻ khác. Những lời tâm tình mộc mạc mà chân tình của các em sao mà nghe thương quá đỗi.
Ngoài kia vầng trăng khuya in đáy sông Hương lững lờ, như trái tim Aline Rebeud đang chìm trong nỗi niềm thương cảm cho hoàn cảnh của đàn chim non bất hạnh, mong mỏi được chắp đôi cánh để tung bay giữa bầu trời. Cô ngồi mãi bên bờ sông Hương thơ mộng mà suy nghĩ mênh mông.
Mấy lần định cất bước ra đi, nhưng lòng không đành. Chẳng lẽ để mặc các em sống mãi dưới gầm cầu này. Thế rồi một ý nghĩ lóe lên từ trái tim đầy thương cảm.
Cô quyết định đưa các em vào thành phố Hồ Chí Minh, thuê một căn hộ gần phi trường Tân Sơn Nhất cho các em ở, sau đó sẽ lo công ăn việc làm để bản thân các em tự lập trong cuộc sống. Ngày ngày cô xuôi ngược đi vẽ tranh bán lấy tiền lo cho các em, cũng như vào các bệnh viện giúp đỡ, săn sóc những bệnh nhân nghèo.

Cô Tim và một cháu mồ côi trong Nhà May Mắn. Ảnh: NHẬT NGÂN
Một dịp khác mà cũng là định mệnh xui khiến, cô vào thăm trại tâm thần ở Thủ Đức, hình ảnh của những bệnh nhân nơi này làm nhói đau tấm lòng nhân hậu của cô gái vừa tròn 21 tuổi.
Chợt cô nhìn thấy một bé trai khoảng 10 tuổi, tay chân khẳng khiu, bụng trương to, nét mặt đầy đau đớn, nằm lẻ loi trong góc phòng. Cô đến hỏi thăm, nhưng em không còn biết tên mình là gì, từ lâu em sống trong cô độc, không có ai thân thuộc đến gọi tên, lâu quá rồi, cái tên cha mẹ đặt cho cũng đã quên theo thời gian.
Cô hỏi thăm nhân viên trong trại, biết em tên là Thành, đang bị suy tim trầm trọng, sức khỏe em đã cạn kiệt và có lẽ không qua khỏi. Trong những lúc đi vẽ tranh, cô thường nghe bà con nói là “còn nước còn tát”, một câu dân gian của Việt Nam có ý nghĩa rất hay, khuyên mọi người không được nản lòng, nhụt chí.
Trước cái chết của một con người, giành lại sự sống là điều cao quý nhất. Cô xin ban giám đốc chuyển em Thành vào Viện Tim điều trị, và cô là “người nhà” duy nhất của Thành, ngày ngày chăm sóc em hết sức tận tình. Sau 3 tháng Thành bình phục xuất viện.
Các thân nhân của các bệnh nhân trong Viện Tim, chứng kiến cô chăm sóc chu đáo suốt thời gian Thành nằm viện, đã cảm động chỉ hàng chữ Viện Tim trước cổng bệnh viên nói: “Đây là nơi mang lại nhịp đập bình thường cho những trái tim, cô là trái tim, tiếng Việt gọi là lòng nhân ái”. Vậy là từ đó, Aline Rebeud có thêm một tên mới: Tim.
Trong thời gian lưu lại Việt Nam, Tim đã gặp nhiều người tàn tật, cơ nhỡ, những trẻ mồ côi sống lang thang đường phố. Nhiều người bị bại liệt, có cuộc sống khó khăn, bị gia đình ruồng bỏ. Từ đó Tim có ý nghĩ phải giúp họ đến nơi đến chốn. Đó là phải tạo cho họ có được nơi ăn chốn ở đàng hoàng, nhất là giúp họ có khả năng tự lập trong cuộc sống.
Nghĩ là làm, năm 1993, Tim mướn một miếng đất nhỏ trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, lợp lá, kê 10 cái giường, rồi đưa các bệnh nhân về ở chung với các em mồ côi, người khỏe mạnh giúp đỡ chăm lo người bệnh tật. Còn Tim thì ban ngày lo đi làm, quyên góp khắp nơi, đêm về chăm sóc các vết thương lở loét của các người bệnh tật.
Căn nhà của mình, Tim gọi là Maisonchance – Nhà May Mắn. Sau 16 năm chở che những cuộc đời kém may mắn, hiện nay căn nhà của Tim đã được chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới giúp đỡ xây dựng khang trang hơn, chẳng những là nơi cư ngụ của hơn 50 thành viên mà còn có cả 155 trẻ em nghèo ở các khu phố lân cận cùng đến học văn hóa, nghề may, vẽ, tin học và mỹ nghệ…
Suốt 16 năm ròng rã, Tim - Aline Rebeud ở lại Việt Nam gắn bó với các mảnh đời bất hạnh cũng là thời gian mà Tim - Aline Rebeud hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, nay cô đã 37 tuổi. Trái tim nhân hậu của Tim là đốm lửa, chẳng những sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh, mà còn soi đường đưa họ đi đến tương lai bằng chính đôi chân của mình.
Nguyễn Tường Lộc